Xác cá voi nặng gần 40 tấn, được cho là xác cá voi lớn nhất miền Bắc, trôi dạt vào bờ biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa năm 2024 được ngư dân nơi đây lập đền thờ phụng.
Người dân 2 thôn Hùng Thành và Yên Lộc, xã Đa Lộc (huyện Hậu
Lộc, tỉnh Thanh Hóa) gọi cá voi bằng cái tên kính cẩn là "Cá Ông" hoặc
"Ngài Nam Hải". Đối với ngư dân Hậu Lôc, Cá Ông, "Ngài Nam Hải"
là thần hộ mệnh, là nơi gửi gắm niềm tin khi gặp sóng to gió lớn.
"Cá Ông" được ngư dân 2 thôn Hùng Thành và Yên Lộc,
xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa lập đền thờ cúng. Ảnh: Vũ Thượng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Đặng Văn
Tính, người thôn Yên Lộc, thủ tử ngôi đền, trông coi bộ xương "Cá Ông"
kể lại: "Tôi vẫn nhớ, vào tháng 8/2004, ngư dân đang trên đường từ ngoài
biển vào cách bờ khoảng 400 mét thì phát hiện có vật gì đang trôi dạt trên mặt
nước, nhìn to như ngôi nhà. Khi tiến lại gần phát hiện đó là con cá voi xanh đã
chết, nặng chừng 40 tấn".
Ngư dân xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc phải dùng lưới cước quây
xung quanh mới bảo vệ được toàn bộ xương cá voi. Ảnh: Vũ Thượng
"Nhận được thông tin, tôi cùng hàng trăm người dân chèo
gần 30 tàu, thuyền để tiếp cận cá voi. Do kích thước cá voi quá lớn không thể
đưa vào đất liền, mọi người cùng bàn lấy lưới cước vây xung quanh để bảo vệ bộ
xương khỏi nước biển cuốn trôi. Người dân chúng tôi tin rằng, nơi nào được
"Cá Ông" vào và ở lại đồng nghĩa sẽ đem những may mắn, an lành, phát
đạt đến cho nơi đó", ông Tính tâm sự.
Bộ xương "Cá Ông" có chiều dài khoảng 15 mét. Ảnh:
Vũ Thượng
Ông Đặng Văn Tính kể tiếp với phóng viên Báo điện tử Dân Việt:
"Hơn một năm sau, khi thịt "Cá Ông" đã tiêu tan hết, người dân
đưa bộ xương khổng lồ lên bờ, làm vệ sinh sạch sẽ. Bộ xương có chiều dài 15 mét
còn khá nguyên vẹn với 24 chiếc xương sườn (mỗi chiếc dài 1,5 mét), 40 đốt
xương sống. Bộ xương đầu rất to. Đến nay, đây là bộ xương "Cá Ông" được
đánh giá là còn nguyên vẹn, lớn nhất miền Bắc".
Kể từ khi phát hiện xác cá voi, phải hơn một năm người dân
xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) mới đưa hết bộ xương vào bờ thờ cúng.
Ảnh: Vũ Thượng
Ban đầu, do chưa có đền thờ, ngư dân đem bộ xương bảo quản
trong một khu lán lợp tạm bợ bằng fibro xi măng. Gần 10 năm sau, năm 2012, con
em làng chài kêu gọi quyên góp xây dựng khu đền khang trang ở trung tâm làng. Bộ
xương được đưa vào bảo quản trong lồng kính, mỗi ngày làng cắt cử người trông
coi, hương khói chu đáo.
Dâng lễ "Ngài Nam Hải" ngư dân luôn cầu bình an
sau mỗi chuyến vươn khơi
Thông thường cứ vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm, ngư dân 2
thôn Hùng Thành và Yên Lộc, xã Đa Lộc lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư ở đền. Đó là dịp
để dân tỏ lòng biết ơn "Ngài Nam Hải" và cầu mong một mùa đánh bắt bội
thu, tàu thuyền ra khơi được bình an.
Mỗi ngày có hàng chục người dân đến tham quan, lau dọn đền
thờ "Ngài Nam Hải". Ảnh: Vũ Thượng
Ông Đặng Văn Tính nói
rằng : “Trước kia, 2 thôn Hùng Thành và Yên Lộc vốn là vùng đất hoang sơ, nghèo
khó không ai biết tới. Đến nay, đời sống người dân đã khấm khá, lúa đầy bồ, gà,
lợn đầy chuồng, nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Đồng thời, có rất đông đoàn
khách thập phương trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa đến đây tham quan và chiêm ngưỡng
hài cốt Đức "Cá Ông" khổng lồ này".
Nguồn: Báo Thanh Hóa