Tu bổ nhà cổ của ông Phan Văn Dũng bằng vốn hỗ trợ từ ngân sách.
Điều đó
khiến người dân không mặn mà với việc bảo tồn di tích quốc gia. TP Hà
Nội, thị xã Sơn Tây đang từng bước giải quyết những vướng mắc này để bảo
tồn làng cổ, tiếp tục biến Đường Lâm thành không gian du lịch hấp dẫn.
Nảy sinh nhiều bất cập
Đến Đường Lâm bất kỳ thời điểm nào cũng có thể gặp những đoàn khách
trong nước và quốc tế đi tham quan, tìm hiểu các di tích, nhà cổ, nhất
là thôn Mông Phụ - khu vực bảo vệ cấp I của di tích làng cổ. Tình trạng
nhà cao tầng mái bằng xây bừa bãi đã được ngăn chặn. Nhiều di tích trên
địa bàn như: đình Mông Phụ, cổng làng Mông Phụ, lăng và đền Ngô Quyền,
đình Cam Lâm, một số giếng làng và nhiều nhà cổ... được đầu tư sửa chữa,
cải tạo. Theo đại diện Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, từ chỗ
mỗi năm chỉ có một vài chục nghìn khách tham quan, thì năm nay, dự kiến
Đường Lâm đón 200 nghìn lượt khách. Từ chỗ đón khách tham quan đơn
thuần, người dân đã biết làm các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, bán quà lưu
niệm... phục vụ khách du lịch.
Thế nhưng, đằng sau vẻ bề ngoài ấy, những mâu thuẫn giữa bảo tồn và
phát triển vẫn âm ỉ ở đây. Đường Lâm là một di tích sống. Cùng với mật
độ dày đặc các di sản như: Đình, đền, cổng làng, giếng cổ..., vẻ đẹp của
Đường Lâm nằm ở hàng trăm ngôi nhà cổ, nhà mái ngói theo kiến trúc
truyền thống. Nhưng với hơn 1.500 hộ dân sinh sống, những bất cập luôn
nảy sinh.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Phan Văn Hòa trăn trở: “Nhiều gia
đình có ba, bốn thế hệ cùng sinh sống trong một không gian chật chội,
thiếu tiện nghi mà không thể xây mới là thực trạng tại địa phương. Ngay
cả việc sửa chữa, cơi nới đều khó khăn vì sẽ phá vỡ nguyên tắc bảo tồn
di tích. Nhiều người do bức xúc trước nhu cầu cuộc sống đã dỡ nhà cổ để
xây mới. Chúng tôi rất tiếc về vấn đề này, nhưng đây là tài sản riêng
của hộ dân, cho nên việc xử lý rất khó”. Gia đình ông Kiều Văn Thắng
(thôn Đông Sàng) là một thí dụ điển hình. Ngôi nhà của ông do các cụ để
lại, được xây dựng từ năm 1762. Hàng trăm năm tuổi đời khiến ngôi nhà
xuống cấp trầm trọng, tường đất, mái ngói xô lệch. Gia đình ông Thắng
đông con, thu nhập thấp. Nếu sửa chữa để khôi phục theo kiến trúc cũ thì
nhà ông không đủ khả năng kinh tế. Sửa chữa bằng các vật liệu hiện đại
thì vi phạm nguyên tắc bảo tồn di sản.
Trong hơn 1.500 ngôi nhà ở Đường Lâm, có khoảng 100 ngôi nhà tuổi đời
từ 100 đến 400 năm, được công nhận là nhà cổ loại I, loại II, cần bảo
tồn. Tuy nhiên, hàng trăm ngôi nhà khác, không có nhiều giá trị về mặt
kiến trúc, nghệ thuật, nhưng vẫn phải bảo tồn, hoặc nếu sửa chữa, xây
dựng lại thì thủ tục khá phức tạp. Khách du lịch đến Đường Lâm khá đông,
nhưng hiện tại, mới có khoảng 10% hộ gia đình có thu nhập từ du lịch.
Quanh đi, quẩn lại, điểm dừng chân của khách vẫn thường là nhà cổ của
gia đình các ông: Nguyễn Văn Hùng, Hà Nguyên Huyến, Hà Hữu Thể... Những
gia đình còn lại không thu được lợi nhuận từ du lịch, cho nên không mặn
mà với danh hiệu “làng di tích”, nhất là khi phải sống trong những ngôi
nhà cũ nát.
Từng bước tháo gỡ “nút thắt”
Hơn mười năm qua, UBND thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây đã đầu tư vào
xã Đường Lâm ngót nghét 370 tỷ đồng nhằm bảo tồn di tích và xây dựng
Nông thôn mới. Con số nghe thì lớn, nhưng thật ra, phải dành nhiều khoản
đầu tư cho giáo dục (78 tỷ đồng), hạ tầng nông thôn (75 tỷ đồng)...
Kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn không nhiều. Trong đó, lại ưu tiên
tôn tạo các di tích quan trọng. Kinh phí hỗ trợ các gia đình bảo tồn,
tôn tạo những ngôi nhà cổ gặp không ít khó khăn. Phó Chủ tịch UBND thị
xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết: “Để giải quyết vấn đề khó khăn về
kinh phí, chúng tôi phải làm theo hình thức “cuốn chiếu”, ưu tiên theo
mức độ xuống cấp và giá trị kiến trúc của các ngôi nhà. Giai đoạn từ năm
2011 đến 2016 mới đầu tư, tu bổ được 20 nhà. Sang giai đoạn 2017 -
2020, mỗi năm dự kiến chúng tôi tu bổ 10 ngôi. Số còn lại sẽ tiếp tục tu
bổ vào giai đoạn sau. Các hộ gia đình có nhà cổ xuống cấp đều sẽ được
hỗ trợ tu bổ”.
Với cách làm này, đến năm 2020, sẽ có một nửa nhà cổ giá trị loại I
và loại II được tu bổ. Các hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí sửa chữa,
tôn tạo nhìn chung đều phấn khởi. Nhiều hộ sau khi được cải tạo đã đón
khách du lịch tham quan, có thêm thu nhập. Đối với những căn nhà không
thuộc diện phải bảo tồn nguyên trạng, UBND thị xã Sơn Tây đã xin Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội cho phép cải tạo, xây
dựng theo những mẫu thiết kế phù hợp với cảnh quan.
Tháng 7-2016, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành 20 mẫu nhà. Các mẫu này
được thiết kế mái ngói, phỏng theo kiến trúc truyền thống. Một số ngôi
nhà ở những vị trí nhất định trong làng có thể xây lên hai, hoặc ba
tầng, nhưng chiều cao không quá 10,65 m. Tùy thuộc vào kích thước khu
đất và mong muốn của gia đình, người dân có thể lựa chọn mẫu. Từ năm
2015 đến nay, cơ quan chức năng đã tư vấn kiến trúc cho 174 hộ dân, cấp
phép xây dựng cho 96 hộ. Mâu thuẫn giữa việc bảo tồn không gian với nhu
cầu cuộc sống từng bước được giải tỏa thông qua việc xây dựng nhà mới
theo mẫu truyền thống.
Từ năm 2014, thị xã Sơn Tây triển khai Dự án xây dựng hạ tầng kỹ
thuật khu đất giãn dân phục vụ bảo tồn làng cổ. Hiện nay, công tác giải
phóng mặt bằng, phân lô khu đất giãn dân theo quy hoạch cơ bản được hoàn
thiện. UBND thị xã Sơn Tây, Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm cũng tổ chức
các lớp hướng dẫn người dân kỹ năng làm du lịch. Một số hộ dân có những
hình thức kinh doanh dịch vụ mới như: cho thuê xe đạp, làm quà tặng, tổ
chức các hình thức trải nghiệm nông nghiệp cho khách tham quan (trồng
rau, hái chè, bắt cá...). Bên cạnh đó, hoạt động nông nghiệp, nghề
truyền thống tại Đường Lâm được định hướng phục vụ cho du lịch như: phát
triển nghề nuôi gà Mía - đặc sản của vùng đất Sơn Tây, làm tương cổ
truyền, sản xuất bánh kẹo truyền thống.
Các cơ quan chức năng đang nỗ lực hỗ trợ người dân để tiến tới có ít
nhất 20% số hộ dân tại Đường Lâm được hưởng lợi từ du lịch. UBND thị xã
Sơn Tây đang đề nghị điều chỉnh phạm vi khoanh vùng khu vực II của di
tích làng cổ Đường Lâm theo hướng thu hẹp lại. Phương án này giúp việc
đầu tư có trọng điểm hơn; khu vực có ít kiến trúc giá trị sẽ được “nới
lỏng” các quy định về xây dựng, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Hiện, hồ
sơ đề nghị điều chỉnh phạm vi khoanh vùng bảo tồn đang được lấy ý kiến
cơ quan chức năng trước khi trình UBND thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch xem xét vào tháng 8-2018.
Với những giải pháp nêu trên, những “nút thắt” trong việc bảo tồn,
phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm đang dần được tháo gỡ. Tuy nhiên,
thực tế cho thấy một số bất cập: Dự án giãn dân đã khởi động bốn năm mà
mới hoàn thành được khâu giải phóng mặt bằng; việc xây nhà theo mẫu mô
phỏng truyền thống khá tốn kém, gây khó khăn cho người dân; việc chuyển
đổi cơ cấu kinh tế còn chậm; người dân Đường Lâm xuất thân từ nông dân,
cho nên kỹ năng làm du lịch, dịch vụ còn hạn chế... Điều này đòi hỏi các
cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn nữa trong nhiệm vụ bảo tồn, phát huy
giá trị làng cổ. Chỉ khi đời sống người dân được bảo đảm, thu nhập được
nâng lên từ khai thác du lịch di sản, thì họ mới gắn bó, yêu mến di sản.