Thông thường, hằng năm vào đầu hoặc giữa tháng 7 âm lịch mùa nước nổi đã tràn về ĐBSCL. Nhưng đến thời điểm này, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu vẫn rất thấp khiến hàng trăm ngàn người dân sống “ăn theo” mùa nước nổi thất nghiệp, các doanh nghiệp du lịch theo đó cũng lao đao do không thể khai thác tour “mùa nước nổi”.
|
Lũ không về, du khách sẽ không có cảm giác thú vị khi ngồi trên ghe tham quan những khu rừng tràm dày đặc tổ chim |
Khắp ĐBSCL các hoạt động du lịch liên quan đến mùa nước nổi đang “án binh bất động”. Trong số các tỉnh thuộc khu vực này, An Giang là một trong những tỉnh thiệt hại nặng nhất do nằm ở “đầu con nước”, có nhiều công ty du lịch tham gia khai thác tour.
Không thể mở tour
Theo ông Lý Chấn An - giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch An Giang, một trong những đơn vị khai thác tour mùa nước nổi rất thành công những năm qua, mấy năm trước thời điểm này đã có khá nhiều đơn vị lữ hành ở TP.HCM ký hợp đồng hợp tác khai thác tour mùa nước nổi. Nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa có đối tác nào ký hợp đồng mua tour, cũng như chưa có khách nào tham gia.
Bà Bùi Thị Hồng Hà, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch An Giang, cho biết: “Hiện đã vào mùa nước nổi cả tháng nhưng mực nước chỉ nhỉnh hơn bình thường đôi chút, nét đặc trưng mùa nước nổi vì thế kém rất xa so với mọi năm nên các doanh nghiệp không thể mở tour. May mắn, nhờ khai thác tour du lịch biên giới tốt nên lượng khách du lịch đến An Giang vẫn tăng”.
Đặc sản du lịch sẽ nghèo
Ai cũng biết ngành du lịch phát triển hay không phụ thuộc vào sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa con người, nền văn hóa và cảnh quan thiên nhiên. Nếu một trong ba yếu tố ấy vì lý do nào đó trục trặc sẽ khiến ngành du lịch bị “tổn thương”.
Một giám đốc doanh nghiệp du lịch thừa nhận trường hợp mùa nước nổi đang nằm... dưới sông như năm nay không chỉ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của nhiều người mà đặc sản du lịch cũng sẽ nghèo đi. Thay vì nhìn thấy hình ảnh đặc trưng nhất của mùa nước nổi là cảnh người dân chèo ghe thả lưới, buông chài, câu cá... trên những cánh đồng nước mênh mông thì du khách chỉ thấy vài người đánh bắt cá dưới sông, rạch.
Ngay cả khi nước lũ không ngập đồng ruộng, chuột cũng sẽ phân tán khiến du khách không hào hứng khi tham gia tour “săn chuột đồng”.
Một hình ảnh rất đặc trưng của mùa nước nổi đã đi vào thơ ca và lòng du khách có nguy cơ biến mất là những chiếc ghe đầy ắp bông điên điển vàng rực ngang dọc khắp nơi... Không chỉ nghèo về hình ảnh, tour mùa nước nổi đặc trưng cũng sẽ nghèo theo hoặc không để lại ấn tượng mạnh trong lòng du khách.
Đặc sản đáng kể nữa là những món ăn đặc trưng mùa nước nổi cũng không đầy đặn như lúc trước.
Anh Tân, một người thích đi du lịch “bụi” mùa nước nổi, cho biết: “Mọi năm, ở thời điểm hiện tại, vào bất kỳ nhà hàng sang trọng hay quán bình dân nào du khách cũng có thể thưởng thức những món ăn dân dã đặc trưng Nam bộ như lẩu mắm, bún cá với rất nhiều thứ rau riêng có trong mùa nước nổi. Nhưng hiện tại nếu tinh ý sẽ thấy hương vị, màu sắc của món lẩu mắm hoặc bún cá giảm đi phần nào vì thiếu một số món rau hoặc lượng bông điên điển, bông súng ít đi”...
Nguồn : Tuổi Trẻ