VnMedia - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.
Theo quy hoạch, phạm vi Khu di tích lịch
sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng bao gồm các xã, phường: Hy Cương, Chu Hóa
và Vân Phú (thành phố Việt Trì); Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) và Phù Ninh
(huyện Phù Ninh) với tổng diện tích 845 ha.
Đối với Khu vực I (vùng lõi) diện tích
32,2 ha là khu vực bao gồm các di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ,
Đền Giếng, Lăng Vua Hùng, Chùa Thiên Quang, Bảo tháp, Nhà thờ Tổ, gác
Chuông. Khu vực này tiếp tục bảo tồn nguyên trạng các di tích, hệ thống
đường bậc, cây xanh cảnh quan và rừng nguyên sinh.
Đối với Khu vực II (vùng đệm) diện tích
812,8 ha bao gồm các khu Núi Vặn, núi Trọc; khu Trung tâm lễ hội; khu
cảnh quan Hồ Mẫu; khu rừng quốc gia Đền Hùng và cảnh quan sinh thái phía
Bắc; tháp Hùng Vương; đài tưởng niệm liệt sỹ và đền thờ Quốc tổ Lạc
Long Quân và khu dân cư hiện trạng. Định hướng phát triển chủ yếu là
không gian kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên bảo vệ khu di tích, không
gian tổ chức lễ hội và dịch vụ du lịch.
Khu di tích là nơi giáo dục truyền thống yêu nước
Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo quản, tu
bổ, phục hồi và phát huy giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, môi
trường sinh thái của Khu di tích lịch sử Đền Hùng; định hướng kế hoạch
tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị
Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Đồng thời, tạo lập các không gian tưởng
niệm, tôn vinh các vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương, để
Khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước,
đoàn kết dân tộc, điểm du lịch về với cội nguồn dân tộc đặc biệt hấp
dẫn; tổ chức hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và tôn
tạo khu di tích.
Hình thành và phát triển các sản phẩm du
lịch đa dạng và phong phú, trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di
tích gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế - xã
hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Xuân Hưng