Chọn Huế sau nhiều năm vắng bóng
Star Cruises là hãng tàu du lịch lớn, từ 1999-2008 từng phối hợp cùng Công ty Lữ hành Saigontourist liên tục đưa hàng trăm ngàn du khách tàu biển đến Hạ Long, Đà Nẵng. Sau nhiều năm gián đoạn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Star Cruises đã trở lại Việt Nam, với những bản hợp đồng đưa khách du lịch từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) tham quan Huế.
Theo kế hoạch, từ đầu tháng 11/2011, trung bình một tuần, Star Cruises sẽ có một chuyến cập cảng Chân Mây. Ước tính đến cuối tháng 3/2012, tổng cộng sẽ có 25 chuyến tàu của hãng vận chuyển du lịch này đến Huế. Với công suất 1.500 khách/chuyến, trong vòng 5 tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Thừa Thiên Huế đón được trên 3 vạn du khách bằng đường biển. Phần lớn du khách đến từ hãng Star Cruises có quốc tịch Trung Quốc và các nước châu Á. Theo lịch trình, các đoàn sẽ đến Huế tham quan Đại Nội, chùa Thiên Mụ, mua sắm tại chợ Đông Ba, siêu thị Big C và thưởng thức ẩm thực Huế tại các nhà hàng.
Ông Phan Tiến Dũng, TUV - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết, những tháng tới Huế sẽ liên tục được mùa du lịch đường biển. Ngoài hãng Star Cruises, Công ty TNHH Thương mại-Du lịch Tân Hồng đã có kế hoạch đưa từ 10-15 chuyến khách đến Huế qua cảng Chân Mây với công suất từ 350-400 khách/chuyến. Ngoài tuyến hàng không qua sân bay Phú Bài và tuyến đường bộ xuyên Á, việc số tàu du lịch biển cập cảng Chân Mây tăng cao là tín hiệu vui cho du lịch Huế, góp phần tăng lượng khách và doanh thu cho ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Khai thác hiệu quả hơn du lịch đường biển
Sau niềm vui chuẩn bị đón hàng vạn khách du lịch bằng tàu biển, vấn đề đặt ra là khai thác đối tượng khách này như thế nào cho hiệu quả.
Thực tế cho thấy, hầu hết các chuyến tàu du lịch bằng đường biển đến Huế đều có thời gian neo đậu rất thấp. Tổng cộng một lần đến, du khách chỉ có từ 9-10 tiếng đồng hồ để tham quan, mua sắm và ăn uống nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Mặt khác, trong qúa trình cập cảng Chân Mây, nhiều đoàn khách không tham quan Huế mà chọn điểm đến là Đà Nẵng.
Nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, tỉnh nên có kế hoạch xây dựng những sản phẩm du lịch như thế nào để thu hút và giữ chân lâu hơn du khách từ tàu biển. Với thời gian ghé chân gấp gáp, cần tận dụng cảng Chân Mây. Ngoài vai trò điểm trung chuyển, cần xây dựng nơi đây thành một trung tâm mua sắm, đặc biệt là các sản phẩm lưu niệm hiện nay đang rất nghèo nàn và đơn điệu.
Một số đơn vị lữ hành cho rằng, ngoài tham quan T.P Huế, nên tổ chức khai thác thế mạnh du lịch ngay tại địa bàn huyện Phú Lộc như Lăng Cô, Bạch Mã, Túy Vân... để thu hút đối tượng khách này.
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường liên kết để tổ chức đón tiếp và khai thác tốt hàng chục đoàn khách tàu biển đến Huế thời gian tới, đặc biệt là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công tuyến đường vào cảng Chân Mây, bảo đảm giao thông thông suốt. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND huyện Phú Lộc và Công ty TNHH 1 thành viên cảng Chân Mây khẩn trương lập phương án và dự toán kinh phí xây dựng bản đồ hướng dẫn du lịch trên địa bàn huyện, trong đó lưu ý tuyến đảo Sơn Chà. Cách cảng Chân Mây không xa, với đặc thù của du lịch biển-đảo, đây sẽ là một trong những điểm đến lý tưởng đối với khách du lịch tàu biển.
Ngày 8/11 tới, chuyến tàu du lịch Hồng Kông đầu tiên sẽ cập cảng Chân Mây, mở đầu một mùa du lịch đường biển đầy triển vọng cho Huế.
Nguồn : Báo Thừa Thiên Huế