Việt Nam đã xây dựng hệ thống chính sách tương đối đầy đủ về chính sách, văn bản luật và dưới luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Với hệ thống chính sách đó, Việt Nam đang tiến tới trở thành một nước có những tiến bộ trong công tác BVMT tại khu vực Đông Nam Á.
Nhiều năm qua, công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu về BVMT sau khi các dự án đầu tư được phê duyệt và hoạt động đăng ký, xác nhận bản cam kết BVMT đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai. Một số doanh nghiệp, chủ dự án thực hiện nghiêm túc các quy định về đánh giá tác động môi trường, hậu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký bản cam kết BVMT theo quy định.
Tuy nhiên, qua các thông tin, số liệu báo cáo của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương cho thấy vẫn còn không ít dự án được triển khai đã bỏ qua công tác đánh giá tác động môi trường; công tác đánh giá tác động môi trường ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả; nhiều dự án đã đi vào hoạt động chính thức chưa được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận và nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đã không thực hiện việc đăng ký bản cam kết BVMT theo quy định của pháp luật, do đó đã có nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nêu trên phải kể đến là: nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật, không ít trường hợp đã cố tình trốn tránh trách nhiệm thực hiện các biện pháp, công trình BVMT nên đã không lập hồ sơ báo cáo về việc đã thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác nhận theo quy định. Mặt khác về chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm môi trường vẫn còn chưa thỏa đáng, chưa có tính răn đe.
Cùng với đó, các cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư dự án đôi khi cũng còn coi nhẹ việc thực hiện các thủ tục và các yêu cầu về BVMT đối với các dự án đầu tư. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chưa có đủ nguồn lực cần thiết, bao gồm cả nguồn nhân lực để có thể chủ động kiểm tra, giám sát việc chủ dự án, doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu về BVMT.
Hệ thống chính sách về BVMT tại Việt Nam hiện đang dần hoàn thiện nên vẫn còn nhiều thiếu sót và bất cập: chưa đồng bộ và gắn kết cao, hiệu quả của chính sách vẫn thiên về hướng quản lý hơn là khuyến khích tìm ra giải pháp khắc phục và bảo tồn. Với 2 văn bản mới được ban hành trong năm 2011 là Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT, chính sách pháp luật về BVMT và đánh giá tác động môi trường đã triệt để hơn về giải pháp thực thi. Nghị định số 29/2011/NĐ-CP đã quy định rõ danh mục 146 nhóm dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc 19 lĩnh vực như: Xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; giao thông; năng lượng, phóng xạ; điện tử, viễn thông; thủy lợi; dầu khí; xử lý chất thải; chế biến thực phẩm; sản xuất phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm; dệt nhuộm và may mặc…)
Vào đầu tháng 11/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Hội nghị quốc gia về đánh giá tác động môi trường với sự tham dự của hơn 400 đại biểu đại điện cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đại diện các tỉnh, thành phố, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố; một số tổ chức quốc tế; đại diện một số tập đoàn, tổng công ty, các trường Đại học, Viện Nghiên cứu, chuyên gia quản lý, khoa học về môi trường.
Hội nghị là nơi chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT ở các Bộ, ngành, địa phương; thảo luận xác định những khó khăn trong việc thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT và đề xuất các giải pháp để khắc phục và nâng cao chất lượng của các công tác này; trao đổi về hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Nguồn : Vccinews