Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm năm tỉnh là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với tổng diện tích 27.879km2, dân số khoảng 6,5 triệu người (năm 2009) với chuỗi đô thị đang phát triển nằm trải dài trên 558km bờ biển đó là cố đô Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các khu kinh tế biển Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội.
Đây là vùng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với Tây Nguyên, tiểu vùng sông Mekong và châu Á - Thái Bình Dương.
Vai trò của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là cung cấp các sản phẩm công nghiệp như nhiên liệu, sắt thép, vật liệu xây dựng, máy móc cơ khí, thiết bị điện tử, phân bón, thức ăn công nghiệp cho gia súc, hàng tiêu dùng, đồng thời cung cấp công nghệ, kỹ thuật, chuyên gia cho các dự án đầu tư, có khả năng tiếp nhận toàn bộ nguồn nguyên liệu và chế biến xử lý kỹ thuật thông qua các khu chế biến thương mại và xuất khẩu thông qua dịch vụ cảng biển và các cảng hàng không.
|
Biển là thế mạnh lớn của miền Trung |
Dù có nhiều tiềm năng như vậy, nhưng sự hợp tác giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn yếu, sự hợp tác hiện nay vẫn còn dừng lại trên giấy tờ. Vì vậy, cần tìm cách mô phỏng một mô hình dự án đầu tư nhằm thực hiện sự kết nối có hiệu quả của các khu vực nêu trên. Có thể đề nghị một mô hình đầu tư khép kín bởi các “dự án đa lĩnh vực, đa miền” theo các khâu sau đây:
- Đầu tư các thiết bị, sản phẩm công nghệ vật liệu và kỹ thuật vào vùng nguyên liệu nhằm tạo nên một vùng nguyên liệu theo hướng cơ khí hóa, chuyên canh hóa và theo hướng sản xuất hàng hóa tại khu vực Tây Nguyên và tam giác phát triển Đông Dương.
- Đầu tư xây dựng các khu chế biến thương mại tại các khu kinh tế biển để chế biến các nguyên liệu nhận được từ vùng nguyên liệu.
- Thông qua dịch vụ cảng biển xuất khẩu các thành phẩm đã chế biến ra nước ngoài.
Toàn bộ ba khâu nêu ra trên đây đều được thực hiện khép kín trong cùng một dự án tổng hợp theo mô hình dự án đầu tư đa lĩnh vực, đa miền.
Đẩy mạnh dịch vụ cảng biển
Để tăng cường khả năng xuất nhập khẩu phục vụ cho các ngành công nghiệp và các khu chế biến thương mại, cần thiết mở rộng và nâng cấp hệ thống các cảng biển nước sâu tại các khu kinh tế biển như tổ chức lại cụm cảng Đà Nẵng - Chân Mây để thực hiện chức năng cụm cảng thương mại, trung chuyển của vùng kinh tế động lực miền Trung và cả nước.
Trước nhu cầu đòi hỏi phát triển và mở rộng Khu kinh tế Dung Quất, sự ra đời dự án cảng nước sâu Mỹ Hàn tại khu kinh tế này có thể đón tàu trọng tải 300 ngàn tấn nhằm phục vụ cho một khu đại công nghiệp về lọc hóa dầu, luyện cán thép, điện và các ngành công nghiệp phụ trợ với vốn đầu tư toàn bộ có thể lên đến vài chục tỉ USD.
Cần thiết tổ chức lại dịch vụ cảng biển ở các khu kinh tế nhằm đáp ứng được các nhu cầu phát triển đang đến. Cần đưa sự quản lý cảng biển tại khu kinh tế về một mối và việc khai thác các cảng trong khu kinh tế được thực hiện bằng hình thức cho thuê dịch vụ ngắn hạn hoặc dài hạn bằng các hợp đồng khai thác dịch vụ cảng.
Về cực Nam của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cần đẩy mạnh việc đầu tư cảng biển nước sâu Nhơn Hội với tầm cỡ xứng đáng của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Sự chậm trễ đầu tư và đưa vào khai thác cảng Nhơn Hội sẽ trực tiếp làm chậm trễ đáng kể sự đầu tư phát triển của Khu kinh tế biển Nhơn Hội, khu vực Nam Trung bộ và đặc biệt ảnh hưởng đến sự kết nối vùng này với Tây Nguyên và tiểu vùng sông Mekong.
Thế mạnh về du lịch dịch vụ
|
Du khách nước ngoài ở Tây Nguyên |
Các dự án du lịch dịch vụ sẽ tạo sự kết nối phát triển giữa trục kinh tế biển duyên hải với Tây Nguyên và tiểu vùng sông Mekong. Sự kết nối này được hình thành dưới các mô hình đầu tư du lịch theo hướng du lịch từ miền núi - trung du - biển, hải đảo dưới dạng du lịch sinh thái, môi trường kết nối với du lịch văn hóa, lịch sử theo con đường di sản của miền Trung và các nước tiểu vùng sông Mekong.
Do sự kết nối ngày càng hoàn chỉnh của các trục đường Đông - Tây cũng như sự đầu tư mạnh mẽ vào các vùng dọc hành lang kinh tế Đông - Tây ở phía Bắc (qua Lao Bảo) và ở phía Nam (qua Bờ Y), một cung du lịch qua các vùng địa lý tự nhiên cũng như các di sản văn hóa thế giới trên các vùng lãnh thổ sẽ được tạo ra.
Theo Hiệp hội Các tổ chức du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), năm 2009, lượng khách du lịch đến Campuchia khoảng hai triệu người, đến Lào 800.000 người, đến Myanmar 200.000 người, đến Việt Nam 3,7 triệu người và đặc biệt là đến Thái Lan khoảng 14 triệu người. Lượng khách khá lớn như vậy sẽ làm tăng thêm số lượng và chất lượng du lịch trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây.
Ngày nay, khách du lịch có thể đi một vòng từ Thái Lan, Lào đến Lao Bảo qua miền Trung Việt Nam và từ đó lên Tây Nguyên, qua Bờ Y đến tam giác phát triển Đông Dương, sang Campuchia theo hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam. Theo vòng cung du lịch đó, du khách có thể thưởng ngoạn thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hóa đầy bản sắc dân tộc của các nước tiểu vùng sông Mekong.
Du lịch dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế, an toàn xã hội, chất lượng dịch vụ khách hàng và khả năng tài chính. Bởi vậy, sự tuyên tuyền, quảng bá và sự hợp lý trong dịch vụ đầu tư, sự ổn định xã hội sẽ tăng thêm giá trị và sự hấp dẫn của các khu vực liên kết. Phát triển du lịch dịch vụ theo các trục hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ tạo nên sự kết nối và hội nhập kinh tế xã hội giữa các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên và tiểu vùng sông Mekong.
Tạo thành trục giao thông Đông - Tây
Rõ ràng, đầu tư chiến lược vào trục hạ tầng giao thông Đông - Tây sẽ phá thế cô lập của Tây Nguyên và tạo nên sự kết nối không gian lãnh thổ giữa trục kinh tế biển dọc duyên hải miền Trung đang phát triển với Tây Nguyên và tiểu vùng sông Mekong. Đầu tư kinh tế bằng dự án đa lĩnh vực, đa miền khép kín dưới sự quản lý của một chủ đầu tư sẽ phá rào cản ngăn cách địa phương và tạo ra một không gian kinh tế mềm dẻo, hài hòa, năng động, tạo nên sự liên kết một cách tự nhiên theo quy luật phát triển kinh tế, không bị sự chi phối bởi các thủ tục hành chính quan liêu.
Khai thác thế mạnh công nghiệp, du lịch dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thế mạnh hình thành một vùng nguyên liệu lớn theo hướng cơ khí hóa, chuyên canh hóa và theo hướng sản xuất hàng hóa của Tây Nguyên và tam giác phát triển Đông Dương bằng mô hình đầu tư nêu ra trên đây sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mạnh mẽ trên các vùng lãnh thổ.
Tăng cường đầu tư và cấu trúc lại dịch vụ cảng biển tại các khu kinh tế sẽ mở ra một sức sống mới của các khu kinh tế biển, làm hậu thuẫn cho sự kết nối giữa vùng duyên hải và miền Tây. Phát triển du lịch dịch vụ theo hành lang kinh tế Đông - Tây thúc đẩy được sự hội nhập kinh tế - văn hóa - xã hội giữa vùng trọng điểm miền Trung và các nước tiểu vùng sông Mekong.
Sự liên kết và phát triển còn có thể diễn ra trên nhiều phương diện và nhiều mô hình, tuy nhiên trước hết nên chọn các giải pháp và mô hình nhằm phá thế cô lập giữa các vùng về không gian lãnh thổ, phá các rào cản về không gian kinh tế, đồng thời cài đặt các thế mạnh của các vùng vào các mô hình đầu tư thích hợp tạo sự cộng hưởng và nhảy vọt trong phát triển.
Nhìn lại 20 năm về trước, khi tổ hợp cảng biển nước sâu và Khu công nghiệp phức hợp Dung Quất chưa ra đời, mấy ai nghĩ rằng một ngày không xa miền Trung sẽ đi lên trên con đường công nghiệp hóa với tính đặc thù khác miền Bắc và miền Nam. Đó là con đường đi tắt để đuổi kịp sự phát triển hai đầu của đất nước. Giờ đây, chúng ta có thể tin tưởng rằng sự kết nối với trục kinh tế biển miền Trung, Tây Nguyên và tam giác phát triển Đông Dương sẽ mang lại những sức bật lớn, giúp cho cả miền Trung nhanh bước hơn trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Theo TS. TRƯƠNG ĐÌNH HIỂN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần