Được đánh giá là có khá nhiều tiềm năng về phát triển du lịch như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhưng du lịch Hải Dương hiện vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển, thậm chí tụt hậu so với một số tỉnh thành lân cận.
Tiềm năng lớn
Hải Dương là một tỉnh có địa hình đồi núi, trong đó có địa hình karst; có nhiều hồ, các điểm cảnh quan đẹp (danh thắng, thác nước, khe, hẻm núi…); có điểm tập trung đa dạng sinh học đặc trưng hệ sinh thái đồng bằng (đảo Cò); có số lượng và mật độ di tích lịch sử văn hóa vào loại lớn nhất nước, trong đó có di tích đặc biệt cấp quốc gia như Khu di tích, danh thắng Côn Sơn-Kiếp Bạc với một quần thểcác di tích chùa, miếu, am… được xây dựng trên địa hình núi cao, trong khu cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Đây cũng là điểm tài nguyên mang tính đặc trưng cao của du lịch Hải Dương vì cũng chỉ một vài địa phương trong cả nước có được những điểm du lịch có nét tương đồng (Chùa Hương-Hà Nội, Yên Tử-Quảng Ninh). Hải Dương cũng có số lượng di tích danh nhân nhiều nhất nước như thờ Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Tuệ Tĩnh, MạcĐĩnh Chi, Nguyễn Thị Duệ; có tới gần 10% trong tổng số lễ hội toàn quốc, trongđó có nhiều lễ hội dân gian. Hải Dương còn là quê hương nghệ thuật dân gian rối nước - loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam; có hệ thống làng nghề phát triển, đặc sản ẩm thực.
Hiện tỉnh đã hình thành nhiều khu, điểm du lịch chính: Khu Côn Sơn-Kiếp Bạc; khu An Phụ-Kính Chủ; điểm du lịch sinh thái đảo Cò Chi Lăng Nam; khu du lịch thành phố Hải Dương. Ngoài ra, còn một số điểm di tích, làng nghề, làng quê khác đang hình thành điểm du lịch như di tích Đền Cao, Văn miếu Mao Điền, đền Tranh, đền Khúc Thừa Dụ, làng múa rối nước Hồng Phong, gốm Chu Đậu, chạm khắc gỗ Đông Giao, thêu Hưng Đạo…
Nằm ở vùng phụ cận trung tâm du lịch Hà Nội và mối quan hệ mang tính liên vùng du lịch với các tỉnh trong khu vực nên Hải Dương đã hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh và nội tỉnh như Hải Dương-Quốc lộ 18-Hạ Long-cửa khẩu Móng Cái-Trung Quốc; Hải Dương-Bắc Ninh-Lạng Sơn-cửa khẩu Hữu Nghị quan-Trung Quốc; Hải Dương-Hải Phòng; Hải Dương-Bắc Giang-Lạng Sơn; tuyến du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc, Kính Chủ-An Phụ; tuyến du lịch sinh thái thăm làng cò Chi Lăng Nam, đền Quát, đền Tranh, làng Cúc Bồ; tuyến du lịch thăm làng tiến sỹ Mộ Trạch, Văn miếu Mao Điền; tuyến du lịch tổng hợp thăm các di tích lịch sử, làng nghề, sinh thái...
Cần một “cú hích” cho du lịch
Mặc dù sở hữu những tiềm năng lớn như trên nhưng đến nay du lịch Hải Dương vẫn loay hoay tìm hướng phát triển và thậm chí đang tụt hậu so với một số tỉnh, thành lân cận.
Thẳng thắn nhận xét về những hạn chế của du lịch Hải Dương, bà Phạm Thu Liên, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết tăng trưởng về lượng khách và thu nhập du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; chưa tạo được sự hấp dẫn đặc biệt, nổi trội đối với khách du lịch so với những địa phương khác trong cả nước; chưa hình thành rõ nét sản phẩm du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao.
Đến nay, cả tỉnh chưa có khu du lịch tổng hợp đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hệthống các khu du lịch chuyên đề cũng chưa được hình thành một cách rõ ràng. Tiềm năng ở Côn Sơn-Kiếp Bạc, sông Hương-Thanh Hà, đảo Cò-Chi Lăng Nam và các làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức nên hạn chế trong phát triển du lịch. Hệ thống hạ tầng bên trong các khu du lịch còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chưa có chiến lược dài hạn, thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô hoạt động hạn chế. Tình trạng chồng chéo trong quản lý, khai thác tài nguyên du lịch, ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững.
Nhận thấy tiềm năng sẵn có, Hải Dương cũng đã tập trung đầu tư nhằm phát triển du lịch. Trong 5 năm qua, các cơ sở lưu trú du lịch ở Hải Dương phát triển cả vềsố lượng và chất lượng, đáp ứng phần nào nhu cầu của khách du lịch. Nếu như năm 2006, toàn tỉnh chỉ có 73 khách sạn, nhà nghỉ, với tổng số 1.540 phòng nghỉ thìđến năm 2010 đã tăng lên 133 cơ sở lưu trú với tổng số 2.637 phòng, tốc độ tăng trưởng phòng khách sạn giai đoạn 2006-2010 đạt 14,4%.
Về nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng có những thay đổiđáng khích lệ. Năm 2006, Hải Dương có 2.400 lao động làm việc trực tiếp trong cơquan quản lý Nhà nước về du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch, đến năm 2010đã tăng lên 3.745 người, tăng trưởng trung bình 15,6%. Ngoài ra, hàng năm còn hàng chục ngàn lao động xã hội khác phục vụ du lịch thông qua cung ứng hàng hóa, dịch vụ vận tải, ăn uống, vui chơi giải trí tại các điểm du lịch...
Tuy nhiên, những bước phát triển trên chưa thực sự làm cho ngành du lịch Hải Dương vươn lên tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Hải Dương đã phê duyệt quy hoạch từ nay đến nă m 2015, để phát triển du lịch, theo đó tập trung vào một số mục tiêu chính như đầu tư xây dựng khu Côn Sơn-Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia với hình ảnh điểm đến rõ nét, có sức cạnh tranh trong khu vực Bắc Bộ;tiếp tục thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh đãđược xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020; hình thành và đưa vào khai thác các tour du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; gắn việc quản lý, khai thác du lịch với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Tỉnh Hải Dương tập trung vào các dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng-chữa bệnh-dưỡng sinh Côn Sơn, khu du lịch nghỉ dưỡng Làng quê Việt, khu vui chơi giải trí Đảo Ngọc; xây dựng tour du khảo đồng quê, du lịch đường sông; các dự án cải tạo và xây mới hệ thống cơ sở lưu trú du lịch.
Hải Dương cũng sẽ tiến hành quy hoạch hệ thống du lịch làng nghề tiêu biểu sau đó xây dựng mô hình du lịch cộng đồng làng nghề; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng tham gia du lịch; lựa chọn một làng nghề truyền thống nông thôn phù hợp để xây dựng khu bảo tàng nông nghiệp phục vụ khách du lịch... Với những nỗ lực trên, ngành du lịch Hải Dương sẽ có được những đột phá, biến du lịch trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới./.
(Nguồn : TTXVN)