Luật du lịch số 09/2017/QH14 có nhiều điểm mới
Luật Du
lịch số 09/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 19/6/2017 và
chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 có nhiều điểm mới so với Luật
du lịch 2015. Điều này đòi hỏi cần phải nghiên cứu một cách cụ thể, chi
tiết các hành vi vi phạm để xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Theo bà
Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, “một trong
những quan điểm xuyên suốt của Luật Du lịch 2017 là lấy khách du lịch
làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Nhiều nội dung liên quan như
quy định về quản lý khu, điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng
dẫn viên du lịch, kinh doanh các dịch vụ du lịch khác đều đã được điều
chỉnh, bổ sung để bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp
của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tham quan,
du lịch.”
Cụ thể, đối
với hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành Luật Du lịch 2017 quy định:
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành không được lợi dụng hoạt
động du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào
Việt Nam trái pháp luật; phải công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép
kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn
phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong
giao dịch điện tử; phải mua bảo hiểm cho khách du lịch; sử dụng hướng
dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch theo hợp đồng lữ hành;
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải ký quỹ và được cấp
giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa...
Trong hoạt
động kinh doanh lưu trú du lịch: Chủ cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch
không được quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch hoặc
quảng cáo về loại, hạng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ
sở lưu trú du lịch chi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận; phải
bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, duy trì
chất lượng cơ sở lưu trú du lịch theo đúng loại, hạng đã được công
nhận...
Kinh doanh
dịch vụ du lịch khác được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du
lịch: Phải đảm bảo điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn phục vụ khách du
lịch theo quy định của Luật Du lịch và các quy định của pháp luật có
liên quan trong suốt quá trình kinh doanh.
Trong hoạt
động hướng dẫn du lịch: Hướng dẫn viên du lịch được hành nghề khi thỏa
mãn 3 điều kiện là có thẻ hướng dẫn viên; có hợp đồng với doanh nghiệp
kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du
lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp; có hợp đồng hướng
dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công
hướng dẫn theo chương trình du lịch.
Đồng thời,
Luật Du lịch năm 2017 cũng bổ sung thêm nhiều quy định mới về nghĩa vụ
của hướng dẫn viên du lịch so với Luật Du lịch năm 2005 như: phải báo
cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi
chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu; tham gia
khóa cập nhật kiến thức theo quy định; phải mang theo giấy tờ phân công
nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình
du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề, trường hợp hướng dẫn cho
khách du lịch quốc tế thì phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng
Việt và tiếng nước ngoài.
Trong đảm
bảo an toàn cho khách du lịch, giải quyết kiến nghị của khách du lịch:
Luật Du lịch năm 2017 bổ sung trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá
nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch, kinh doanh du lịch trong việc
đảm bảo an toàn cho khách du lịch và giải quyết kịp thời kiến nghị của
khách du lịch.
Nghị định158/2013/NĐ-CP và Nghị định số 28/2017/NĐ-CP chưa bao quát hết các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch
Sau 04 năm
thực hiện nhiều quy định trong Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013
của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn
hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã không còn phù hợp với thực tiễn
trong lĩnh vực du lịch. Ngày 20/3/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định
số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt
vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số
158/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên,
một số hành vi vi phạm, quan hệ du lịch phát sinh trong thực tiễn nhưng
chưa được điều chỉnh trong Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và Nghị định số
28/2017/NĐ-CP.
Cụ thể,
hoạt động du lịch thời gian qua có nhiều hành vi vi phạm của các đối
tượng nhưng lại chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy
phạm pháp luật đặc biệt là chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính
như: Việc hai doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành ký hợp đồng hợp
tác mỗi doanh nghiệp tiến hành thực hiện một phần của chương trình du
lịch (một doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin xét duyệt nhân sự, một
doanh nghiệp thực hiện việc đón, đưa và tiễn khách du lịch...). Hay như
việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bán hợp đồng kỳ nghỉ cho khách
du lịch...
Do đó, cần
có chế tài xử lý triệt để các hành vi vi phạm, đảm bảo được lượng khách
du lịch cũng như sự phát triển bền vững của ngành du lịch nước ta trong
thời gian tới.
Mặt khác,
sau khi Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực, qua thanh tra, kiểm tra phát
hiện nhiều hành vi vi phạm các quy định của Luật Du lịch năm 2017, tuy
nhiên, cơ quan thanh tra không thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính
do thiếu chế tài xử phạt, các hành vi vi phạm này chưa được đưa vào Nghị
định số 158/2013/NĐ-CP hay Nghị định số 28/2017/NĐ-CP. Hoặc có những
hành vi vi phạm được quy định trong hai Nghị định trên nhưng lại không
còn phù hợp với Luật Du lịch năm 2017.
Vì vậy,
việc xây dựng và sớm ban hành Nghị định quy định xử phạt trong lĩnh vực
du lịch là cần thiết để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà
nước đồng thời thu hút khách du lịch và đảm bảo phát triển du lịch bền
vững.