(Dân Việt) Anh Trần Vũ Bình - con trai của anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai cho biết từ khi tour du lịch Biệt động Sài Gòn được mở, trung bình mỗi tháng có 10-20 đoàn tham quan. Nhiều người xúc động khi được nhìn lại những di tích mang đậm dấu ấn của Biệt động Sài Gòn năm nào.
Tour Biệt động Sài Gòn được mở đón khách từ tháng 6.2018. Từ khi mở đến nay, nơi đây đã đón nhiều đoàn du khách nước ngoài, trong đó có ông Aziz Abu Sarah - một diễn giả, nhà hoạt động, đấu tranh cho hòa bình, là tác giả của nhiều bài báo, bài viết trên các tạp chí lớn của Mỹ như National Geographic, New York Times...
Ông cùng Đoàn cộng sự tham quan, nghe thuyết minh về hầm nổi tại Di tích Hầm nổi và hộp thư bí mật của Biệt động Sài Gòn tại số 113A Đặng Dung, nằm trong chuỗi di tích Tour Biệt động Sài Gòn. Đây là nơi vợ chồng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Năm Lai) đã xây dựng một hầm vũ khí bí mật từ năm 1965.
Hiện nay nơi đây vẫn còn trưng bày nhiều hình ảnh, các loại vũ khí, có cả những vật dụng như chiếc xe máy mà Đội 5 biệt động sử dụng trong trận tấn công dinh Độc Lập.
Nhiều du khách đã không tránh khỏi xúc động khi hồi tưởng quá khứ cũng như cảm phục sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn.
Tại đây, những du khách nước được nghe lại câu chuyện của bà Đặng Thị Thiệp, vợ ông Trần Văn Lai kể lại quá trình đào hầm, vận chuyển vũ khí về cất giấu tại nội thành Sài Gòn và nghe bà Vũ Minh Nghĩa; ông Phan Văn Hôn, 2 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trực tiếp tham gia trận đánh dinh Độc Lập kể về trận đánh lịch sử.
Bà Đặng Thị Thiệp kể hồi đó ông Năm Lai đã mua một dãy ba căn nhà sát nhau nhưng ông chọn căn ở giữa để đào hầm. Căn hầm được ông Năm Lai thiết kế hoàn toàn bí mật, nắp hầm nhỏ nằm giữa phòng khách, chứa được khoảng 15 người. Ngoài ra, ông Lai còn đào thêm căn hầm bên cạnh rộng gần gấp đôi, chuẩn bị tập kết vũ khí về nhưng khi ấy chiến dịch Mậu Thân nổ ra bất ngờ nên phải dừng lại.
Theo lời bà, suốt thời kỳ chống Mỹ, ông Năm Lai còn mua nhiều căn nhà khác để đào hầm nuôi giấu cán bộ, làm hộp thư bí mật... Đến năm 1968 thì số vũ khí trong hầm là hơn hai tấn.
Cũng tại căn hầm này, vào đêm mùng 1, rạng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, các chiến sĩ biệt động Đội 5 đã tập kết về đây nhận vũ khí và xuất phát tiến công vào dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Đây chính là chiếc xe mà ông Trần Văn Lai (Năm Lai) cựu cán bộ biệt động Sài Gòn sử dụng trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trong suốt thời kỳ hoạt động cách mạng, ông đã chuyển quân đến mục tiêu chiến đấu, vận chuyển vũ khí vào căn hầm bí mật ở nhà số 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM.
Cũng trên chiếc xe này, ông Lai thường chở bà "vợ bé" là Đặng Tuyết Mai (hay còn gọi là Đặng Thị Thiệp) về căn nhà ở Nguyễn Đình Chiểu mỗi chiều. Cánh cửa ngôi nhà đóng chặt, là lúc ông chui xuống đào hầm còn bà ở trên nhận đất. Đến sáng sớm, ông lái xe hơi cùng “vợ bé” rời đi, trong xe giấu những bao tải đựng đầy đất đá. Trong một thời gian dài, căn hầm được đào xong mà không một ai hay biết.
Sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, 2 chiếc xe của ông Lai (trong đó có chiếc xe NCE 345) đã bị địch tịch thu và sử dụng. Sau 50 năm cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968, trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử, con trai ông là anh Trần Vũ Bình đã mất rất nhiều công sức để chuộc chiếc xe về và giữ nó cho đến nay.
Đoàn ông Aziz Abu Sarah - một diễn giả, nhà hoạt động, đấu tranh cho hòa bình chăm chú lắng nghe những câu chuyện lịch sử. Ông Aziz là đồng sáng lập một công ty du lịch bên Mỹ. Mục đích chuyến đi này ngoài tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam ông cũng có mong muốn phát triển du lịch, kết hợp giữa công ty ở Mỹ và Tour Biệt động Sài Gòn ở Việt Nam.
Đoàn ông Aziz Abu Sarah chụp ảnh cùng với các nhân chứng lịch sử Đội 5 Biệt động Sài Gòn.