Xây dựng sản phẩm du lịch trên những con sông nổi tiếng Tây Bắc như sông Đà, sông Gâm là đề xuất của nhiều doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch vùng.
Du lịch phát triển chưa xứng đáng với tiềm năng là nhận định chung của Ban chỉ đạo Tây Bắc và Tổng cục Du lịch trong hội thảo thực trạng và giải pháp hút khách đến vùng này vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn
Năm 2015, Tây Bắc mở rộng (gồm 12 tỉnh, gọi tắt là Tây Bắc) đón gần 9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm gần 18%. So với các vùng khác, lượng khách đến Tây Bắc còn khá khiêm tốn, quy mô chỉ chiếm 5-7% so với cả nước.
|
Hội thảo tìm ra giải pháp hút khách đến vùng Tây Bắc. Đẩy cũng là chủ đề của năm Du lịch Quốc gia 2017. Ảnh: Vy An.
|
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, khách đến Tây Bắc không đồng đều trong năm, tính mùa vụ rất cao, tập trung vào các lễ hội như hội Hoa Ban (Điện Biên, Sơn La), chợ vùng cao hay một vài điểm như Mộc Châu, Sa Pa, cao nguyên đá Đồng Văn. Thời gian còn lại lượng khách rất thưa thớt. Chi tiêu của khách đến đến Tây Bắc cũng không cao, chủ yếu là khách nội địa, thời gian lưu lại trung bình ngắn (dưới 1,5 ngày).
Nhiều nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra, trong đó tập trung vào cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Hiện toàn vùng có 307 cơ sở lưu trú được xếp hạng với gần 9.000 buồng, công suất xấp xỉ 60%. Khi có sự kiện tầm quốc gia thì hệ thống này không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều công trình mới được đầu tư xây dựng trong thời gian qua những vẫn chưa làm thay đổi căn bản bức tranh du lịch của cả vùng.
Trong khi đó, Tây Bắc sở hữu phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nhiều điểm đến độc đáo như cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đỉnh Fansipan, hồ Sông Đà... Tuy nhiên đến nay vùng vẫn chưa có sản phẩm du lịch nào thật sự nổi bật kết nối được các điểm tham quan trong khu vực, chỉ trừ một số nơi đã tạo được thương hiệu như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình).
Đẩy mạnh tour du lịch đường sông
Để phát triển du lịch, vùng Tây Bắc phải tập trung vào 4 trụ cột chính, gồm cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, dịch vụ và nhân lực, theo ý kiến của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn. Trong đó, vấn đề được các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến đây đặc biệt quan tâm là sản phẩm du lịch.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ cho rằng một trong những thế mạnh của Tây Bắc là giao thông đường thủy với rất nhiều con sông dài, đẹp và hùng vĩ như sông Đà, sông Gâm, sông Năng… Nhưng thời gian qua nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm để xây dựng sản phẩm du lịch.
|
Thuyền trên Thung Nai, Hòa Bình. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn.
|
“Ưu điểm của những thủy lộ này không chỉ thuận lợi khi muốn kết nối với cung đường bộ, làm sản phẩm du lịch Tây Bắc thêm phong phú, mà còn giúp du khách lấy lại sức, giảm mệt mỏi sau những ngày di chuyển trên đường đèo, hiểm trở”, ông Dũng nói. Do đó, việc cần làm là đầu tư bến bãi và thuyền bè để có thể di chuyển trên những hành trình xa hơn, chứ không chỉ là thuyền sát nhỏ lẻ như hiện nay, ông Dũng chia sẻ thêm.
Cũng đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Vietravel cho rằng Tây Bắc đang thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng: “Trong khi nhắc đến miền Trung là nhắc đến du lịch biển đảo, miền Tây là miệt vườn sông nước thì Tây Bắc với rất nhiều nét văn hóa đặc sắc lại chưa hình thành được sản phẩm du lịch điểm nhấn nào”, bà Hương cho hay.
Theo đó, bà Hương đề xuất các tỉnh trong vùng cần chọn một nét chung nổi bật để tạo thành thông điệp và quảng bá cho Tây Bắc. Ngoài ra, có thể tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật vào một khung giờ nhất định, bán vé hay mở bảo tàng văn hóa Tây Bắc để du khách thưởng thức và tìm hiểu, bà Hương góp ý thêm.
Tập trung vào các nét văn hóa riêng biệt của từng dân tộc để tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo cũng góp phần thu hút khách quốc tế đến Tây Bắc. Ông Trần Trọng Kiên, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Minh cho biết với thị trường khách này, Tây Bắc có thể tận dụng thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch mạo hiểm, trong đó tập trung vào các tuyến đường trekking, đường mòn đạp xe, bay dù lượn, khinh khí cầu hoặc chèo bè.
Tuy nhiên, thúc đẩy phát triển du lịch vùng nhưng không ép phát triển nhanh, nóng vội, tránh làm phá vỡ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa bản địa là ý kiến chung của các doanh nghiệp lữ hành. Theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, du lịch Tây Bắc trước mắt cần tập trung vào khách nội địa, đầu tư và phát triển có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Nguồn : Vnexpress