Triển khai các ứng dụng số, không gian số đã mang lại hiệu quả trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và là cầu nối đưa du khách dễ dàng tiếp cận hơn với các địa điểm du lịch Huế.
Du khách trải nghiệm tại Trạm tương tác thông minh. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
Huế
đang tiên phong ứng dụng các công nghệ mới nhất vào bảo tồn và khai
thác du lịch văn hoá, nổi bật trong đó là xây dựng mạng lưới các Trạm
tương tác thông minh kết nối với nhau để tạo thành một bản đồ văn hoá di
sản, mang lại trải nghiệm liền mạch cho du khách.
Đi cùng với xu
thế toàn cầu, các nước tiên tiến trên thế giới đều đang ứng dụng công
nghệ mới nhất vào du lịch văn hoá. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
đã tiên phong thử nghiệm triển khai và tích hợp nhiều công nghệ như Trạm
tương tác thông minh, Triển lãm thực tế ảo cổ vật triều Nguyễn,...
Mạng lưới tương tác thông minh cho du lịch văn hoá
Ứng
dụng công nghệ để kể câu chuyện văn hoá lịch sử và tăng mức độ tương
tác của du khách với mỗi công trình, di tích, di sản chỉ mới được quan
tâm đầu tư gần đây. Tiên phong trong xu thế đó và phù hợp với bối cảnh
du lịch văn hoá tại Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã
triển khai công nghệ Trạm tương tác thông minh tại khu vực Đại Nội trước
thềm sự kiện Điện Thái Hoà chính thức ra mắt đón khách tham quan sau 3
năm trùng tu.
Mỗi trạm tương tác thông minh đóng vai trò như một “hướng dẫn viên
số” có thể cung cấp nhiều tiện ích và hỗ trợ cần thiết cho du khách. Các
trạm này liên kết với nhau trong một trải nghiệm liền mạch, tạo thành
một bản đồ trải nghiệm văn hoá và di sản toàn diện, có khả năng tùy biến
cao và tiềm năng phát triển không giới hạn. Mô hình này với tiềm năng
giúp Huế trở thành hình mẫu trong ứng dụng công nghệ vào du lịch văn hoá
để mở rộng ra cả nước.
Trạm tương tác thông minh là những bảng
vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm ngắn (NFC) mà khách du lịch
có thể chạm điện thoại vào để kết nối được câu chuyện văn hóa lịch sử
của mỗi địa điểm với nhiều hình thức thể hiện phong phú, bao gồm hình
ảnh, video, mô hình 3D, văn bản, và hướng dẫn viên sử dụng trí thông
minh nhân tạo.
Trạm tương tác thông minh được lắp đặt tại các điểm tham quan trong Đại nội Huế. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
Tại
mỗi vị trí, du khách cũng được cung cấp lộ trình du lịch và được dẫn
đường đến điểm tham quan tiếp theo. Chụp hình check-in và đăng tải hình
ảnh của chính mình lên “bảng vàng” của từng địa điểm cũng là một chức
năng vô cùng được yêu thích, trong đó du khách được “khắc tên mình lên
bức tường số” của từng địa điểm mà không hề gây mất mỹ quan cho các danh
thắng và còn giúp từng địa điểm quảng bá du lịch, tạo tác động tốt cho
địa phương. Ngoài ra, du khách cũng có thể tham gia vào các nhiệm vụ thú
vị để nhận được những phần thưởng hấp dẫn…
Trước đó vào tháng 9/2024, công nghệ Trạm tương tác thông minh đã
được thí điểm tại Hải Vân Quan khi nơi này mở cửa đón khách tham quan
trở lại sau quá trình phối hợp trùng tu giữa Huế và Đà Nẵng.
Du
khách có thể chạm vào các trạm tương tác thông minh tại 9 điểm quan
trọng của Hải Vân Quan để kết nối với câu chuyện và để lại những hình
ảnh đẹp của mình trên “bức tường số” của quan ải đầy tính lịch sử này.
Trung
tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn dự định mở rộng triển khai công nghệ
Trạm tương tác thông minh đến nhiều khu vực di tích hơn, từ đó tạo thành
một bản đồ tổng thể liên kết toàn bộ các khu vực, giúp du khách có trải
nghiệm liền mạch xuyên suốt và tăng độ sâu tương tác với nhiều chức
năng được thêm vào về sau.
Du khách tương tác với Trạm thông minh để kết nối. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
Với
công nghệ mới này, mô hình du lịch văn hoá của Huế có tiềm năng thay
đổi sâu sắc thói quen du lịch của của du khách cả trong và ngoài nước,
chạm sâu hơn vào các câu chuyện, trải nghiệm nhiều hơn các địa điểm du
lịch, thúc đẩy liên kết mạnh hơn với các dịch vụ địa phương, từ đó tạo
ra tích cực cho bức tranh chung của du lịch văn hoá và có thể trở thành
một hình mẫu tham khảo điển hình để khai thác du lịch văn hoá ở các tỉnh
thành khác.
Công nghệ mới mang tên Tap Quest này sẽ được Trung
tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị cung cấp giải pháp là Phygital
Labs tiếp tục phối hợp phát triển riêng cho văn hoá và di sản Huế, với
kỳ vọng sẽ triển khai mô hình hoàn thiện trên toàn bộ các địa điểm văn
hoá và di sản tại Thành phố Huế trực thuộc trung ương trước thềm sự kiện
đăng cai tổ chức Năm Du Lịch Quốc Gia và Festival Huế vào tháng 3/2025.
Ứng dụng công nghệ phát triển du lịch Huế
Có
thể thấy, trong những năm gần đây Huế đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng
dụng tạo nên dấu ấn cho ngành du lịch đến gần hơn với du khách.
Trước
đó vào tháng 5/2024, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã sử
dụng công nghệ để định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn thuộc Bảo tàng Cổ
vật cung đình Huế quản lý. Các cổ vật được gắn chip NFC và được định
danh duy nhất bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs.
Trung tâm
Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng ra mắt triển lãm 10 cổ vật nói trên ở
không gian số nhờ tích hợp công nghệ Apple Vision Pro và ứng dụng công
nghệ của Phygital Labs.
Từ đây, du khách có thể dùng smartphone
tương tác với chip NFC Nomion gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều
với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của
cổ vật.
Định danh các cổ vật trên không gian số. (Ảnh chụp màn hình)
Để tham quan loạt cổ vật quý giá này trên không gian số, mọi người chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://museehue.vn.
Nhằm
hỗ trợ du khách thuận tiện trong việc di chuyển và tìm kiếm các điểm
đến trong Hoàng Cung Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp
với HueCIT xây dựng App "Di tích Huế." Du khách được trang bị bản đồ số
đầy đủ và được hướng dẫn để tham quan Hoàng Cung Huế.
Đầu tháng 10/2023, dự án “Một Food ở Huế” ra đời nhằm truyền tải nét
đẹp ẩm thực Huế bằng công cụ AI. Dự án đã xây dựng nên đại sứ AI -
Chabot mang tên O Thực để giúp du khách có thể tìm hiểu và trải nghiệm
ẩm thực đặc sắc "xứ Huế."
Cũng vào cuối năm 2023, Sở Du lịch Huế
đã ra mắt “Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport” nhằm giúp du khách
ứng dụng công nghệ để khám phá những địa điểm du lịch Huế nổi tiếng.
Sự
kết hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ hiện đại đang mở ra một kỷ
nguyên mới cho ngành du lịch Huế. Đây không chỉ là giải pháp để bảo tồn
và phát huy giá trị truyền thống, mà còn là cách để Huế khẳng định vị
thế của mình trên bản đồ du lịch quốc tế./.
Minh Sơn