Nhiều nghệ sĩ sáng tác và nhiều tác phẩm đã không có mặt trong triển lãm ảnh nude được cho là "lịch sử" khi lần đầu được một cơ quan nhà nước tổ chức.
Chụp ảnh kỷ niệm tại triển lãm ảnh nude (Ảnh Ngữ Yên)
Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN, đánh
giá cao triển lãm chuyên đề Ảnh nude nghệ thuật do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và
Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Triển lãm diễn ra từ ngày 20-27 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội.
“Đây là cuộc triển lãm ảnh nude đầu tiên do một cơ quan nhà nước thực hiện. Một
chặng đường không phải không gian nan để có được. Đã có sự đột phá để chúng ta
giới thiệu với công chúng những tác phẩm nghệ thuật của thể loại ảnh nude. Tôi
cho rằng đây là triển lãm mang tính khai mở một dòng nghệ thuật của nhiếp ảnh. Ảnh
nude không xa lạ với các nước trên thế giới. Chỉ có điều chúng ta dám làm
không, chúng ta dám sáng tác không, chúng ta dám công bố không. Đấy là việc của
chính chúng ta. Anh em nghệ sĩ chụp rồi, nhưng khâu công bố thì đúng là còn hạn
chế”, ông Khánh nói.
Cách thức tìm người chọn ảnh, theo Ban tổ chức, dựa trên những
thông tin mà Cục biết về các nghệ sĩ chụp nude trong cả nước. “Khi Bộ giao cho
chúng tôi, chúng tôi lên kế hoạch những nghệ sĩ sáng tác khắp cả nước. Trên cơ
sở đó thì mời tham gia. Trong quá trình mời cũng nhiều tác giả không đáp ứng
yêu cầu của BTC đề ra. Chẳng hạn, một số tác giả chụp ảnh rõ mặt nhưng lại
không có thỏa thuận với người mẫu. Nên nhiều tác giả tên tuổi không xuất hiện”,
ông Mã Thế Anh- Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết.
Có nghĩa là các tay máy chụp nude có chất lượng trong cả nước đều được Cục này
mời.
Mặc dù vậy, cũng không phải tay máy chụp nude nào cũng có mặt
trong triển lãm này. Chẳng hạn, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan với những bức ảnh chụp nude giàu cảm hứng
về người đàn bà vùng nhiệt đới đã không có mặt tại đây. Nhiếp ảnh gia Dương
Minh Long với bức ảnh Hoa váy rất nhiều người yêu thích cũng không hề góp mặt.
Nhiếp ảnh gia Na Sơn, người luôn muốn mỗi bộ ảnh nude đều có một
concept chặt chẽ cũng không hề có ảnh hiện diện tại triển lãm. Nhiếp ảnh gia
Ngô Lịch, người từng chụp nude nhiều năm khi thể loại ảnh này còn đang “trong
vòng bí mật” không được mời dự treo ảnh dù bạn bè đánh giá cao.
Thiếu người, triển lãm còn thiếu cả những bức hay nhất của
chính các nhiếp ảnh gia đang tham gia triển lãm. Nhiều người trong số họ cho biết,
đã chọn gửi nhiều ảnh hơn, song ban tổ chức đã chọn lại. Qua việc lựa chọn đó,
nhiều bức họ thích đã không lọt triển lãm. “Tôi cũng biết quá cách chọn rồi nên
tôi chọn theo hướng an toàn đó. Thành thử tôi cũng chưa thực sự hài lòng tác phẩm
của mình trong triển lãm. Vì bức hài lòng thì nó khó mà được treo”, ông Nguyễn
Quốc Dũng nói.
Ông Vũ Huyến, nguyên Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt
Nam, cho rằng triển lãm cũng có cái khó là phải cân đối nhiều yếu tố. “Tôi vào
đây và cảm thấy rất mừng vì quyền lợi của người sáng tác, nhiệm vụ người duyệt
và thị hiếu người xem không bị xung đột. Trong thể loại này chỉ cần xung đột về
quyền lợi đã khó rồi… Thế hệ đi qua chiến tranh như chúng tôi thấy rất xúc động
với triển lãm này, vì chúng mình đã đến giai đoạn rất cởi mở”, ông Huyến nói.
Về cơ bản, ông Vũ Quốc Khánh cho rằng đây là một triển lãm đủ cởi mở, và nhất là đảm bảo yếu tố an toàn.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh nữ duy nhất tại triển lãm - bà Đỗ Thùy Mai Ảnh: Ngữ Yên
Người mẫu chụp ảnh với tác phẩm trưng bày của nghệ sĩ Dương Quốc Định Ảnh: Ngữ Yên
Triển lãm có nhiều người xem thuộc thế hệ đã đi qua chiến tranh Ảnh: Ngữ Yên
Chôn dấu Ảnh: Đào Đức Hiếu
Âm dương Ảnh: Dương Quốc Định
Sự chuyển hóa Ảnh: Dương Quốc Định
Bóng nắng Ảnh: Lê Quang Châu
Trái chín Ảnh: Lê Quang Châu
Sinh Ảnh: Ngô Xuân Phú
Đường nét ánh sáng Ảnh: Nguyễn Á
Ký ức Ảnh: Nguyễn Quốc Dũng
Xuân Ảnh: Nguyễn Quốc Dũng
Thiên sứ Ảnh: Thái Phiên
Khắc khoải Ảnh: Phó Bá Cường
Theo Thanh Niên