Huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang được tạo hóa ban tặng những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, cộng đồng văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch. Huyện đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các lễ hội mang bản sắc riêng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Ruộng bậc thang mùa lúa chín là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của xã Hồng Thái, huyện Na Hang, thu hút du khách xa gần tới tham quan, chiêm ngưỡng.
Trên địa bàn huyện Na Hang hiện có 12 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng. Những năm gần đây, Na Hang luôn chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Huyện đã xây dựng kế hoạch khôi phục những làng nghề truyền thống về dệt thổ cẩm, nhất là những thôn, xã đã có nghề dệt như Đà Vị, Thượng Nông, Yên Hoa, Hồng Thái... Các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm được mở tại các xã nhằm tạo ra các sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm truyền thống của địa phương; đồng thời, tích cực gìn giữ các món ăn truyền thống, đặc sản của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tại các xã có làng văn hóa du lịch cộng đồng như: Hồng Thái, Thanh Tương, Năng Khả, Ban Quản lý Làng văn hóa du lịch các địa phương đã xây dựng các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân tộc thường xuyên tập luyện các tiết mục văn nghệ dân gian như hát, múa Páo dung của người Dao; hát Then, Cọi của người Tày; múa Khèn của người H’Mông. Các địa phương tái hiện lại những nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (Lễ cấp sắc, Lễ hội nhảy lửa...), các trò chơi dân gian của đồng bào (bắt cá bằng tay không, đánh pao, tung còn...) để du khách đến Na Hang được trải nghiệm.
Ông Bàn Quý Tỉnh, chủ homestay ở thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang cho biết: “Bản thân là người Dao, khi bắt tay làm dịch vụ homestay, tôi đã được đi học tập kinh nghiệm làm du lịch ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình. Khi về áp dụng tại gia đình mình, tôi đã trang trí homestay bằng những sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc để quảng bá, giới thiệu cho du khách”.
Không chỉ riêng sản phẩm dệt thổ cẩm, nhiều khách du lịch thích thú, chủ động tìm mua những sản phẩm khác như thực phẩm, vật phẩm trang trí của đồng bào về làm kỷ niệm. Đây cũng là cách giúp bà con có thêm thu nhập từ làm sản phẩm du lịch. Xã Thượng Nông, huyện Na Hang có 70% dân cư là người dân tộc Tày. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập 10 câu lạc bộ Dệt thổ cẩm và hát Then, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phục vụ làm du lịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Hang Tô Viết Hiệp cho biết: Trong những năm qua, hoạt động du lịch của huyện được quan tâm đầu tư, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông từ trung tâm huyện đến các xã nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách; qua đó, đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, hướng tới xây dựng huyện Na Hang là điểm đến du lịch hấp dẫn.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm, sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của huyện vùng cao Na Hang.
Huyện có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái vùng hồ, rừng nguyên sinh; du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng. Hiện, huyện đang xây dựng ba làng văn hóa du lịch: Khâu Tràng (xã Hồng Thái), Nà Khá (xã Năng Khả), Bản Bung (xã Thanh Tương); phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái thuộc Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình; du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; du lịch lễ hội Lồng Tông; Lễ hội Giã cốm, Lễ hội Hoa lê, chợ đêm… Gắn di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng, huyện Na Hang đã khai thác những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Na Hang, địa phương thành lập nhiều đoàn khảo sát, lựa chọn một số thôn, bản để xây dựng địa điểm phục vụ du lịch, trong đó có các điểm quan sát, check-in, điểm cắm trại, dã ngoại, nghỉ dưỡng, điểm du lịch mạo hiểm, leo núi, khám phá rừng nguyên sinh, hang động, thác nước.
Trong thời gian tới, để khai thác các tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, huyện sẽ tiếp tục thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2021-2025. Huyện chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá, mời gọi chuyên gia tư vấn việc phát triển du lịch một cách bài bản, bền vững; khai thác có hiệu quả Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình.
Huyện lấy du lịch sinh thái thiên nhiên là trung tâm để phát triển các chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, du lịch sinh thái rừng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa đậm bản sắc các dân tộc. Bên cạnh đó, địa phương đưa các sản phẩm du lịch mới, hiện đại như bay dù lượn, bay khinh khí cầu, đua xe đạp, mô-tô nước, thi câu cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang... vào thử nghiệm để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với huyện.
Na Hang phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 350.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế hơn 2.000 lượt; doanh thu từ du lịch đạt hơn 430 tỷ đồng. Xây dựng Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu quốc gia, tiến tới có thương hiệu quốc tế; xây dựng ít nhất một làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng hai sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc trưng có thương hiệu riêng.
Bài và ảnh: Hải Chung
Báo Nhân dân điện tử - nhandan.vn - Đăng ngày 23/4/2024