Báo cáo cho biết, cứ một trong bốn điểm đến vẫn tiếp tục đóng cửa hoàn toàn với du khách quốc tế.
Tính đến ngày 1-11, có 152 điểm đến trên thế giới đã nới lỏng các
lệnh hạn chế với du lịch quốc tế, tăng từ mức 115 điểm đến được ghi nhận
hôm 1-9. Đồng thời, có 59 điểm đến vẫn đóng cửa biên giới với du khách,
giảm 34 điểm đến so với hai tháng trước đó.
Tổng giám đốc UNWTO Zurab Pololikashvili nói: “Việc dỡ bỏ các hạn chế
đi lại là cần thiết để chèo lái sự hồi phục rộng lớn từ các tác động
kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19. Các chính phủ là một phần quan
trọng để đưa ra các khuyến cáo đi lại có trách nhiệm và dựa trên các dữ
liệu, đồng thời cùng nhau hợp tác để dỡ bỏ các lệnh hạn chế ngay khi có
đủ độ an toàn”.
UNWTO đã tiến hành theo dõi với 217 điểm đến trên toàn thế giới kể từ
khi đại dịch Covid-19 bùng phát và cập nhật tình hình trong các báo cáo
thường kỳ nhằm giúp hỗ trợ nỗ lực giảm thiểu và hồi phục ngành du lịch.
Trong bản báo cáo mới nhất này, UNWTO đã cập nhật phương pháp nghiên
cứu nhằm cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các xu hướng du lịch của
các điểm đến, cũng như khám phá mối liên hệ giữa cơ sở hạ tầng y tế và
vệ sinh, hiệu suất môi trường và bất kỳ mối liên hệ tiềm năng nào với
các hạn chế đi lại.
Nghiên cứu kỹ hơn các lệnh hạn chế đi lại ngăn chặn Covid-19 hiện
tại, bản báo cáo làm sáng tỏ các yếu tố kết nối những điểm đến đã được
nới lỏng hạn chế và những điểm vẫn đóng cửa biên giới.
Nghiên cứu cho thấy rằng, các điểm đến có điểm số cao hơn về các chỉ
số sức khỏe và vệ sinh, chỉ số đánh giá hoạt động môi trường đều nằm
trong các điểm đến nới lỏng các hạn chế nhanh hơn. Thêm vào đó, các điểm
đến này tăng cường áp dụng các cách tiếp cận đa dạng, dựa trên các mối
nguy cơ để thực hiện các lệnh hạn chế đi lại.
Nới lỏng hạn chế không đồng đều
Trong khi đó, các điểm đến vẫn đóng cửa biên giới chủ yếu là các nền
kinh tế mới nổi với các điểm số thấp về các chỉ số y tế và vệ sinh, chỉ
số đánh giá hoạt động môi trường. Hầu hết những điểm đến này ở khu vực
châu Á và Thái Bình Dương.
Như trong các ấn bản trước, báo cáo Hạn chế Du lịch mới của UNWTO
cũng chia nhỏ phân tích điểm đến theo khu vực. Châu Âu tiếp tục dẫn đầu
trong việc dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế đi lại với 49 điểm đến (tăng
từ 44 điểm đến trong tháng 9). Tiếp sau là châu Mỹ với 40 điểm đến
(chiếm 78% tổng số điểm đến toàn châu Mỹ); Châu Phi có 40 điểm đến đã
nới lỏng hạn chế du lịch và tiếp theo là Trung Đông với tám điểm đến
(chếm 62% số điểm đến toàn khu vực) đã nới lỏng hạn chế đi lại.
Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực có ít hạn
chế đi lại được nới lỏng nhất và đóng cửa biên giới hoàn toàn với du
lịch quốc tế. Khu vực này có tới 27 điểm đến (chiếm 59% số điểm đến toàn
khu vực) vẫn đóng cửa biên giới hoàn toàn, và chỉ có 15 điểm đến nới
lỏng hạn chế đi lại.
Tại thời điểm khảo sát, trên thế giới có 67 điểm đến (chiếm 31% số
điểm đến toàn thế giới) yêu cầu du khách chứng minh kết quả xét nghiệm
PCR âm tính với Covid-19 và 10 điểm đến yêu cầu cách ly khi tới nơi.
Trong tương lai, báo cáo nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chính
phủ trong việc tái khởi động du lịch. Trong số mười thị trường nguồn du
lịch lớn nhất, bốn thị trường (chiếm 19% tổng số chuyến đi nước ngoài
trong năm 2018) đã ban hành hướng dẫn khuyến cáo đối với tất cả các
chuyến du lịch quốc tế không thiết yếu. Tuy nhiên, sáu thị trường còn
lại (chiếm 30% tổng số chuyến đi nước ngoài trong năm 2018) đã đưa ra
các lời khuyên du lịch linh hoạt hơn, theo hướng dẫn của họ về đánh giá
rủi ro dựa trên bằng chứng.