Trong báo cáo mới nhất ngày 4/10, Tổ chức Du lịch Thế
giới (UNWTO) công bố Phong vũ biểu Du lịch Thế giới cho thấy, khoảng 54
triệu du khách đã đi du lịch nước ngoài trong tháng 7/2021. Con số này
giảm 67% so với cùng kỳ trước đại dịch Covid-19, nhưng là kết quả khả
quan nhất kể từ tháng 4/2020. Trong tháng 7/2020, chỉ có 34 triệu lượt
du khách quốc tế, trong khi tháng 7/2019 ghi nhận 164 triệu lượt khách
quốc tế.
Mức độ phục hồi vừa phải
Hầu hết các điểm đến có báo cáo dữ liệu cho tháng 6 và tháng 7/2021
đã chứng kiến sự phục hồi vừa phải về lượng khách quốc tế so với năm
2020. Tuy nhiên, năm 2021 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với du
lịch toàn cầu, với lượng khách quốc tế giảm 80% trong thời gian từ tháng
1 đến tháng 7 so với năm 2019.
Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục có mức phục hồi thấp nhất trong
giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, với lượng khách quốc tế giảm 95% so
với năm 2019. Trung Đông ghi nhận mức giảm lớn thứ hai với mức giảm 82%,
tiếp theo là châu Âu và châu Phi đều giảm 77%. Châu Mỹ có mức giảm
tương đối nhỏ hơn là 68%, trong đó vùng Caribbean cho thấy hoạt động du
lịch tốt nhất trong số các tiểu vùng trên thế giới.
Chỉ một số hòn đảo nhỏ ở Caribbean, Châu Phi và Châu Á - Thái Bình
Dương cùng với một số điểm đến nhỏ ở Châu Âu ghi nhận mức hồi phục tốt
nhất trong tháng 6 và tháng 7, với lượng khách đến gần bằng hoặc thậm
chí vượt mức trước đại dịch.
Mặc dù các điểm đến tiếp tục báo cáo doanh thu du lịch quốc tế yếu
trong 7 tháng đầu năm 2021, nhưng một số điểm đến đã ghi nhận mức cải
thiện khiêm tốn trong tháng 6 và tháng 7, thậm chí một số nơi còn vượt
qua thu nhập của năm 2019.
Trong số các điểm đến lớn, doanh thu du lịch tại Mexico trong tháng
6/2021 đạt gần mức cùng kỳ năm 2019 và riêng doanh thu trong tháng 7 đã
tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số các thị trường lớn hơn, Pháp và Mỹ đã có sự cải thiện đáng
kể trong tháng 7, mặc dù chi tiêu cho du lịch vẫn thấp hơn nhiều so với
mức của năm 2019.
Niềm tin vào du lịch đang dần tăng
Dù mức độ phục hồi còn khiêm tốn và không đồng đều ở từng khu vực,
niềm tin vào du lịch vẫn tăng trở lại. Sự cải thiện này được củng cố
bằng việc mở lại nhiều điểm đến cho du lịch quốc tế, chủ yếu ở châu Âu
và châu Mỹ.
Theo UNWTO, việc nới lỏng các hạn chế đi lại đối với khách du lịch đã
tiêm chủng, cùng với những tiến bộ đạt được trong việc triển khai tiêm
vaccine ngừa Covid-19 đã góp phần nâng cao niềm tin của người tiêu dùng
và từng bước khôi phục khả năng di chuyển an toàn ở châu Âu và các khu
vực khác trên thế giới. Ngược lại, hầu hết các điểm đến ở châu Á vẫn
đóng cửa đối với các chuyến du lịch không thiết yếu.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nói: “Rõ ràng có nhu cầu du
lịch quốc tế mạnh mẽ và nhiều điểm đến đã bắt đầu chào đón du khách trở
lại một cách an toàn và có trách nhiệm. Tuy nhiên, sự khởi động lại thực
sự của du lịch và những lợi ích mà nó mang lại vẫn bị trì trệ do các
quy tắc và quy định không nhất quán và tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều
tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin vào du lịch”.
Tương lai phục hồi không đồng đều
Theo khảo sát mới nhất của Hội đồng chuyên gia của UNWTO, với 53% số
người được hỏi tin rằng giai đoạn này du lịch sẽ vẫn ảm đạm hơn dự kiến.
Chỉ có 31% chuyên gia kỳ vọng vào kết quả khả quan hơn vào cuối năm
nay. Cuộc khảo sát cũng cho thấy hầu hết các chuyên gia du lịch tiếp tục
kỳ vọng sự phục hồi đạt được trong năm 2022 nhờ vào nhu cầu đi du lịch
quốc tế bị dồn nén, chủ yếu là trong quý II và quý III/2022.
Gần một nửa tổng số chuyên gia (45%) tiếp tục nhận định sớm nhất là
vào năm 2024, du lịch quốc tế mới có thể quay trở lại mức của năm 2019,
trong khi 43% chỉ ra sự phục hồi vào năm 2023. Theo khu vực, 58% chuyên
gia chỉ ra châu Á và Thái Bình Dương sẽ đạt được sự phục hồi về mức 2019
vào năm 2024 hoặc muộn hơn. Ở châu Âu, một nửa số người được hỏi cho
biết điều này có thể xảy ra vào năm 2023. Các chuyên gia du lịch lạc
quan nhất với khu vực Trung Đông khi dự kiến du lịch quốc tế sẽ phục hồi
hoàn toàn vào năm 2022.