Sở dĩ Ủy ban Di sản thế giới lo ngại là do năm 2014 UBND tỉnh Quảng Bình đã có động thái cho nhà đầu tư khảo sát tuyến và lập dự án làm cáp treo dài 10,6km vào tận hang Sơn Đoòng.
|
Cảnh quan tuyệt đẹp trong hang Va - Ảnh: Oxalis |
Ngày 4-1, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết UBND tỉnh Quảng Bình vừa có báo cáo gửi Bộ
VH-TT&DL về ba vấn đề mà Ủy ban Di sản thế giới đã bày tỏ sự quan tâm và lo ngại tại kỳ họp lần thứ 40 của Ủy ban Di sản thế giới ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2016) đối với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB).
Tại kỳ họp này, Ủy ban Di sản thế giới nêu rõ việc bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Vườn quốc gia PN-KB cần được thực hiện tốt hơn.
Cụ thể là cần thực hiện ở mức cao nhất về đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đối với dự án cáp treo tiếp cận hang Sơn Đoòng, kế hoạch phát triển du lịch bền vững bao gồm cả phần di sản mở rộng của vườn và báo cáo tình trạng bảo tồn di sản (cập nhật dữ liệu về các loài động vật có vú, kết quả hoạt động pháp lý trong công tác chống nạn khai thác gỗ và săn bắt trái phép).
Sở dĩ Ủy ban Di sản thế giới đưa ra những mối lo ngại trên đây, đặc biệt với vấn đề làm cáp treo trong Vườn quốc gia PN-KB, là do năm 2014 UBND tỉnh Quảng Bình đã có động thái cho nhà đầu tư khảo sát tuyến và lập dự án làm cáp treo dài 10,6km vào tận hang Sơn Đoòng.
Điều này đã tạo ra sự lo ngại lớn từ trong nước và nước ngoài là dự án sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường và cảnh quan của Sơn Đoòng. Ngoài ra, tình trạng người dân địa phương khai thác cây rừng (nổi cộm là vụ chặt hạ 3 cây sưa năm 2012) và săn bắt động vật hoang dã trong khu vực Vườn quốc gia PN-KB cũng xảy ra khá nhiều...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh đã quan tâm và thực hiện những điều mà UNESCO và Ủy ban Di sản thế giới lo ngại.
Cụ thể về dự án cáp treo, đến thời điểm hiện nay tỉnh Quảng Bình mới chỉ đồng ý về chủ trương và tiến hành nghiên cứu, khảo sát để lựa chọn cách làm tối ưu và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tỉnh Quảng Bình luôn coi trọng việc bảo vệ di sản và thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn cao nhất về giá trị của di sản.
Vì vậy việc thực hiện dự án cáp treo chỉ được làm sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sự đồng tình (hoặc không phản đối) của UNESCO. Về kế hoạch phát triển du lịch bền vững, tỉnh dựa trên quy hoạch và quyết định phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến 2025, dựa trên quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia PN-KB đến năm 2030 của tỉnh và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Về bảo đảm giá trị chung của di sản, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc Vườn quốc gia PN-KB, cho biết vườn đã thực hiện đánh giá tác động môi trường ở các khu, tuyến, điểm du lịch như động Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn, sông Chày - hang Tối, suối Nước Moọc...
Thực hiện báo cáo môi trường định kỳ 6 tháng/lần và quan trắc không khí, nhiệt độ, độ ẩm, bụi, nước... kết quả cho thấy các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn quy chuẩn Việt Nam cho phép.
“Nhờ vậy từ năm 2014 đến nay tình trạng săn bắt động vật hoang dã và chặt phá cây rừng ở vườn giảm nhiều. Số vụ vi phạm trong năm 2016 giảm đến 30% so với năm 2015. Các cơ quan chức năng triệt hạ hoàn toàn đường dây buôn bán động vật hoang dã ở khu vực PN-KB.
Hiện nay tần suất xuất hiện của các bầy linh trưởng ở Phong Nha rất dày và ngày càng tiến gần với các tuyến đường lớn hơn trước. Tỉnh chủ trương đa dạng hóa các loại hình du lịch thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo khai thác du lịch một cách bền vững...” ông Tịnh nói.
UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định sau khi Ủy ban Di sản thế giới đưa ra các vấn đề mà họ lo ngại, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện và thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vườn quốc gia PN-KB.
Những giá trị của di sản được phát huy cho du lịch, cũng như đã cập nhật và bổ sung được 16 loài thực vật và 107 loài động vật mới cho giá trị đa dạng sinh học của vườn, bổ sung 57 hang động mới phát hiện trong năm 2016 cho giá trị địa chất địa mạo của di sản...
TTO