Thông qua các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam, văn hóa Việt đã được quảng bá đến bạn bè Pháp và thế giới.
Ngày 20/11, Hội Âm nhạc và Văn hóa truyền thống Việt Nam tại Orsay (Pháp) đã tổ chức Liên hoan nghệ thuật cuối năm có tên gọi “Vinh quang của làng tôi”. Buổi biểu diễn với nhiều tiết mục độc đáo đã làm say lòng đông đảo khán giả Pháp và quốc tế, làm trào dâng nỗi nhớ quê nhà và sự xúc động của nhiều người Việt.
Buổi biểu diễn gồm hai phần với 13 tiết mục đa dạng, từ biểu diễn đàn tranh, đàn hồ, đàn nhị, sáo trúc cho tới hát, múa dân tộc và kết thúc với hoạt cảnh “Vinh quy bái tổ”. Một không gian làng xã Việt Nam truyền thống, đầy màu sắc được tạo dựng, đưa người xem từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Hội Âm nhạc và Văn hóa truyền thống Việt Nam tại Orsay được thành lập từ năm 2007. Từ khi thành lập, Hội đã có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật Việt cũng như tổ chức các lớp dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đến nay, Hội có khoảng 50 thành viên, trong đó có khoảng 30 thành viên là người Pháp, còn lại là người Việt.
Chị Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội Âm nhạc và Văn hóa truyền thống Việt Nam tại Orsay, đồng thời là đạo diễn và nghệ sỹ biểu diễn chính nói về ý tưởng tổ chức các buổi biểu diễn: “Là những người xa quê hương từ nhỏ, chỉ biết tiếng Việt, biết văn hóa Việt Nam qua trường học, cha mẹ, bạn bè gia đình, nên chúng tôi muốn truyền bá văn hóa Việt cho thế hệ con em sau này. Hoạt động của Hội đều do các thành viên người Việt và người Pháp tham gia. Thông qua những hoạt động này, hai bên hiểu nhau hơn, đồng thời phát triển văn hóa Việt Nam tại Pháp. Các nguồn thu đều quy tụ về Hội để từ đó được phân phát cho trẻ em, học sinh, sinh viên nghèo tại Việt Nam. Mặc dù số tiền không lớn, nhưng quan trọng là chúng tôi có thể đóng góp trực tiếp một phần sức mình về đất nước”.
Điều đặc biệt là 25 thành viên Hội Âm nhạc và Văn hóa truyền thống Việt Nam tại Orsay gồm cả người Việt lẫn người Pháp, nhưng không có ai là nghệ sỹ âm nhạc truyền thống chuyên nghiệp. Hầu hết đều là những người hoạt động trong một ngành nghề khác và đến với nghệ thuật Việt Nam bằng tình yêu và niềm đam mê riêng. Với thành phần như thế, để tổ chức được nhiều buổi biểu diễn lớn có bán vé, ngoài tình yêu với nghệ thuật, niềm tự hào dân tộc thì động lực thôi thúc lớn nhất với các thành viên Hội chính là ở mục đích làm từ thiện cho trẻ em nghèo.
Cô Như Mai, người lớn tuổi nhất của Hội (83 tuổi) xúc động nói: “Tham gia biểu diễn cùng Hội, đóng góp được cho các em học sinh ở bên nhà phần nào, tôi thấy mừng phần đó. Ngoài ra, tôi lớn tuổi rồi, tham gia như vậy cũng để giữ sức khỏe, niềm đam mê, giữ được những nét nhạc Việt Nam”.
Xúng xính trong bộ quần áo truyền thống khăn xếp áo the của người Việt xưa, anh Niels Lan Doky - một nghệ sỹ biểu diễn nhạc Jazz nổi tiếng bày tỏ cảm xúc khi tham gia buổi biểu diễn: “Tôi có nửa dòng máu Việt trong mình, cha tôi sinh ra tại Việt Nam. Tình cờ qua một người anh, tôi biết đến Hội âm nhạc và Văn hóa truyền thống Việt Nam tại Orsay và có dịp tham gia biểu diễn. Tôi thấy âm nhạc Việt Nam có sức cuốn hút kỳ diệu khiến tôi say mê. Tôi rất tự hào khi mình mang một nửa dòng máu Việt”.
Chị Michel Uyson - một khán giả người Pháp cho biết cảm xúc khi xem buổi biểu diễn: “Tôi đã phải lòng cả đất nước và con người Việt Nam. Buổi diễn hôm nay khiến tôi nhớ lại những giai điệu tôi từng nghe khi tôi thăm Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam làm tôi mê đắm, dịu dàng và da diết như nỗi nhớ về một miền đất mà bạn yêu quý”.
Những nét nghệ thuật đặc sắc được giới thiệu tại buổi biểu diễn, cùng tình cảm của những thành viên Hội Âm nhạc và Văn hóa truyền thống Việt Nam tại Orsay đã làm say lòng những khán giả người Pháp cũng như làm ấm lòng những người con Việt Nam sống xa quê hương. Đó cũng là tình cảm mà những người con xa xứ dành cho Tổ quốc./.
Nguồn : VOV