(VnMedia) - Nằm trong khuôn khổ của Festival Làng nghề truyền thống Huế 2009, tối 11/6 tại sân Đại Triều Điện Thái Hòa đã diễn ra chương trình Vẻ đẹp Việt lần thứ nhất nhằm tôn vinh 5 nghệ nhân hàng đầu của Ca trù, Ca Huế và Nhã nhạc cung đình.
Cũng trong sự kiện tôn vinh nghệ nhân này còn có triển lãm “Chiếc cầu trong tâm tức” của nghệ sĩ thị giác Như Huy và buổi thuyết trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan về Ca Huế và Ca trù.
Sống động Ca Huế và Ca trù
Cố đô Huế là mảnh đất đã chứng kiến nhiều thăng trầm của văn hóa Việt, cũng đồng thời là nơi lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền. Đây là điểm phát xuất xứng đáng nhất cho những cây cầu kết nối văn hóa truyền thống và hiện đại, bắt nguồn từ bàn tay những thế hệ nghệ nhân tinh hoa.
Hai ngành nghệ thuật được tôn vinh lần này là Ca Huế và Ca trù. Đây là hai ngành âm nhạc thính phòng cổ điển của miền Bắc và miền Trung, kết tinh của âm sắc và tâm sự mỗi vùng đất, sản phẩm kết hợp độc đáo giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian với những nét tương tự về đặc trưng nghệ thuật cũng như số phận văn hóa trong thế kỷ 20. Đây cũng là hai ngành nghệ thuật thể hiện được sức sống bền bỉ nhất trong thời hiện đại. Diễn ra từ buổi sáng đến đêm 11/6/2009, chương trình “Vẻ Đẹp Việt I” tôn vinh các nghệ nhân Ca Huế Minh Mẫn, Thanh Hương, Trần Kích, Lữ Hữu Thi và nghệ nhân Ca trù Phó Thị Kim Đức.
Có thể nói chưa bao giờ các nghệ nhân lại được tôn vinh một cách chính thức và bài bản như ở Vẻ đẹp Việt. Hàng loạt các nghi lễ cổ xưa đã được phục dựng nhằm đón tiếp một cách trọng thể nhất các nghệ nhân như nghi thức đốt đình liệu, hay như hai chữ VẠN - THỌ được sắp xếp từ 1.000 ngọn nến hoa sen tại sân Hạ Đại Triều với mong muốn cầu chúc sức khỏe cho các nghệ nhân. Tất cả vì một mục đích duy nhất: Tôn vinh những “báu vật sống” đích thực của quốc gia.
“Không nên nhầm lẫn rằng những ai yêu thích Ca trù hay Quan họ hay Ca Huế là “vênh” với đương đại. Đây có thể coi là sự thu nhận sức mạnh của các giải pháp đã có, để áp dụng cho các giải pháp khác sinh ra từ những nhu cầu của thực tại khác.” - Nghệ sĩ thị giác Như Huy.
|
Năm “báu vật sống” của nền cổ nhạc
Nghệ nhân Ca trù Phó Thị Kim Đức (79 tuổi), ca nương cuối cùng còn sót lại của giáo phường Ca trù Khâm Thiên và là giọng hát Ca trù tinh hoa nhất Hà Nội đương thời. Bà còn nổi tiếng vì ngón phách điêu luyện, đã được một vị quan viên lâu năm xưng tụng là “tiếng phách Trạng Nguyên”. Bà là người duy nhất còn nắm giữ được những làn điệu Ca trù mà tưởng như đã không thể phục dựng lại: Đào luồn kép vói (đào hát giọng thấp, như giọng nam, còn kép hát giọng cao, như giọng nữ), Hát truyện Phan Trần, 5 điệu Thiên Thai. Và với bản ca Tỳ bà hành cùng bản Dâng hương, một lần nữa khán giả lại thấy được vẻ đẹp của những làn điệu Ca trù và giọng ngâm mượt mà thanh khiết của người nghệ nhân đã 79 tuổi.
|
Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức (áo nâu) đang ngâm Tỳ Bà hành.
|
Người xem có lẽ cũng đã có một sự đối sánh thú vị cũng như khám phá thêm về Ca Huế khi cùng lúc đã được thưởng thức hai bản Long Ngâm của Nhã nhạc và Ca Huế đến từ nghệ nhân Minh Mẫn (người duy nhất còn nhớ rõ được lời cổ của bản Long Ngâm) và 2 nghệ nhân Nhã nhạc cung đình Trần Kích và Lữ Hữu Thi và sau đó là bản Ca Huế Hành vân của nghệ nhân Thanh Hương.
|
Nghệ nhân Minh Mẫn (áo vàng)- người duy nhất còn nhớ rõ lời cổ bản Long Ngâm.
|
Nghệ nhân dân gian Minh Mẫn là bậc thầy trong làng ca Huế hiện giờ. Với giọng ca đã được bồi đắp bởi những kĩ thuật từ các nghệ nhân Ca Huế thời bấy giờ, nghệ nhân Minh Mẫn là một trong những người hiếm hoi hiện nay có thể ca Cổ bản cả lối sắp và lối dựng… Còn nghệ nhân Thanh Hương, người vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật dân gian, vẫn là một trong số ít những người thuộc thế hệ kỳ cựu có thể bảo lưu được những kỹ thuật cổ điển của Ca Huế trong giọng hát của mình và những làn điệu Ca Huế cổ.
|
Nghệ nhân Ca Huế Thanh Hương và Nghệ nhân Lữ Hữu Thi (Ảnh: dantri.com)
|
Nếu như nghệ nhân dân gian Minh Mẫn là người duy nhất còn nhớ rõ lời cổ bản Long Ngâm, thì nghệ nhân Nhã Nhạc Lữ Hữu Thi là người duy nhất hiện nay còn nhớ được toàn bộ 7 bản Thài cổ dùng trong lễ tế Nam Giao. Cụ cũng là nghệ nhân cao tuổi nhất trong số các nghệ nhân còn lại của dàn nhạc cung đình triều Nguyễn. Mặc dù hiện nay cụ đã 100 tuổi, nhưng vẫn đều đặn hàng tuần vào nhà hát Duyệt Thị Đường để truyền nghề cho các diễn viên, nhạc công với mong mỏi có thể xây dựng lại đội Hòa Thanh và đội Kỳ Cổ cho Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế. Cùng với nghệ nhân Lữ Hữu Thi, Nghệ sĩ ưu tú Trần Kích cũng là một trong những người có đóng góp to lớn cho Nhã nhạc cung đình Huế. Đến nay, ông đã nghiên cứu cách ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc. Đồng thời, nghệ nhân vẫn đang là Chủ nhiệm câu lạc bộ Nhã nhạc Phú Xuân và cũng là bậc trưởng thượng trong một gia đình gìn giữ truyền thống Nhã nhạc cho đến tận ngày nay.