Dân trí - Cách Sài Gòn khoảng 70km, hồ thủy điện Trị An có rất nhiều đảo nhỏ, là một địa chỉ lý tưởng để trốn nhịp sống hối hả của Sài Gòn.
Hồ Trị An thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Định Quán, Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Đảo Năm Bầu cách bờ khoảng 3km, thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, vốn là phần gò đất còn nhô lên khỏi mặt nước sau khi người ta ngăn dòng chảy sông Đồng Nai làm thủy điện Trị An. Trên đảo có duy nhất gia đình cô chú Năm Bầu sinh sống (tên đảo là do hồi tới đây, chú được gọi là ông Năm, còn cô đang mang bầu nên người ta gọi quen thành tên Năm Bầu).
“Cơ ngơi” trên đảo rất đơn giản
Sự “đầu tư” của cô chú Năm Bầu cho du lịch khá đơn giản: hai khu lán có mái che để nghỉ đêm, dãy nhà tắm và vệ sinh, mấy chục cái áo phao, và … hết. Đồ ăn thì khách có thể đặt cô Năm hoặc có thể tự mang theo mà chế biến, mượn nhờ bếp của cô để nấu nướng cũng được. Người con lớn của cô Năm ở trong bờ, gần chợ Mã Đà, chính là người lái tàu chuyên chở khách ra vào đảo.
Chúng tôi chạy xe máy qua khỏi Biên Hòa, rẽ theo đường ĐT768 dọc theo sông Đồng Nai, tới thị trấn Vĩnh An, rẽ vào đường DDT767 vượt qua cầu Chiến khu D tới chợ Mã Đà. Tại đây cả nhóm gọi điện báo cô Năm, và anh con của cô cùng con tàu gỗ đón chúng tôi ở bến tàu cách chợ không xa. Ô tô, xe máy của khách ra đảo được gửi lại bờ, ngay cạnh bến tàu.
Hành lý và thực phẩm dưới tán cây mát rượi có giăng sẵn mấy chiếc võng. Bữa trưa của chúng tôi là món gỏi gà đặt sẵn chỗ cô Năm từ trước. Sau đó là giấc trưa trên cánh võng đu đưa dưới tán cây lộng gió.
Con tàu gỗ tiếp tục đưa một nhóm khách lên đảo, phía xa là một hòn đảo nhỏ khác được đầu tư khá nhiều cho du lịch.
Chúng tôi lôi mấy chiếc thuyền sup – được thuê từ Sài Gòn – ra bơm hơi để chuẩn bị xuống nước vùng vẫy.
Sup đã bơm căng, xuống nước thôi nào.
Hồ có gió nhưng lặng sóng, chơi sup thoải mái.
Cả người lớn và bọn trẻ đều mải mê chèo sup, cho tới khi mây đen kéo tới.
Trong lúc chèo vòng quanh đảo, chúng tôi gặp một chiếc thuyền nhỏ đang gỡ lưới cá. Toàn cá Rô phi to bằng chiếc dép, có cả một con cá Hoàng đế - theo anh chủ thuyền thì ăn khá ngon và ít bắt được – giá rất rẻ nên chúng tôi mua một xâu 7-8 con đều còn đang quẫy.
Cuối buổi chiều, mây đen kéo tới trên mặt hồ mênh mông, gió bắt đầu rít lên, xô nghiêng những tán cây trên đảo, báo hiệu một cơn mưa đang tới. Chúng tôi cho bọn trẻ lên bờ tắm rửa.
Một đôi bạn trẻ dắt theo thú cưng đang đi dạo trên đảo trong chiều.
Mớ cá tươi rói chúng tôi mua được, cá Hoàng đế lườn màu vàng.
Cơn mưa đang tới trên mặt hồ Trị An.
Mưa tới khi lều chưa dựng, nên tất cả được di chuyển vào trong căn lán rộng rãi phía sau. Căn lán được lợp mái tôn, vách che bạt, sàn dán gạch bông sạch sẽ, có thể dựng được cả chục cái lều. Nhưng cơn mưa chỉ kéo ào qua trong chốc lát. Trời bắt đầu xanh trở lại, dù đã ngả sang tối.
Chúng tôi dựng lều dưới tán cây, và bắt đầu chuẩn bị đồ ăn tối. Cá Rô nướng, cá Lăng và thịt heo đã tẩm ướp cũng nướng, thêm một nồi lẩu măng, chai rượu vang Tây Ban Nha. Và bên bờ hồ lộng gió, những người bạn cùng nhau thưởng thức một bữa tối tuyệt ngon.
Bữa tối tuyệt ngon trên đảo.
Vì có trẻ em, nên chúng tôi cũng không thức khuya. Sau khi dọn rửa chén đũa, mọi người cũng chỉ ngồi thêm một lúc rồi đi nghỉ. Sáng sớm tinh mơ, những âm thanh máy tàu chạy trên mặt hồ phá tan sự yên tĩnh, khiến tôi tỉnh dậy. Trời còn tối, tiếng anh bạn mập kéo gỗ vẫn vang lừng, tôi lững thững đi dạo quanh đảo.
Hai chiếc thuyền đang thả lưới trên mặt hồ khi trời còn tối.
Những hòn đảo nhỏ khác xung quanh mờ mờ ảo ảo trong lớp mù của mặt hồ thành những hình thù kỳ dị, các thuyền đánh cá vẽ ra những đường kẻ sóng ngang dọc mặt hồ. Rồi trời cũng sáng dần, nhưng sớm nay trời nhiều mây trở lại, nên không ngắm được mặt trời lên, cũng là một điều đáng tiếc.
Dãy lều của nhóm khách phía góc khác của hòn đảo.
Bé gái thức dậy sớm đang ngóng ông mặt trời.
Chúng tôi ăn sáng với bún và mì gói mang theo, pha café nhâm nhi ngắm phong cảnh trên hồ. Sau đó lại là màn chèo sup trên hồ cho tới lúc ăn trưa.
Rồi tàu đưa chúng tôi trở lại bờ bên Mã Đà, lên xe trở về Sài Gòn, kết thúc một kỳ weekend thú vị, để chuẩn bị bước vào một tuần làm việc mới.
Bài, ảnh: Ngô Hoà Nam