Hơn 50 năm trước, nhà văn Anh Đức cho ra đời tác phẩm Hòn Đất, mô tả cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân dân huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, (nay là huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Ngay khi tác phẩm ra đời, tác giả đã được trao tặng giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu (1966) và từ đó đến nay được tái bản nhiều lần, bằng nhiều thứ tiếng.
Tác phẩm khiến biết bao lứa tuổi học sinh khâm phục tấm gương dũng cảm của nhân vật chính là chị Sứ. Tuy vậy, do hoàn cảnh của cuộc chiến nên phải mất nhiều năm sau đó người ta mới biết chị Sứ được xây dựng từ nguyên mẫu của một nữ anh hùng “bằng xương bằng thịt” có tên thật là Phan Thị Ràng, bí danh Tư Phùng. Chị Phan Thị Ràng, sinh năm 1937, quê xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Chị là người con gái thứ ba trong gia đình 5 anh chị em, cha mất sớm nên chị vừa phụ mẹ đảm đương việc nhà vừa phải làm lụng kiếm tiền. Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, chị sớm bộc lộ tính đảm đang, khéo léo, nhanh nhẹn hơn những người bạn trang lứa. Năm 13 tuổi, chị tham gia Đội Thiếu niên Cứu quốc ở xã Xà Tón. Khi ấy gia đình chị trở thành trạm liên lạc của Công binh xưởng tỉnh Long Châu Hà.
Từ Ba Hòn nhìn ra phong cảnh bao la, thanh bình của vùng quê đang trở thành điểm đến thu hút du khách
Năm 1960, chị về công tác tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang, với nhiệm vụ hoạt động trinh sát, kiêm phụ trách thanh vận và giao liên. Đêm ngày 8 rạng 9/1/1962, trên đường làm nhiệm vụ, chị bị địch bắt, tra tấn và hy sinh khi mới bước sang tuổi 25. Sau giải phóng, liệt sĩ Phan Thị Ràng được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Mộ và tượng đài chị Sứ
Ngày nay, theo quốc lộ 80 từ Tp. Rạch Giá đến thị trấn Hòn Đất thì thấy biển hướng dẫn đến mộ chị Sứ ngay trên cột cây số. Đi thêm 13km nữa thì gặp mộ chị nằm dưới chân núi Hòn Đất, thuộc xã Thổ Sơn, gần ngay khu Vườn xoài là nơi chị hy sinh. Đứng bên ngôi mộ chị, thắp nén tâm nhang, nhìn lên di ảnh chân dung của người phụ nữ Nam Bộ hiền dịu, du khách như sống lại một thời hào hùng của những người con gái miền Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Phía sau ngôi mộ là những bậc thang đá dẫn lên sườn đồi, nơi dựng bức phù điêu làm bằng đá hoa cương khắc tên gần 1.000 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi thăm mộ chị Sứ, du khách có thể vào tham quan các hang động (núi), với vô số hốc, ngách đan xen vào nhau dùng che giấu thương binh, tích trữ nước, lương thực, làm nơi trú ẩn của lực lượng cách mạng.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chị Sứ hy sinh, Hòn Đất hôm nay không chỉ là địa danh lịch sử mà còn là vùng đất du lịch nổi tiếng với cái tên Ba Hòn: Hòn Đất, Hòn Sóc và Hòn Me. Lên đỉnh của Ba Hòn, trải rộng ra trước mắt là một vùng biển bao la, nhìn thấy đảo Phú Quốc lung linh ánh đèn giữa màu xanh của biển. Đi qua Hòn Sóc, du khách sẽ bắt gặp một cánh đồng lúa chạy tít tắp, sát mé đường là Trường PTTH Phan Thị Ràng khá khang trang. Leo lên Hòn Me bắt gặp tháp ăng ten truyền hình cao ngút, ngó lưng chừng núi là ngôi chùa cổ tấp nập khách hành hương, còn dưới chân núi là mặt biển trong xanh hút tầm nhìn.
Vùng đất Ba Hòn, với lịch sử vẻ vang cùng huyền thoại về chị Sứ và phong cảnh thiên nhiên hoang sơ đã và đang trở thành điểm du lịch sáng giá của Kiên Giang.
Cao Phương