Vấn đề này được đoàn đại biểu của Tổng cụ Du lịch, Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nêu ra tại Hội nghị Ủy ban Đông Á -
Thái Bình Dương lần thứ 54 và Hội nghị Liên Ủy ban Đông Á - Thái Bình
Dương và Nam Á lần thứ 33.
Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ VHTTDL, chiều 14/9, Phó Tổng cục
trưởng Hà Văn Siêu dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự. Hai hội nghị diễn ra
theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban
(Malaysia).
Đây là hai hội nghị quan trọng của khu vực chuẩn bị cho Đại hội đồng
Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO lần thứ 24 dự kiến tổ chức vào tháng
12/2021 tại Maroc.
Tại hội nghị Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương lần thứ 54, Việt Nam và
các nước thành viên của Ủy ban đã bỏ phiếu trực tuyến và bầu ra ứng cử
viên giới thiệu vào các vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNWTO
(Campuchia), thành viên Ủy ban Chứng thư của Đại hội đồng UNWTO (Samoa),
Chủ tịch Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương (Malaysia), Phó Chủ tịch Uỷ
ban Đông Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản và Fiji). Các ứng cử viên sẽ được
bỏ phiếu chính thức thông qua tại Đại hội đồng UNWTO lần thứ 24.
Ngoài ra các nước thành viên của Ủy ban cũng đã bỏ phiếu thông qua
ứng cử viên đăng cai Ngày Du lịch Thế giới 2022 (Indonesia). Theo quy
tắc luân phiên về khu vực địa lý, dự kiến Ngày Du lịch Thế giới 2022 sẽ
được đăng cai bởi 1 quốc gia tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Nước
chủ nhà của sự kiện sẽ tổ chức lễ mit-tinh kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới
và một số hoạt động phát động bên lề xoay quanh chủ đề chung của ngành
du lịch năm 2022.
Tại Hội nghị Liên Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương và Nam Á lần thứ
33, các nước thành viên của hai Ủy ban đã nghe báo cáo về hoạt động liên
ủy ban, các dự án kỹ thuật, các hoạt động thời gian vừa qua, cũng như
kết quả khảo sát các thành viên về các ưu tiên trong chương trình công
tác và ngân sách giai đoạn 2022 - 2023. Ngoài ra, hội nghị cũng đã nghe
các quốc gia thành viên chia sẻ về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới
ngành du lịch và các biện pháp phục hồi để ứng phó với đại dịch.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc
tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, cũng như các nước trong khu vực, do tác
động của Covid-19 và các biến thể, hoạt động du lịch quốc tế của Việt
Nam đã bị gián đoạn từ năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang thực hiện
các chiến dịch hướng tới du lịch nội địa đồng thời thực hiện các hướng
dẫn an toàn cho lao động du lịch và khách du lịch để ngăn chặn sự lây
lan của đại dịch. Trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã phục vụ 31
triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 6 tỷ USD.
Bên cạnh các chiến lược thúc đẩy phục hồi du lịch được áp dụng từ năm
2020, gần đây Chính phủ Việt Nam đã thông qua các biện pháp hỗ trợ các
doanh nghiệp du lịch và lực lượng lao động, trong đó có hỗ trợ tài chính
cho hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giảm 80% tiền ký
quỹ dịch vụ du lịch kinh doanh đến hết năm 2023... Một số chương trình
kích cầu khác cũng được triển khai như ra mắt ứng dụng du lịch “Du lịch
Việt Nam An toàn”, thành lập triển lãm “Kỳ quan Việt Nam” trên Google,
chương trình “Việt Nam: Đi để yêu” với sự tham gia của những nhà sáng
tạo nội dung có tầm ảnh hưởng lớn…
Việt Nam đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào tháng 3/2021, cho đến
nay đã tiêm hơn 29 triệu liều vaccine Covid-19. Lực lượng lao động du
lịch được xếp vào nhóm dịch vụ thiết yếu và được ưu tiên tiêm chủng.
Việc triển khai tiêm chủng hiện đang được đẩy nhanh, mở ra triển vọng
tươi sáng cho du lịch quốc tế sẽ được mở lại vào cuối năm nay.
Ông Cường cũng thông báo, Bộ VHTTDL đã đề xuất và được Chính phủ chấp
thuận cho thí điểm mở lại du lịch quốc tế tại đảo Phú Quốc. Bộ VHTTDL
đang phối hợp chặt chẽ với địa phương và các ngành liên quan để xây dựng
kế hoạch thí điểm cũng như nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine” với
một số quốc gia và vùng lãnh thổ thích hợp. Việc triển khai tiêm chủng
cho lao động du lịch và người dân ở đảo Phú Quốc đang được thúc đẩy
trước khi thí điểm mở lại, dự kiến từ tháng 10/2021.