Nhắc đến du lịch Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, người ta nghĩ ngay đến thương hiệu vườn trái cây nổi tiếng của miền Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, trái cây Lái Thiêu dường như đã "mất bóng" trên thị trường. Chuyện khách du lịch tham quan vườn cây, ăn trái cây đếm cuống trả tiền đã trở thành... chuyện cổ tích.
Chỉ còn cây, không còn trái
Cách đây gần 10 năm, trước cổng vào khu du lịch sinh thái Lái Thiêu luôn nhộn nhịp khách và các sạp mua bán trái cây.
Giờ đây, mọi điều đã thay đổi. Con đường nhựa thẳng tắp vắng bóng người, cầu ngang - cây cầu bắc qua con sông nhỏ để đến những nhà vườn nhanh nhất, bị hỏng, đang trong giai đoạn tu sửa, không thể đi lại được.
Dò hỏi đường vào, chúng tôi được 1 bác xe ôm nhiệt tình chỉ dẫn, sẵn sàng đưa đến tận nơi.
Con đường khúc khuỷu, quanh co, thỉnh thoảng có mấy tấm bê tông bắc ngang qua kênh nằm chênh vênh giữa con đường mòn nhỏ hẹp, hẻo lánh khiến chúng tôi mấy lần suýt ngã xe vì không quen đường.
Gần 3 cây số đi đường vòng, cuối cùng chúng tôi mới đến, vườn du lịch sinh thái Thu Nga ở ấp Hưng Thọ-Hưng Định, tỉnh Bình Dương.
Đã bất ngờ từ trước, nay càng bất ngờ hơn khi vườn trái cây Lái Thiêu giờ đây quá khác xa trong trí nhớ của chúng tôi, chỉ có cây không có trái, trơ trọi và khẳng khiu bên cạnh những tấm lều dựng tạm bợ.
Thấp thoáng thấy chúng tôi được “cò” dắt tới, trong căn lều tranh ẩm thấp, chủ quán chạy ra đon đả mời chào với giọng miền Tây rồi dẫn vào một cái lều rách với bộ bàn ghế bố đặt bên cạnh con kênh tự đào, xung quanh đầy rác lá cây và muỗi bay vo ve háu chiến.
Lí giải cho vườn cây xơ xác, chị Thủy, người nhà chủ vườn Thu Nga, cho biết: “Vì hay có khách du lịch vào vườn chơi nên đất ở đây bị dẫm nát, không màu mỡ như trước kia. Vì vậy, nhà chị không thể chăm sóc, tu bổ vườn thường xuyên được”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu được hái và ăn trái cây tại vườn, chị Thủy từ chối: “Vì vườn mùa này... hết trái cây. Muốn hái phải sang vườn khác. Nhưng xa lắm, đường sá lầy lội, sông nước, muỗi mòng, chỉ có chủ vườn mới đi được...”.
Không được hái trái, chúng tôi kêu 3 món bòn bon, chôm chôm, vú sữa...
Đợi hơn nửa tiếng mới thấy chị Thủy đem ra mỗi thứ khoảng 300g. Sau một hồi tâm sự, chị Thủy thật thà "khai" nguồn gốc: Bòn bon Thái Lan, chôm chôm Long Khánh, vú sữa miền Tây...
Do vườn ẩm thấp, muỗi bay vù vù, ghế thì sứt sẹo, khung cảnh chẳng chút hữu tình nên chúng tôi đành phải rút lui sớm.
Nhưng khi tính tiền mới tá hỏa: 30.000 đồng cho chỗ ngồi nghỉ mát, 55.000 đồng đĩa bòn bon Thái, 60.000 đồng đĩa chôm chôm và vú sữa, 25.000 đồng quả dừa và 20.000 đồng ly cà phê.
Trước khi về, chị chủ quán còn hẹn khoảng tháng 4 đến tháng 6 về ăn trái cây tại vườn.
Lều bên cạnh, một nhóm khách khoảng 5 người sau khi ngồi chưa ấm chỗ đã bực bội bỏ đi vì thất vọng, bỏ lửng vài câu: “Tưởng hái trái tại vườn, chứ vườn như thế này thì đã chẳng đến...”.
Rủ nhau bán vườn Lái Thiêu
Vườn sinh thái Ba Tâm cùng ấp Hưng Thọ, có lẽ là một trong những vườn hiếm hoi đóng cửa, không đón khách mùa vườn cây hết trái.
Chủ vườn cho biết: “5-6 năm nay, các vườn cây liên tục mất trắng, có vườn cây chết, có vườn không ra quả. Để sống được, các chủ vườn phải để vườn cây kinh doanh du lịch, trái cây thì ra chợ mua”.
Tuy nhiên, cách kinh doanh “chín tháng mài dao, ba tháng chém khách” này đã khiến khách đến vườn cây Lái Thiêu thường "một đi không trở lại".
Theo chị Thủy, vườn Thu Nga, từ năm 2003 đến giờ, khách du lịch đến vườn cây hầu như thưa dần rồi vắng hẳn. Khách Sài Gòn thì tuyệt nhiên không ai tới, dù khung cảnh vẫn thanh bình, phù hợp cho vui chơi, giải trí cuối tuần.
Đáng nói là từ ngày các khu công nghiệp ở Bình Dương và ven Thành phố Hồ Chí Minh liên tục mọc lên, vườn trái cây Lái Thiêu cũng dần tàn lụi.
Nước thải của các nhà máy, xí nghiệp đen ngòm chảy về các kênh lân cận và sông Sài Gòn đã bức tử vườn cây; rồi nước mặn, thêm triều cường cứ trồi sụt, ngập lênh láng quanh năm, cây cối dần chết.
Cũng vì vậy mà các nhà vườn lần lượt rủ nhau bán đất, bán vườn.
Dạo quanh các vườn cây từ xã Vĩnh Phú đến thị trấn Lái Thiêu, nơi nào cũng treo bảng hiệu bán đất, nhận cò đất.
Chị Thủy cho biết thêm, vườn nhà chị đã rao giá 7 tỷ, đang chờ thỏa thuận nên chỉ kinh doanh vài tháng nữa là nghỉ. Chỉ sang vườn bên cạnh là vườn của chị Hồng, chị Thủy cho hay cũng đang chào bán với giá tương tự...
Chị Thủy còn nhờ chúng tôi dắt mối và hứa chi ngay 10% hoa hồng nếu giới thiệu được một khách nào về khu vực này mua đất.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, vườn trái cây Lái Thiêu có 1.320ha trên địa bàn 6 xã, thị trấn ven sông Sài Gòn là An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm, Lái Thiêu và Vĩnh Phú, trong đó nhiều và tập trung nhất là xã An Sơn với hơn 400ha.
Từ ngày có các khu công nghiệp đóng trên địa bàn, năng suất vườn cây giảm đáng kể, canh tác không hiệu quả khiến nông dân bỏ vườn đi làm công nhân.
Vườn không ai chăm, nhiều chủ vườn đã bán đất, tạo nên cơn sốt đầu cơ đất đai.
Điều đáng nói, vườn này bán, vườn kia cũng không thể tồn tại vì những vườn đã bán đất, không sản xuất thường không được chăm bón, không đắp đê bao khiến triều cường thường xuyên tấn công và lan sang vườn bên cạnh.
Vành đai xanh và một thương hiệu có tiếng của trái cây Lái Thiêu bỗng nhiên bị quên lãng theo tốc độ đô thị hóa, đến giờ chỉ còn là câu chuyện cổ tích mà thôi./.
Nguồn : Báo Tin Tức