Do ảnh hưởng của xã hội hiện đại, trang phục thường ngày của nam giới người Mông chủ yếu đã chuyển sang hàng may mặc phổ thông. Tuy nhiên, trang phục nữ có tính thẩm mỹ cao thì vẫn luôn được phụ nữ người Mông gìn giữ, phát huy vừa để sử dụng trong đời sống hàng ngày vừa là để bảo tồn văn hóa truyền thống.
Du khách nước ngoài trải nghiệm vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong của đồng bào Mông
Đối với phụ nữ Mông, nghề thêu dệt thổ cẩm, may mặc không chỉ để tạo ra nguyên liệu, trang phục sử dụng trong gia đình mà việc thêu dệt thổ cẩm, trang phục truyền thống còn thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, của người phụ nữ. Trong quan niệm của người Mông ngàn đời nay, bất cứ thiếu nữ nào dù có thế nào thì khi đến tuổi trưởng thành cũng phải biết thêu dệt thổ cẩm, thêu thùa, làm trang phục nữ truyền thống.
Bà Giàng Thị Sua, thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ (Trạm Tấu) cho biết: "Thêu thùa hoa văn, may trang phục truyền thống là những công việc khá vất vả, đòi hỏi độ tỷ mỉ, tính thẩm mỹ, sự kiên nhẫn cao nên hiện nay do tiện lợi từ các loại vải công nghiệp, trang phục may sẵn hoặc hoa văn từ máy thêu công nghiệp mà nhiều người đã không còn mặn mà với thêu dệt hoa văn thủ công để may trang phục truyền thống. Tuy nhiên, cùng với tâm nguyện gìn giữ bản sắc văn hóa nhất là sự chênh lệch về chất lượng, giá trị thẩm mỹ của hoa văn thêu thủ công luôn cao hơn so với sản phẩm may công nghiệp nên tôi luôn bảo ban con cháu tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng thêu thùa thủ công, may trang phục truyền thống để có sản phẩm chất lượng sử dụng trong đời sống và hơn hết là bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, tiếp tục truyền lại cho thế hệ sau”.
Cùng với sự phát triển của xã hội, các sản phẩm trang phục truyền thống của phụ nữ Mông với giá trị thẩm mỹ cao đã vượt ra khuôn khổ trang phục thường ngày mà trở thành hàng hóa có giá trị trên thị trường. Hơn thế, hoạt động gìn giữ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông còn góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải), cùng với gìn giữ, duy trì trang phục truyền thống để sử dụng trong gia đình, những năm qua phụ nữ của bản đã mạnh dạn thành lập Làng nghề Dệt thổ cẩm truyền thống với 35 hội viên tham gia. Hiện làng nghề sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ du khách khi đến với huyện Mù Cang Chải.
Bà Lý Thị Ninh - Tổ trưởng Làng nghề Dệt thổ cẩm bản Dề Thàng cho biết: "Với việc gìn giữ, phát triển sản phẩm thủ công truyền thống, làng nghề chúng tôi đang sản xuất các sản phẩm như: trang phục truyền thống phụ nữ, đàn ông Mông, các loại túi xách, túi đeo, vỏ gối, các loại khăn, mũ..., đều là hàng thêu dệt thủ công, được rất nhiều du khách trong và ngoài nước thích thú, lựa chọn. Các thành viên tham gia việc thêu thùa thổ cẩm của làng nghề dù chỉ tranh thủ lúc nông nhàn nhưng đều có thêm thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Khách hàng đến với làng nghề của chúng tôi ngoài người Mông ở các nơi đến mua về dùng thì chủ yếu là du khách nước ngoài yêu thích do sản phẩm được làm thủ công và chất liệu vải truyền thống”.
Thời gian tới, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành về triển khai đề án hỗ trợ, đào tạo nâng cao tay nghề cho người thêu dệt thổ cẩm; thành lập thêm các cơ sở, tổ hợp tác, làng nghề hay hộ sản xuất kinh doanh về nghề thêu dệt thổ cẩm, trang phục truyền thống thì các địa phương có đông đồng bào Mông sinh sống cần tiếp tục định hướng, động viên bà con tích cực gìn giữ, duy trì hoạt động thêu dệt trang phục truyền thống theo hướng đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại... để vừa tạo sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường vừa mở ra hoạt động sản xuất truyền thống tạo việc làm, tăng thu nhập và thu hút du khách trải nghiệm.
Châu Á
Báo Yên Bái online - baoyenbai.com.vn - Đăng ngày 03/01/2025