Giữ gìn, phát huy nghề may áo dài truyền thống từ nghìn năm nay, những người thợ tài hoa làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã đưa những tà áo dài lên tầm cao mới. Vẻ đẹp duyên dáng, quyến rũ của áo dài Việt Nam từ đây “bay” đến mọi miền Tổ quốc, “phủ sóng” năm châu.
Làng Trạch Xá, tên Nôm là Trầm Che, đầu thế kỷ XIX là
một xã thuộc tổng Trầm Lộng, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn
Nam Thượng; đầu thế kỷ XX thuộc tổng Trầm Lộng, phủ Ứng Hòa, tỉnh
Hà Đông; nay là thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Thành phố
Hà Nội. Ngôi làng này cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km.
Người dân ở Thăng Long vốn được gọi là dân tứ chiếng, dân Kẻ
Chợ. Bởi người bốn phương đổ về đông đúc, người buôn kẻ bán tấp nập. Thăng Long
trở thành nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa. Xưa, các làng nghề đua nhau chở hàng về
kinh thành theo các chợ phiên, nhất là các làng nghề ở quanh kinh đô.
Có lẽ không nơi nào ở nước ta thời ấy có nhiều làng nghề và
khéo tay như ở đất Sơn Nam thượng tức tỉnh Hà Đông cũ. Và Kẻ Chợ dĩ nhiên là thị
trường lớn nhất màu mỡ nhất. Thế là họ rủ nhau mang hàng ra Kẻ Chợ chào hàng. Họ
tập hợp nhau lại trở thành phường hội.
Ban đầu chỉ là bán theo phiên chợ, sau buôn bán phát tài nếu
cứ đi đi, về về thì rất bất tiện, họ bèn mua đất làm kho chứa, rồi làm cửa
hàng. Họ là những người đầu tiên, những thành phần chính lập nên những phố nghề,
làng nghề chuyên bán các mặt hàng của mình.
Trải qua năm tháng các phố ấy trở thành phố cổ và họ là phần
tích cực, chủ chốt lập nên các phố ấy ở Hà Nội. Phố Lương Văn Can và nghề may
áo dài ở Trạch Xá, huyện Ứng Hòa là một trong những trường hợp như thế.
Phần đa các hiệu may đều có nguồn gốc từ nghề may làng Trạch
Xá, Ứng Hòa, Hà Nội. Người dân Trạch Xá kể lại rằng bà Tổ nghề may của làng là
bà Nguyễn Thị Sen. Gia đình bà có nghề tầm tang canh cửi. Vào tuổi trăng tròn
bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, giỏi giang việc trồng dâu, dệt
vải, may mặc, thêu thùa.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân là lên làm vua, lấy
hiệu là Đinh Tiên Hoàng, mở ra triều Đinh trong lịch sử đất nước. Vùng đất Sơn
Nam nổi tiếng có nhiều người giỏi, Đinh Tiên Hoàng đã đến đây chiêu mộ hào kiệt
và bà Nguyễn Thị Sen đã trở thành thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng. Trở về kinh
đô Hoa Lư, bà được vua phong là Tứ Phi (năm 969).
Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã làm nên
các mẫu quần áo của hoàng đế, cung phi, hoàng thân, quốc thích... Bà dạy các
cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung.
Năm 979, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con từ giã
hoàng cung về Trạch Xá sau khi Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Nam Việt Vương
Đinh Liễu bị sát hại. Bà truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng, để rồi
nghề may được cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành
nghề truyền thống của làng.
Cụ Tạ Duy Mạnh, Thường trực Ban quản lý đền thờ Cồ Quốc
Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen cho biết: “Dụng cụ mà Thánh sư truyền lại cho con cháu
có đúc kết lại bốn câu thơ:
“Vạch kéo ba năm chí chả mòn
Thước, gay đôi chiếc vững lòng son
Phấn hồng tô điểm trời non nước
Kim, chỉ vá may nợ nước non”.
Đặc biệt, nghề may làng Trạch Xá đến bây giờ vẫn giữ được
truyền thống là bởi làm hoàn toàn thủ công. Bí quyết may áo dài của người Trạch
Xá là “Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”. Đây là cách cầm kim khâu tay, người
thợ phải khéo và rất nhanh; Kim phải khâu ở bên trong của mép vải. Cách khâu
này khiến tà áo dài mềm mại hơn”.
Ngôi làng nghìn năm lưu giữ vẻ đẹp Việt
Cụ Tạ Duy Mạnh kể lại: “Kể từ khi được Tứ phi Hoàng hậu truyền
nghề may áo dài, người dân Trạch Xá đi khắp bốn phương đều mang theo nghề làm kế
sinh nhai. Vì thế, phần lớn áo dài trên thị trường dù mang thương hiệu nào cũng
đều do bàn tay của người dân làng Trạch Xá làm nên. Chỉ cần nhìn vào tà áo dài
là biết được đây có phải là sản phẩm của làng Trạch Xá hay không.
Khi Vua Lý Thái Tổ một lần cưỡi thuyền rồng du ngoạn qua
vùng đất Trạch Xá đã cho quan đại thần về tuyển chọn những người thợ giỏi nhất
đến kinh đô chăm lo việc may triều phục cho hoàng tộc. Từ đó, nghề may Trạch Xá
góp phần vào sự phồn thịnh của các ngành nghề thủ công ở Thăng Long và được lưu
truyền đi khắp cả nước”.
Đền thờ thủy tổ nghề may áo, hoàng phi Nguyễn Thị Sen
Đình Trạch Xá , thờ phụng Thành hoàng làng, hoàng phi Nguyễn Thị Sen
Ngày 12 tháng Chạp cũng là ngày mất của bà được lấy làm ngày
giỗ tổ nghề nghề may Việt Nam và ngày 4 tháng Giêng là ngày khai kim, khai kéo,
để các con cháu đi làm ăn ở nơi xa.
Cụ Lê Xuân Hinh thắp nhang tại Đền thờ bà Nguyễn Thị Sen
trong ngày Lễ hội của làng
Trước năm 1980 nghề may áo dài truyền thống ở Trạch Xá phát
triển mạnh mẽ. Chiếc áo dài truyền thống của người Trạch Xá bao giờ cũng mềm mại
hơn, tha thướt và thực sự quyến rũ, được khách hàng trong và ngoài nước
ưa chuộng.
Nói về kỹ thuật may áo, các cụ cao niên cho biết: đã là người
dân làng Trạch Xá, dù có làm nghề hay không ai cũng thuộc nằm lòng kĩ thuật
“Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” nghĩa là phải khâu đường tà sao cho mũi
kim chỉ tròn nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường
tà cho áo màu đen cũng không được nhìn thấy. Các chất liệu vải may áo dài ở Trạch
Xá chủ yếu dùng là lụa Hà Đông, gấm...
Một điểm độc đáo ở làng nghề Trạch Xá là số đàn ông theo nghề
may nhiều hơn phụ nữ do truyền thống từ xa xưa người phụ nữ chỉ được phụ việc
cho nam giới, đến nay khi xã hội thay đổi quan niệm, người phụ nữ đã được bình
đẳng làm nghề như nam giới.
Hiện cả làng Trạch Xá có 271 hộ gia đình làm nghề,
giải quyết việc làm cho 615 lao động; giá trị sản xuất trung bình hàng năm
đạt 7 tỷ đồng.
Đã có rất nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến Trạch Xá,
không chỉ để đặt mối quan hệ hợp tác đưa sản phẩm Áo dài của Việt Nam đến với bạn
bè trên thế giới. Hiện nay do kinh tế phát triển, làng không những may áo dài,
áo tế, áo tượng mà còn làm chăn, gối, áo bông, trang phục cho các bộ phim của
Trung Quốc và xuất khẩu các sản phẩm sang Hàn Quốc, Mông Cổ.
Ông Nghiêm Văn Đạt - Chủ tịch HTX Làng nghề May áo dài truyền
thống Trạch Xá cho biết, gia đình ông không chỉ may đo áo dài, áo bông, áo kép
mà còn làm khăn, chăn, ga, gối,... để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một
số nước châu Á. Để đủ điều kiện xuất hàng vào thị trường châu Âu khó tính, gia
đình ông phải tuân thủ nghiêm ngặt về mặt chất liệu và kỹ thuật. Toàn bộ hàng
phải làm bằng chất liệu thuần Việt với các họa tiết và kỹ thuật thủ công là chủ
yếu.
Đến làng Trạch Xá ngày nay, người dân vẫn truyền tụng những
giai thoại về những nghệ nhân của làng như có người đã vinh dự được may áo dài
cho vua quan trong triều định nhà Nguyễn, hay ông Tạ Văn Khuất mới 30 tuổi đã
may được áo cho vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu cho dù chỉ được đứng từ xa
để ước lượng. Trải hàng trăm năm, nghề may đã gắn bó với nhân dân làng Trạch
Xá. Nhiều thế hệ người thợ của Trạch Xá tay nghề cao đã vượt ra khỏi lũy tre
làng đi mở cửa hàng, cửa hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc và đặc biệt là có mặt ở
khắp nơi ở Hà Nội.
Để nhớ về nguồn gốc của nghề, các hiệu may ở đây đã lấy tên
cửa hiệu như Mỹ Trạch, Vạn Trạch, Phương Trạch, Đức Trạch, An Trạch… làm nên
thương hiệu của phố nghề, tiêu biểu như Con phố dài 300m mang tên nhà nho yêu
nước Lương Văn Can (quê xã Nhị Khê, huyện Thường Tín) - người sáng lập ra trường
Đông Kinh Nghĩa Thục thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm ngày nay san sát những
cửa hàng may áo dài.
Qua khảo sát, làng còn lưu giữ 01 bản thần tích “Hùng
triều nhị vị đại vương ngọc phả” do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Đức 1
(1572), Nguyễn Hiền sao năm Vĩnh Hựu 6 (1740), hiện lưu tại Viện Nghiên
cứu Hán Nôm; 01 bản Hương ước lập năm 1923, hiện lưu tại Viện Thông tin
Khoa học xã hội.
Tà áo dài thướt tha, duyên dáng đã trở thành nét đẹp mang đậm
bản sắc văn hóa Việt Nam. Văn hóa kinh đô nghìn năm văn hiến đã tạo ra nếp sống
hào hoa thanh lịch, luôn luôn vươn tới cái đẹp, cái sang trọng, trong đó có phần
đóng góp của người thợ tài hoa, tinh tế xuất thân từ làng nghề may áo dài truyền
thống Trạch Xá.
Nguồn: Trang tin điện tử Sở du lịch Hà Nội