Cụm di tích Đình, Miếu Công Định thuộc thôn Công Đình, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Đình Công Đình có từ thế kỷ XVII, thờ thành hoàng Tả Phù. Miếu Công Đình thờ Đại vương Nguyễn Nộn.
Đình Công Đình
Đình thờ vị nhân thần Tả Phù,xuất thân nhà nghèo ở làng Phù
Ninh, có tài chăn ngựa, sau làm thám tử lập công giúp vua thắng giặc Bầu (?) ở
miền núi nên được phong thưởng. Ngài chỉ xin vua cho 3 ngôi nhà của giặc rồi dỡ
ra đem về xây dựng đình thờ vị thần phù hộ mình. Khi ngài mất, dân làng Công
Đình tôn vinh ngài làthành hoàng.
Đình đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn còn giữ được dấu
ấn ban đầu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Lê trung hưng. Trong
đình lại có dòng chữ khắc ghi niên đại, qua đó cho thấy năm khởi dựng là 1668.
Ngoài ra đình còn giữ được bản sắc phong sớm nhất mang niên hiệu Dương Đức thứ
3 tức 1674.
Đình Công Đình có bố cục mặt bằng hình “nội Công ngoại Quốc”.
Tam quan được xây kiểu cột đồng trụ, đắp nghê chầu. Sân đình khá rộng, lát gạch
to. Tiền tế là một phương đình dựa trên 16 cột gỗ lim, gồm 2 tầng 8 mái, đầu
đao hình rồng cuốn đuôi cá chép. Các cổn nách, đầu dư, đầu bẩy được chạm rồng
và chim phượng xòe cánh bay.
Tòa đại đình rộng 5 gian 2 dĩ nằm ngay sau tiền tế, mặt
nhìn về hướng nam. Ba gian giữa được làm kiểu 2 cánh lớn, hai bên có cửa bức
bàn. Kết cấu 4 bộ vì kèo không có giá chiêng, kiểu "chữ thập chống
nóc". Phần trang trí chủ yếu ở hệ thống đầu dư, gồm các đầu rồng mũi hếch,
miệng há ngậm ngọc, râu tóc uốn hình số 8.
Chi tiết kiến trúc đáng chú ý nhất là bộ phận cánh én đỡ xà
hạ. Gá đỡ này được làm trên thân gỗ bẹt hình đầu quay vào gian giữa, đuôi quay
sang gian bên, thân chui qua cột cái. Hệ thống cửa võng làm theo kiểu chân quỳ
dạ cá. Phần trên là rồng chầu mặt trời, phía dưới các ô to nhỏ khác nhau có
hình hổ phù, phượng trúc, v.v..
Miếu Công Đình
Miếu thờ Nguyễn Nộn 阮
嫩 (1160 - 1229), tương truyền người gốc
làng Phù Ninh, cháu 5 đời của Định quốc công Nguyễn Bặc - tể tướng nhà
Đinh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Nộn vốn là cư sĩ ở chùa Phù Đổng,
bắt được vàng ngọc không đem dâng quan nên bị bắt. Năm 1219 vua Lý Huệ Tông
cử đi dẹp giặc Man ở Quảng Oai. Năm 1220 tự xưng Hoài Đạo Vương. Sau khi
diệt sứ quân Đoàn Thượng ngài được phong Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, và nhà Trần
phải gả cho công chúa Ngoạn Thiềm. Ngày 1 tháng Ba Kỷ Sửu (1229) ngài ốm
chết ở Phù Dực, lăng mộ đặt tại Phù Đổng, được thờ làm thành hoàng của 72
làng.
Mặt tiền miếu Công Đình.
Miếu Công Đình có ngũ môn quan cửa vuông nằm ngay sát
tòa đại đền. Hai bên là 2 cột trụ xây, đỉnh đặt 4 chim phượng chụm vào nhau.
Tòa đại đền rộng 5 gian 2 dĩ, vì kèo kiểu “giá chiêng chồng rường”, kẻ hiên và
vì ván mê. Hai bức cốn hiên chạm nổi hình cây đào, lựu; bẩy chạm họa tiết trúc,
mai. Cốn gian giữa chạm kênh bong hình rồng chầu, mắt lồi, răng nhe. Các vì kèo
chạm mặt hổ phù và hoa lá hóa rồng.
Hệ thống cửa võng được sơn son thếp vàng, trang trí bằng chạm
thủng các đề tài hổ phù, rồng, hoa dây, hoa xoắn. Trong miếu có bản sắc phong
sớm nhất mang niên hiệu Dương Đức thứ 3 (năm 1674) và bản thần phả sao
chép năm Tự Đức thứ 18 (1865).
Đình và miếu đều còn giữ được các cổ vật phong phú như ngai
thờ, ngựa gỗ, đồ bát bửu v.v.. Cụm di tích đình và miếu Công Đình đã được Bộ
Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày
22-4-1992.
Nguồn: 360.hncity.org