Đền thờ Bà Chúa Kho được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1989, nằm ở khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, ven chân núi Kho, bên bờ sông Cầu. Đây là một trong 14 điểm du lịch của tỉnh, hằng năm, nhất là dịp đầu năm và cuối năm, đền thờ Bà Chúa Kho thu hút đông đảo khách viếng thăm và dâng hương.
Tương truyền, vào thời nhà Lý, tại làng quê thanh bình Quả Cảm
có người con gái vừa xinh đẹp, nết na vừa giỏi giang, khéo léo. Người con gái
đó không chỉ có nhan sắc tuyệt trần mà còn biết tổ chức sắp xếp các công việc sản
xuất, tích trữ lương thực, thực phẩm, giúp dân chống đói, giúp quân chống giặc.
Một lần tuần du qua làng Quả Cảm, vua Lý đem lòng cảm mến người con gái tài sắc
vẹn toàn đó và đưa bà vào cung làm hoàng hậu.
Tuy xuất thân trong gia đình nông dân, nghèo khó quanh năm gắn
bó với ruộng đồng nhưng bà lại là người thông minh, đa tài đa trí, giỏi cầm kỳ
thi họa. Có thể nói là tài sắc vẹn toàn, người người gặp đều cảm mến. Khi được
Vua Lý đưa vào cung làm vợ, bà đã tiến hành nhiều phương thức thúc đẩy sản xuất
nông nghiệp, khai hoang ruộng đất để canh tác.
Nhận thấy tại vùng quê nơi bà sinh ra đất đai còn hoang sơ,
đã xin vua cho về quê để chiêu dân, lập ấp, gia tăng canh tác, nâng cao chất lượng
đời sống của người dân nơi đây. Vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ - 1077 nước
ta bị quân Tống kéo quân sang xâm lược.
Toàn dân được Lý Thường Kiệt lãnh đạo để kháng chiến chống lại
quân Tống. Và chính tại ngôi làng của Bà - làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo… đã được
chủ quân lựa chọn làm nơi đặt lương thực. Bà đã tự mình cai quản, chỉ đạo, sắp
xếp, sản xuất, tiếp tế lương thực cho quân đội tại kho lương ở chiến tuyến quan
trọng tại sông Như Nguyệt. Cũng như bảo đảm lương thực đời sống cho người dân
nơi đây.
Trong quá trình hoạt động, khi cuộc chiến gần như đã chiến
thắng thì bà bị quân giặc giết chết trong một lần đi tiếp tế cho dân. Vua Lý
khi biết tin đã vô cùng thương tiếc, phong cho bà danh hiệu Phúc Thần để nói
lên những công lao to lớn mà bà đã dành cho nhân dân, cho dân tộc.
Người dân cũng thương nhớ và biết ơn bà, đã lập đền thờ tại
chính kho lương cũ ở núi Kho và đặt tên cho đền thờ là đền Bà Chúa Kho để thể
hiện lòng tôn kính, biết ơn dành cho Bà Chúa Kho. Đền
Bà Chúa Kho được lập từ thời Lý, ban đầu vốn là ngôi miếu nhỏ,
vào thời Lê, được trùng tu, mở rộng thành khu đền lớn. Hiện đền có kiến trúc
theo kiểu chữ Nhị, gồm Tiền tế và Hậu cung, mỗi khu vực có ba gian. Cổng Tam
môn đền Bà Chúa Kho, trên mái là bức đại tự với dòng chữ Hán đắp nổi: “Chúa Kho
từ”, có nghĩa là “đền Bà Chúa Kho”. Hai trụ phía trước có câu đối viết bằng chữ
Hán, ca ngợi công lao của công chúa Thanh Bình: “Càn long tốn thuỷ lưu thắng cảnh/Liệt
nữ cao sơn hiển linh từ” (có nghĩa là: Phía Tây Bắc có mạch nguồn, phía Đông
Nam có dòng nước chảy là nơi cảnh đẹp. Người nữ oanh liệt được tôn thờ ở ngôi đền
linh thiêng trên đỉnh ngọn núi cao).
Khu vực Tiền tế là nơi dâng hương trước khi vào lễ ở chính
điện. Sau khu vực Tiền tế là Hậu cung 3 gian gồm: Tứ Phủ Công Đồng, Đệ Nhị
Cung, Đệ Nhất Cung (Tam tòa Thánh Mẫu) và Cung cấm của Bà Chúa kho. Trong khu vực
đền Bà chúa Kho còn nhiều điện thờ tiêu biểu cho Đạo Mẫu Việt Nam.
Lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương vào các ngày 12
- 15 tháng Giêng, với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn
hoá dân tộc. Đền Bà Chúa Kho gắn với nghi thức “vay vốn”: Đầu năm, những người
buôn bán, kinh doanh sẽ tìm đến đền để “vay vốn”, xin lộc, cầu mong một năm
sung túc, làm ăn phát đạt, giàu sang như ý. Cuối năm, gia chủ sẽ qua lại “trả lễ”
để cảm ơn sự ban phước của thánh thần.
Đến thăm đền Bà Chúa Kho, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về
Bà Chúa Kho, về lịch sử dân tộc, chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo và ấn
tượng nơi đây. Du khách cũng có thể đến dâng hương, tìm hiểu các di tích lịch sử
khác ở khu Cổ Mễ như đình và ngôi chùa cổ. Chùa Cổ Mễ có từ lâu đời. Ngày nay
trong chùa còn ba pho tượng đá khá đẹp mang rõ phong cách điêu khắc thời Mạc.
Chùa còn lại đến nay là kiến trúc thế kỷ XIX, làm theo kiểu chữ T chạm khắc
công phu.
Đình Cổ Mễ kiểu chữ nhất với năm gian, hai vì. Các mảng chạm
khắc gỗ thể hiện theo các đề tài long vân khánh hội, ngũ hổ tranh châu với nghệ
thuật điêu luyện. Đình thờ Trương Hống, Trương Hát là những anh hùng có công
giúp vua chống giặc Lương. Bên cạnh đó, khi về đền đây, du khách cũng có dịp
thăm quan các di tích lịch sử tiêu biểu tại các phường khác; chiêm ngưỡng thành
phố Bắc Ninh văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; thưởng thức văn hóa ẩm thực của
người Bắc Ninh hoặc ven theo đê, thả hồn cùng dòng sông Cầu thơ mộng.
Ngọc Đăng
Nguồn: Báo Bắc Ninh