Đền Bì thuộc thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đền Bì có từ thế kỷ 17 thời nhà Lê, thờ 2 đại vương Kim Sơn Linh Ứng và Bản Cảnh Trí Minh có công giúp vua Hùng đánh quân Thục, mở mang bờ cõi và thờ một võ tướng, tên húy là Hải, có công lớn chống quân Tống dưới thời vua Lê Đại Hành.
Đền Bì còn có tên gọi khác, tên gọi này phân biệt với đền
Canh Sơn do vị trí địa lý của các đền nằm trên thượng nguồn và hạ lưu của sông
Văn Úc.
Theo bản Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (năm
1924) hiện còn lưu giữ ở Đền Bì viết: “Từ trước xã Tử Đôi, huyện Tiên Lãng, tỉnh
Kiến An đã thờ vị thần được tặng là Dực Bảo Trung hưng linh phù Đương cảnh
thành hoàng Bạt Hải Long Vương tôn thần, nay được gia tặng là Hoằng hợp Thượng
đẳng thần, đặc chuẩn cho nhân dân địa phương phụng thờ để ghi phúc nước và làm
rạng rỡ điển lệ thờ cúng”
Theo dòng chữ khắc trên bài vị thờ tại hậu cung của đền viết:
“Đương cảnh thành hoàng Bạt Hải Long Vương chi thần vị”.
Căn cứ tài liệu "Ngọc phả cổ lục: Tiền Lê Đại Hành
vương công thần nhất vị Đại vương" (Ngọc phả về vị Đại vương thời Tiền Lê,
triều vua Lê Đại Hành)3 do Đông các Đại học sĩ Hàn lâm Lễ viện thần Nguyễn Bính
soạn vào ngày lành tháng Giêng năm Hồng Phúc nguyên niên (năm 1572), Nội các thần
Bộ Lại sao lại vào ngày lành tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 6 (năm 1740) thì vị thần
Bạt Hải Long Vương thờ ở Đền Bì là một vị võ tướng thời Tiền Lê dưới , triều
vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn).
Thần tích viết: Ông huý tên là Hải người ở thành Long Biên
(nay là Hà Nội). Mẹ ông là người họ Đào tên là Nàng Phương. Sinh thời Nàng
Phương là một cô gái đẹp, có dung nhan cá lặn chim sa, hoa cười nguyệt thẹn...
Một hôm Nàng ra bến Nhị Hà (sông Hồng) tắm thì bỗng nhiên có
một con thuồng luồng đến cuốn quanh người, nàng sợ hãi bỏ chạy về nhà, từ đó
mang thai, đến ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Thìn (?) thì sinh hạ được một người con
trai diện mạo khác thường, hình dung khôi ngô tuấn tú “mày Nghiêu, mát Thuấn,
lưng Vũ, vai Thang” lúc sinh có một dám mây sắc tía ở trên nóc nhà ngưng tụ ba
ngày sau mới tan. Lớn lên, ông là người học giỏi, thông minh đĩnh ngộ khác thường
có tài thao lược, văn võ song toàn lại là người đức độ.
Khi mới lập quốc, vua Lê Đại Hành có chiếu chỉ lệnh cho các
châu huyện tiến cử người hiền tài ra giúp nước. Ông được cử ra ứng thí và với
tài thao lược và đức độ của mình ông được nhà vua trọng dụng phong làm Đô chỉ
huy sứ đại tướng quân.
Niên hiệu Thái Bình (năm 981), nhà Tống âm mưu xâm lược nước
ta, Đại tướng là Hầu Nhân Bảo, Phó tướng Khâm Kỳ đem 20 vạn quân thuỷ bộ sang
xâm lấn nước ta. Thế giặc rất mạnh. Vua Lê Hoàn họp quần thần, tiến cử ông đem
quân chống giặc. Ông được nhà vua phong là Tiết chế Đại tướng quân, kiêm cả thuỷ
bộ, đem quân đi chặn giặc. Trước khi đi, vua Lê Đại Hành tin đích thân làm bài
thơ để khích lệ tinh thần quân sĩ:
Nguyên âm: “Ngự chế lao thi”
“Tam quân lẫm liệt xuất trùng quan
Vạn lý tinh kỳ, vạn lý an
Công dĩ hồng mao khinh tử mệnh
Sư quân nhất tiết mạc từ nan.”
Tạm dịch: Bài thơ vua ban
“Ba quân lẫm liệt đến trùng quan
Muôn dặm tinh kỳ muôn dặm yên
Công tựa hồng mao coi thường sống chết
Thờ vua một dạ chẳng từ nan”.
Ông đem quân đi trước chặn giữ những nơi hiểm yếu, gây thanh
thế ba trung quân và phòng thủ biên cương. Một hôm, ông đến làng Tử Đôi, huyện
Tiên Minh, Phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện
Tiễn Lãng, Thành phố Hải Phòng) quan sát thấy đây là chốn phong thuỷ hữu tình,
thế đất rồng chầu hổ phục, núi không cao, nước không sâu.
Ông bèn cho lập một đồn binh để dùng vào việc chống quân Tống,
trai tráng tham gia tòng quân rất đông. Khi Quân Tống theo đường biển tiến vào
cửa An Bang, Ông đem quân ra đánh giặc. Quân ta đánh bại đạo quân nhà Tống, bắt
sống tướng giặc Hầu Nhân Bảo, Triệu Phụng Huân, thu khí giới nhiều vô kể...
Thắng trận khải hoàn, ông đưa quân trở về kinh sư, nhà vua mở
hội lớn gia phong cho quân sĩ, ban cho ông thực ấp ở trấn Hải Dương. Khi ông
mãn nhiệm đã trở về quê sinh sống cùng nhân dân. Ông còn dạy dân trồng lúa tốt,
mở mang giáo hoá trong vùng. Các
phụ lão trong làng đã xin sau này khi ông mất thì được lập đền thờ kính
công ở tại nơi này. Khi ông mất nhân dân đã lập đền hương khói thờ phụng.
Đền Bì hiện nay là một kiến trúc chữ Đinh ( J ), gồm một toà
Bái đường và Hậu cung. Đền nằm trên gò đất cao của thôn Tử Đôi, có tên gọi là
gò Bì hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Phía trước Đền có một đầm nước gọi là
Đầm Bì rộng lớn đổ nước ra sông Văn Úc. Đầm nước này là nơi cung cấp nước chính
cho sản xuất nông nghiệp của vùng. Phía sau đền là nơi nhân dân quần cư đông
đúc.
Theo các tài liệu hiện còn lưu trữ tại đền Bì thì đền được dựng trên một gò đất cao ráo của xã Tử Đôi, huyện Tiên Minh,
phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Đền ban đầu chỉ là một miếu thờ bằng gỗ, lợp lá và
bài trí thờ tự đơn sơ. Đến thời Hậu Lê (XVII – XVIII), được tu sửa lại bằng đá
(căn cứ vào di vật, cổ vật có niên đại thời Hậu Lê tại đền), kiến trúc thời điểm
này là một ngôi đền đá.
Các cụ cao niên cho biết, trước khi bị thực dân Pháp phá hủy
năm 1953, Đền Bì có nhiều phần kiến trúc đá: cột đá, voi đá, bát hương đá,
nhang án đá... Bố cục như sau: Ngoài cùng là khoảng sân rộng thờ voi đá đồng thời
là nơi đặt nhang án đá, tiếp theo là một tam quan cũng dựng bằng đá, cổng chính
giữa cao 2,5 m (nay vẫn còn cột đá), hai cổng hai bên thấp hơn. Qua tam quan đá
là nhang án đá đặt đồ thờ tự, tiếp sau nhang án đá là một bệ đá cao, trên bệ đá
đặt Long đình đá, phía trong Long đình đá có đặt bài vị để thờ thần.
Trải qua thời gian đền bị xuống cấp. Đến đầu thời Nguyễn, đền
được dựng thêm một kiến trúc bằng gỗ phía sau long đình đá, nhân dân đã đưa
thêm bài vị gỗ khắc tên hiệu thần và một số đồ tế khí vào thờ (kiếm gỗ). Kiến
trúc này có dạng chữ Đinh với quy mô nhỏ kiểu tường hồi bít đốc.
Đợt tu sửa này diễn ra vào khoảng giữa thế kỷ XIX và đã được
ghi lại trên bia đá. Tuy nhiên, tấm bia đá này và những phần kiến trúc đá đã bị
thực dân Pháp phá hủy vào những năm 1953 - 1954 để ngăn chặn hoạt động của lực
lượng dân quân du kích.
Vị trí Đền Bì hiện nay nằm theo trục liên thôn của xã, Đền gồm
các hạng mục: cổng tam quan, bình phong, sân đền, tiền cung (Đại bái), hậu
cung. Tam quan là một dạng kiến trúc cổng làng cổ xưa được dựng lại vào năm
1997, cổng gồm hai trụ biểu có mái đỡ. Trên trụ biểu có ghi đôi câu đối:
Bá thổ Tử Đôi phường uy tập
Sở trang thánh đức tối linh từ
Tạm dịch:
Đất thôn Tử Đôi tốt nên nhiều vùng đến ở
Nơi đây có ngôi đền thờ Đức Thánh rất linh thiêng.
Bước vào trong là khoảng sân rộng lát gạch. Trên sân bố trí
các phần kiến trúc theo đối xứng từ trục thần đạo sang hai bên: phía ngoài cùng
là hai ông voi đá chầu vào đền. Ông voi được tạo từ đá nguyên khối. Voi quỳ
trên bệ đá giật cấp trong tư thế buông vòi, thủ phục hướng vào đền.
Tiếp theo voi đá là hai nhang án đá song song. Nhang án đá
có hình khối, dài 100 cm, rộng 40cm, cao 60 cm, gồm 3 phần: đế, thân nhang án
và mặt nhang án. Trên thân nhang án, ở trung tâm có trang trí hoa văn, do lâu
ngày lớp hoa văn này bị mờ nhưng vẫn có thể nhận ra những lớp hoa văn cúc dây
trang trí trong bố cục vòng tròn, hai góc thân nhang án cũng được trang trí hoa
cúc dây nở mãn khai hướng về trung tâm.
Ở chính giữa của sân và là trung tâm của di tích là hai trụ
đá đối xứng. Mỗi trụ cao 2,5 m gồm 3 phần: Đế trụ hình lồng giành, cao 40 cm;
Thân trụ cao 1,5 m, vuông cạnh 25 cm và đỉnh trụ có hình trụ hoa sen nở hướng
lên. Trên thân trụ ở mặt tiền có ghi câu đối bằng chữ Hán nói đến nguồn gốc xuất
xứ và ý nghĩa tâm linh của ngôi đền:
Phiên âm:
Sinh tiền thử địa đồn binh sở,
Hóa hậu dư linh đảo vũ từ.
Tạm dịch:
Thời trước lúc (ngài) còn sống, đây là nơi đóng đồn binh để
đánh giặc
Sau khi (ngài) mất, đây là ngôi đền cầu mưa rất linh thiêng
Hai bên mặt cột cũng ghi chữ Hán, tuy nhiên do lâu ngày một
số chữ đã bị mờ, không đọc được. Ở mặt ngoài có ghi:
“Lê triều linh tích ... hoàng điển
Thuỷ trạch cộng chiêm thánh hoá lưu”
Tạm dịch:
Dấu tích linh thiêng dưới triều Lê còn ghi mãi trong sách thờ
tự
Nguồn nước dồi dào tuôn chảy do ơn của đức thánh ban cho.
Riêng ở mặt hậu của trụ bên phải chỉ khắc một vế đối, không
khắc ở trụ đối xứng:
“... hạt tướng truyền cửu ngũ hiển hiệu”.
Chính giữa hai cột đá là nhang án đá, nhang án ở đây đá giống
với các nhang án đá trong di tích nhưng đây là nhang án trung tâm, phía trên đặt
một bát hương đá (đường kính 30 cm, cao 25 cm). Nhang án đá có chạm nổi chủ đề
“lưỡng long chầu nhật”.
Qua khoảng hiên là bước vào Đại bái. Đại bái là tòa nhà xây
bằng vữa với 3 gian, mái vòm cuốn. Đây là kiến trúc do nhân dân phục dựng lại
vào năm 1995 theo lối tường hồi bít đốc, lợp ngói.
Sau tòa Đại bái là Hậu cung, Hậu cung là một gian thờ. Ở trung
tâm Hậu cung là nơi đặt ngai thờ thần, trước ngai đặt bài vị thần, trên bài vị
ghi dòng chữ: “Đương cảnh thành hoàng Bạt Hải Long Vương chi thần vị”, hai bên
đặt hai thanh kiếm gỗ. Các di vật trên đều có niên đại vào thời Nguyễn. Phía
trước bài vị thần là nhang án.
Trên tiết thi nhang án có bệ đặt thần tượng. Thần tượng có
oai phong của một vị võ tướng, mắt mở to, hai tay đặt trên gối, ngồi trên bệ thờ.
Thần tượng do nhân dân mới Tây Đô công đức khi khôi phục lại đền năm 1995. Trên
nhang án đặt một mâm bồng ở chính giữa, phía trước mâm bồng là bát hương, đối xứng
hai bên là chân nến và đài nước. Phía dưới thấp hơn là một ban thờ nhỏ, trên đặt
bát hương và một mâm bồng, hai bên đặt ống hương và hai chân nến.
Lễ hội đến Bì
Theo những ghi chép trong thần tích, Đền Bì có 2 ngày lễ lớn
trong một năm: Ngày thần sinh là ngày 15 tháng 2, ngày thần hóa là ngày 15
tháng 11. Cả hai ngày này, nhân dân sắp sửa lễ vật để tế thần: Lễ ban trên có lễ
chay (cau trầu, xôi oản, hương hoa trà quả) và ban dưới là lễ mặn (trâu, lợn).
Ban hành lễ thường là các cụ cao niên trong làng tổ chức,
nơi hành lễ diễn ra ngay sân đền. Trong ngày lễ có lý trưởng tham dự. Lễ vào
ngày thần sinh thì có ca hát (ca trù, trầu văn), lễ ngày thần hóa thì cấm mọi
trò ca hát. Nhân dân trong vùng có việc vào đền cầu xin thần phù trợ thì lễ tự
phát...
Do làng Tử Đôi có đình nên mọi sinh hoạt lễ hội diễn ra chủ
yếu ở đình, đền là nơi hành lễ thần và thực hiện lễ cầu mưa đồng thời tổ chức
đua thuyền.
Đền Bì là một trong 5 đền thiêng của Tiên Lãng "Ngũ
Linh Từ" gồm: Đền Canh Sơn (xã Đoàn Lập), Đền Để Xuyên (xã Đại Thắng), Đền
Để Sơn, Đền Gắm (Toàn Thắng), Đền Bì (Đoàn Lập). Nhân gian cũng có câu:
"Thứ nhất đền Bì, thứ nhì Đền Gắm" để nói đến sự linh thiêng của di
tích.
Đền Bì là là trung tâm của lễ hội cầu mưa của nhân dân trong
vùng. Từ thực tiễn quan sát tại địa phương dân gian đã đúc kết:
“Lụt lạo thì tháo cống đôi
Trời làm hạn hán thì bơi Đầm Bì”
Xưa kia, mỗi khi trời hạn thì nhân dân tiến hành làm lễ cầu
mưa (đảo vũ) ở đền thường vào tháng 4,
Âm lịch. Để chuẩn bị cho lễ đảo vũ, mỗi làng trong xã tiến hành rước
long ngai, bài vị từ đình Để Xuyên, đền Hà, đền Gắm, Đền Canh Sơn, đình Cựu Đôi
về Đền Bì làm lễ tế.
Thời Phong kiến, đây là một lễ hội lớn cấp huyện nên trong
Ban hành lễ ngoài các cụ cao niên trong làng còn có Quan Chánh tổng hoặc phó
chánh tổng, lý trưởng của các xã cũng tham dự. Lễ tế cầu mưa diễn ra trong thời
gian 7 ngày. Nếu trời không mưa, lại tiếp tục mở cửa đền tế lễ thần lần thứ
hai, lần thứ ba.
Trời vẫn không mưa thì Ban hành lễ tổ chức hội thi bơi thuyền
trên Đầm Bì giữa các làng trong hàng Tổng. đội tuy Trên mỗi thuyền bơi đều có cắm
cờ màu để phân biệt: Thôn Xuân Lai dùng cờ đen, thôn Tỉnh Lạc dùng cờ vàng,
thôn Hộ Từ dùng cờ đỏ.... Khoảng cách đường đua xuất phát từ Đền Bì và đích đến
là Cầu Đầm.
Đội thuyền nào tới Cầu Đầm trước là thắng cuộc. Thuyền thắng
cuộc được thưởng 1 lá cờ, một vuông vải. Nhân dân địa phương cho rằng: trong thời
gian cầu đảo ở đền Bì, thế nào trời cũng đổ mưa.
Hiện nay hội đua thuyền vẫn được tổ chức nhưng lịch tổ chức
có thay đổi vào ngày 2 tháng 9 hàng năm (ngày Quốc khánh) do Uỷ ban nhân dân xã
Đoàn Lập đứng ra tổ chức. Lễ hội cầu mưa đền Bì thu hút đông đảo nhân dân trong
vùng và khách thập phương tham gia.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng