Đền Chóa ở làng Chân Lạc, tức làng Chóa, thuộc xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đền được xây dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), thờ 3 vị thủy thần là: Thủy tộc long quân, Hoàng Hà Long Khiết phu nhân và Tam Giang công chúa.
Từ khi thành lập đến nay, đền đã qua một vài lần trùng tu
vào thời Nguyễn. Ngôi đền hiện nay nằm trên một khu đất cao ở giữa làng, bên cạnh
là đình, chùa, miếu, tạo thành một quần thể di tích cổ kính của của xã Dũng Liệt,
huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Con sông Cầu nhỏ bé hiền hòa chảy suốt với thời gian, cội
nguồn của nó bắt đầu từ vùng núi Đông Bắc Việt Nam là Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái
Nguyên từ những dòng suối nhỏ len lỏi qua những bản làng người dân tộc Cao Lan,
Tày, Nùng rồi trở thành một dòng chảy mang dáng vóc của một con sông từ khi chảy
vào địa phận của tỉnh Thái Nguyên thuộc khu vực Đu Đuổng rồi hòa vào dòng chảy
của sông Lục Đầu ra biển.
Con sông đi từ những nơi hoang vắng gập ghềnh và trên con đường
ra biển của nó cứ tiếp tục ôm vào mình những dòng chảy nhỏ như Cà Lồ, Ngũ Huyện,
Tào Khê và cùng với nó là biết bao câu chuyện về đất về người, về những dòng
văn hóa chảy trôi trong mạch sống của cả một xứ sở, nơi những con người cần lao
đã hàng nghìn năm qua tranh đấu vật lộn với thiên nhiên, giặc giã để xây ấp, lập
làng.
Dòng sông gắn bó với cuộc sống của hàng triệu con người ngay
từ thuở hồng hoang đã chọn đôi bờ sông làm nơi sinh sống, đó là nơi đi lại,
giao lưu với nhau, là nơi đánh bắt tôm cá và những bãi bờ ăm ắp phù sa đã cho họ
những cánh đồng tốt tươi.
Một trong những công việc làm cho con người nơi đây có cuộc
sống khấm khá đó là nghề trồng dâu nuôi tằm. Truyền thuyết về Bà Chúa Dâu tằm vẫn
còn như một bí ẩn lưu giữ tại đền Chóa trong khu di tích lịch sử của xã Dũng Liệt,
huyện Yên Phong.
Chuyện kể rằng, Bà vốn là công chúa con vua Thủy tề hàng năm
vào dịp tháng giêng vẫn hay du ngoạn dọc theo dòng sông, men theo những hồ đầm,
làng mạc, thấy dân làng lam lũ cực nhọc, Bà đã truyền dậy cho dân làng nghề trồng
dâu, nuôi tằm dệt vải và cho phép dân làng đánh bắt tôm cá trên sông, Bà còn dậy
cho dân làng biết đoàn kết nhau lại để chống thú dữ, làm nhà để ở, đóng thuyền
để đi lại trên sông.
Sau nhiều năm sống với dân làng, đến ngày phải trở về Bà đã
Hóa tại vị trí đền Chóa bây giờ, khi ấy hồ nước trước cửa đền vẫn là dòng sông.
Tưởng nhớ công lao, ân đức của Bà, dân làng đã lập đền thờ
phụng, hương khói quanh năm, lấy uy đức của Bà làm mẫu mực để duy trì nền nếp,
phong tục, tập quán truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Trong nhiều chi tiết thuộc truyền thuyết về Bà đều nhắc tới
sông nước, mây trời và những linh vật của sông hồ. Nhiều sắc Phong đều tôn vinh
Bà là Thánh Mẫu nương thần tựa như một nhân vật tối linh tối thượng.
Ngôi đền khi xưa chỉ là một nơi thờ đơn giản trên quả đồi nhỏ
ven sông, cách đây chừng 300 năm, một vị quan của làng Chóa đã hưng công xây dựng
đền có quy mô như ngày nay, đền gồm 5 tòa nhà kết cấu kiểu chữ Đinh đó là hai
nhà Giáp cỗ, một tòa tiền tế, một tòa đền trung và đền thượng, bình thường người
dân chỉ được làm lễ ở đền trung còn ngôi đền thượng được coi như cấm cung không
ai được vào, chỉ có ông Đám trông coi đền mới được vào trong làm lễ thắp nhang,
những điều mắt thấy trong đền thượng sống để bụng chết mang đi chứ không được
nói với ai.
Chính vì vậy mà theo thời gian, đến nay hầu hết người dân
không biết gì nhiều về những gì có trong đền thượng, đây như một điều cấm kỵ với
bất cứ ai. Cũng chính vì vậy mà ngôi đền ngày càng trở nên huyền bí linh
thiêng.
Bên ngoài khu đền chính còn một công trình khá độc đáo là Miếu
Bà Cô, đây được coi như đền trình vào đền, trước ngôi miếu xưa còn tấm bia Hạ
Mã ai qua đây cũng phải dừng lại nếu không có thời gian vào lễ đền thì vái lạy
Bà Cô là có thể đi được.
Trải qua thời gian, ngôi miếu đã bị một cây Xanh Già mọc
trùm lên toàn bộ kiến trúc cây bằng gạch, ngôi miếu đã nằm trọn trong bộ rễ của
cây tạo nên một cảnh sắc hiếm lạ bên hồ nước quanh năm xanh biếc, thâm u.
Những cổ vật còn lại trong đền còn khá nguyên vẹn, từ đồ thờ
cúng cho đến những bức hoành phi, câu đối, những đạo sắc phong của tất cả các đời
vua từ Lý, Trần, Lê vẫn được lưu giữ cẩn thận.
Trong đền có một tấm đá mặt sập nặng hơn một tấn được coi
như là bảo bối đặt giữa đền trung và đền thượng gắn với truyền thuyết về việc
xây dựng đền cách đây 300 năm, chuyện kể rằng khi vận chuyển vật liệu xây đền
trong đó có sập đá này, người dân làng Chóa đã được nhân dân làng Lỗ Khê thuộc
xã Dục Tú, huyện Đông Anh Hà Nội giúp đỡ nên từ đó đến nay hai làng kết chạ coi
nhau như anh em một nhà.
Đền Chóa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc
gia từ năm 1986. Không gian bên ngoài ngôi đền như hồ nước, cây cối cũng không
ai dám xâm hại, đặc biệt có những cây cổ thụ có tuổi đời 300 năm vẫn xanh tốt
trong đó có cây gỗ xưa cổ thụ vẫn còn nguyên cho đến bây giờ.
Trong những năm chiến tranh, Đền Chóa là nơi sinh hoạt, hội
họp của nhân dân trong làng, đây còn là nơi diễn ra đại hội đảng bộ tỉnh Bắc
Ninh lần thứ hai, nhiều cơ quan trường học của Trung ương những năm sơ tán
tránh giặc Mỹ ném bom miền Bắc cũng đã lấy đây là nơi đặt trụ sở, nhiều hoạt động
của huyện Yên Phong ngày ấy cũng được tổ chức tại đây như: Cắm trại hè của thiếu
nhi, những đợt tiễn thanh niên của huyện Yên Phong lên đường đi chiến đấu cũng
được tổ chức trong khu đền này.
Trải qua thời gian hơn 300 năm dưới áp lực của thời tiết nhiệt
đới khắc nghiệt, cùng với tác động của những năm chiến tranh ngôi đền đã bị xuống
cấp nặng, hệ thống kiến trúc bằng gỗ lim đã hư hại, nhiều công trình phụ cận
cũng mất đi.
Năm 2007 được sự hỗ trợ của nhà nước, ngôi đền trung đã được
cải tạo nâng cấp bằng chính những người thợ của làng, đây là một niềm vui, sự
phấn khởi của người dân làng Chóa, một vùng quê còn nghèo nhưng giầu truyền thống
văn hóa luôn biết tôn trọng quá khứ của cha ông. ở làng Chóa còn một nghề có lẽ
bắt nguồn cùng với ngôi đền đó là nghề làm hương, hàng năm, người dân chọn dịp
tháng chạp để làm vì đây cũng là lúc cây trám trắng trên thượng nguồn chảy nhựa,
nhựa trám trộn với bột thanh hoa rồi xe với cốt hương bằng tre nứa, khi thắp
thương có mùi thơm đậm đà.
Lễ hội Đền Chóa được tiến hành vào ngày mùng 6 tháng giêng
âm lịch hàng năm, tục truyền vào ngày lễ hội, dân 2 thôn Chân Lạc và Lạc Trung
tạo thành 2 đoàn rước Thánh Mẫu từ đình của hai thôn và cỗ về đền, gặp nhau trước
cửa đình Chân Lạc rồi hợp nhất thành một đoàn lần lượt vào tế lễ, dâng hương cầu
mong Bà Chúa Thánh Mẫu phù trợ dân làng làm ăn yên lành phong đăng hòa cốc mọi
người được khỏe mạnh, ấm no.
Trong ngày lễ hội khách thập phương về dự rất đông nhất là
dân cư thuộc tổng Chóa xưa gồm 3 xã lân cận như Yên Trung, Thụy Hòa, Tam Đa
cũng về dự, tất nhiên không thể thiếu chạ bạn là dân làng Lỗ Khê xã Dục Tú, huyện
Đông Anh - Hà Nội.
Về đền Chóa dịp xuân này chắc chắn mỗi chúng ta sẽ có thêm
cơ hội chiêm nghiệm về lịch sử hàng nghìn năm của một vùng đất cổ và để cho sự
cộng hưởng giữa quá khứ, hiện tại tạo nên một niềm tin yêu quê hương đất nước
hướng tới tương lai.