HÀ NỘI-Đền Dầm có từ thời Trần, lưu giữ nhiều nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân vùng đồng bằng sông Hồng.
Đền Dầm tọa lạc tại thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Từ đê Hữu Hồng, bạn rẽ vào khoảng 300 m là tới nơi. Ngôi đền được ban tới 6 sắc phong, từ đời vua Lê Thần Tông đến đời vua Khải Định.
Đền Dầm hiện thuộc cụm di tích tâm linh gồm chùa Công Minh, đền Mẫu Cửu, đền Đại Lộ. Ảnh: Trung Nghĩa
Đền Dầm thờ Thủy Cung Thánh Mẫu, hay còn được hiểu là Mẫu Thoải - vị Thánh Mẫu cai quản miền sông nước. Vì đức độ, bà được tôn phong là Đệ Tam Thánh Mẫu trong đức thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Tương truyền, vị thánh mẫu này là con gái Long Vương, có công phù vua Trần Nhân Tông đánh quân Nguyên. Chiến thắng trở về, ngài cho xây đền Xâm Dương (còn gọi là Đền Dầm) và đền Xâm Thị, đều thờ Mẫu Thoải.
Còn có thần tích kể rằng, vào một buổi đêm, dân làng nghe thấy tiếng chó sủa liên hồi và mơ thấy một người con gái mặc áo trắng mang đai ngọc lưu ly, cưỡi rồng vàng, bay lên từ mặt nước nói giúp nước cứu dân, giải trừ dịch bệnh. Trời sáng, các phu lão dân làng đều kể về giấc mộng như thế và bệnh tình dần dần tiêu tan hết. Từ đó dân làng dựng một ngôi miếu thờ Mẫu Thoải, ngày đêm hương khói.
Đền Dầm có kiến trúc cổ, không gian thoáng đãng, hiện tại vẫn giữ những nét xưa cũ. Trong khuôn viên của đền có một hồ nước và trồng nhiều cây cổ thụ. Đền chia thành các khu khác nhau, ngoài gian chính là đền thờ Mẫu Đệ Tam còn có cung Trần triều thờ Hưng Đạo vương, động Sơn Trang, Lầu Cô, Lầu Cậu. Nổi bật là Lầu Cô nằm ngay trên hồ, là một cổ lầu hai tầng, có mái hình lục giác, nghinh môn với 6 trụ bề thế, uy nghiêm.