Đền Lũng, còn gọi là đền Lũng Khê, đền Hữu Lũng thuộc thôn Lũng Khê, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành thờ phụng Thái thú Sĩ Nhiếp (137 - 226) có công truyền bá đạo Nho và chữ Hán đầu tiên vào Việt Nam. Đền nằm trong khu vực Thành cổ Luy Lâu - thủ phủ của nhà Hán từ những năm đầu Công nguyên.
Thời Hậu Lê, thôn Lũng Khê có tên gọi là Lũng Triền thuộc xã
Thanh Tương, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An. Sang đến thời Nguyễn mới được nâng
lên thành đơn vị hành chính cấp xã và đổi tên gọi là Lũng Khê.
Tương truyền đền Lũng xây dựng từ lâu đời trên khu nhà ở và
đồng thời là trường dạy học lúc sinh thời của Thái thú Sỹ Nhiếp. Dưới các triều
đại phong kiến đền Lũng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần với quy mô lớn và được
liệt vào hàng “miếu điện quốc gia”.
Đền Lũng có bố cục kiểu “Tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh”. Tòa Tiền
tế 5 gian xây dựng lại năm 2001 theo phong cách “tầu đao lá mái” khung nhà làm
bằng gỗ táu, đục chạm thường.
Tòa Thượng điện gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung kết cấu
đơn giản kiểu “quá giang gác tường”. Phía trong Hậu cung đặt bài vị của Thái
thú Sỹ Nhiếp bằng gỗ quý đục chạm tinh xảo, niên đại thế kỷ XVII, btrên treo bức
Hoành phi khắc 4 chữ Hán “Nam Giao học tổ”, dưới bài trí bộ tượng thờ bằng đất
sét phủ sơn gồm: Thái thú Sỹ Nhiếp, con trai Sỹ Huy, Công chúa, Quan hầu mang
phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Đền Lũng hiện còn bảo lưu được 15 tấm bia đá thời Lê - Nguyễn,
nội dung ca ngợi công lao to lớn của Thái thú Sĩ Nhiếp trong sự nghiệp truyền
bá Nho giáo vào Việt Nam. Văn bia còn cho biết, đền Lũng là “miếu điện quốc
gia”, tế lễ hàng năm diễn ra đủ cả 4 mùa theo nghi thức cấp quốc gia và do các
quan phủ, huyện đảm trách. Có những tấm bia khác đề thơ và ghi chép các dòng họ,
cá nhân người địa phương lập hậu tại đền.
Bộ bia đá ở đền Lũng gồm: Bốn tấm bia lệnh chỉ khắc vào các
năm 1678, 1774, 1775, 1809. Bốn tấm bia trùng tu dựng vào năm 1661, 1843, 1857,
1877. Sáu tấm bia hậu thần có niên đại thời Nguyễn. Một tấm bia đề thơ khắc vào
năm 1924. Toàn bộ hệ thống bia đá ở đền Lũng đều đều có giá trị lịch sử, văn
hóa, khoa học và mỹ thuật.
Tấm bia có niên đại tạo tác sớm nhất năm 1661 và muộn nhất
là năm 1924. Trong 15 tấm bia có tới 14 tấm là bia dẹt khắc hán tự cả hai mặt,
tấm bia ghi tu sửa cầu đá khắc năm 1843 là bia 4 mặt mái long đình. Kích thước
bia đá ở đền Lũng không đều nhau, các tấm bia khắc dưới thời Hậu Lê có kích thước
lớn, thời Nguyễn nhỏ hơn, đặc biệt là các bia hậu thần.
Người soạn văn bia là những người có học vị và chức vụ cao
như: Lễ bộ Tả thị lang Nghĩa Quận Công Nguyễn Tính người xã Hoa Cầu, huyện Văn
Giang là người soạn tấm bia “Thành Luy Lâu” khắc năm 1661. Tướng sĩ Thứ lang, Tương
tác giám ngọc thạch cục, Cục chính Tiến Nam Lộc Nguyễn Phú Tài người xã Đoan
Bái, huyện Gia Định soạn tấm bia “Cung san lệnh dụ phụng sự bi” khắc năm 1678.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1748) Nguyễn Huy Dận người xã
Phú Thị, huyện Gia Lâm soạn tấm bia “Vĩnh cửu bất san” khắc năm 1775. Tú tài
Nguyễn Văn Huy người xã Phật Tích soạn tấm bia “Cổ Luy Lâu thành bi ký” khắc
năm 1857, Cử nhân Ngô Quang Huy người Yên Đình soạn tấm bia ‘Lũng Khê từ Vọng
giang lầu ký” khắc năm 1877.
Về mặt nghệ thuật điêu khắc: mỗi tấm bia ở đền Lũng là một
tác phẩm nghệ thuật tạo hình hoàn chỉnh, từ việc trang trí hoa văn trên trán và
diềm bia tới các kiểu chữ Hán được khắc trên mỗi một tấm bia. Hệ thống bia đá đền
Lũng còn góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc đá của
người Việt dưới thời Lê - Nguyễn.
Nguồn: Vietlandmarks