Đền thờ Đức Thánh Trần, quận 1, được xây dựng năm 1932, là một trong những điểm tín ngưỡng linh thiêng của thành phố.
Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng trong một khuôn viên rộng lớn của chùa Vạn An cũ. Đến năm 1957 đền được xây dựng quy mô hơn, sau đó còn được tu bổ nhiều lần.
Lối vào đền trên đường Võ Thị Sáu (quận 1), gồm cổng chính ở giữa và hai cổng phụ ở hai bên. Cổng chính được thiết kế với mái ngói uốn cong, có trang trí hình rồng, phụng. Trên trán cổng nổi bật 4 chữ Hán cỡ lớn, phiên âm: "Hưng Đạo Đại Vương".
Ở giữa khoảng sân rộng sau cổng có đặt lư hương và có đặt một pho tượng Trần Hưng Đạo. Mọi người khi vào đền thường cúng bái Đức Thánh Trần trước khi vào trong điện thờ.
Tượng vị danh tướng triều Trần cao gần 2 m, được đúc năm 1972 bằng xi măng thép.
Một góc sân trích lại một đoạn trong bản Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo viết cuối thế kỷ 13 trước cuộc kháng chiến chống giặc Mông Nguyên lần thứ hai của quân dân Đại Việt.
Đền thờ xây ở cuối sân, cấu trúc theo hình chữ "đinh", là một căn nhà 5 gian xây bằng gỗ và bê tông cốt thép.
Mái lợp ngói vẩy cá, phái trên nóc là hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt thường thấy trong kiến trúc đền chùa truyền thống.
Hai bên bậc tam cấp có tượng có tượng ông Hổ (cọp) vốn là linh vật bản địa của người Việt.
Bên trong đền có diện tích khoảng 200 m2, có hai khu vực là tiền điện và hậu điện. Không gian thờ cúng được bày trí đẹp đẽ và trang nghiêm với hương án, tàn lọng, đồ bát bửu, đôi hạc, hoành phi...
Trong đền còn có nhiều tác phẩm được sơn son thiếp vàng rất mỹ thuật như bao lam, hoành phi, liễn đối, ngựa trắng...
Hai bên tiền điện có bàn thờ thờ các vị tướng lĩnh tài giỏi đời Trần như: Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng.
Bên hông đền là nhà "Trưng bày lịch sử đời Trần" được xây năm 1929, hiện đóng cửa để tu sửa. Hằng năm, đền thờ đều có tổ chức các ngày lễ lớn, trong số đó có lễ giỗ (20 tháng 8 âm lịch) và lễ sinh (10 tháng chạp) của Trần Hưng Đạo.
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp