Đền Trúc Lâm có tên chữ là Trúc Lâm Đài thuộc làng Công Đình, xã Đình Xuyên, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội , thờ phụng thần Cây Gạo. Đền được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1992.
Làng Công Đình trước đây thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn,
đạo Bắc Ninh, trấn Kinh Bắc. Ban đầu vốn được gọi là ấp Tùng Đình, sau kiêng
tên huý của chúa Trịnh Tùng nên mới đổi tên là Công Đình.
Năm 1945, Công Đình và Tế Xuyên sáp nhập thành xã Công Tế.
Tháng 7-1955 xã đổi tên là Đình Xuyên và năm 1961 được nhập vào huyện Gia Lâm,
ngoại thành Hà Nội.
Đền Trúc Lâm có tên chữ là "Trúc Lâm đài", nằm
bên bờ sông Thiên Đức, một nhánh của sông Đuống nay đã cạn, chỉ còn
dấu vết ở dãy hồ ao dài. Theo thần phả và sắc phong trong đền thì làng
Công Đình xưa có một cây gạo rất to. Một lần có vị vua bị giặc đuổi đến bờ sông
đang bối rối tìm đường qua, trời bỗng nhiên tối sầm và nổi gió, cây gạo đổ
thành cầu. Nhờ đó vua qua được sông và thoát khỏi sự truy đuổi. Sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, vua sắc
phong thần Cây Gạo làm Miên mộc Đại vương và cho dân sở tại lập miếu thờ.
Đền Trúc Lâm có từ thời Lê Trung hưng, căn cứ vào đạo sắc
phong Miên mộc đại vương ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất (1740) và tấm bia đá
cổ nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng 7 (1746), có thể khẳng định đền Trúc Lâm được
xây dựng từ trước đó.
Cổng đền là một nghi môn liền với bức tường thấp
áp lưng thượng điện và giáp với đường làng ngày nay trải nhựa. Nghi
môn được xây theo kiểu tứ trụ, gồm hai trụ lớn và hai trụ nhỏ.
Du khách đi qua cổng và con ngõ ngắn rợp bóng cây
rồi rẽ sang tay phải sẽ thấy khu đền chính nằm trên nền cao, có lối lên
5 bậc thềm của toà tiền tế quay mặt về hướng Bắc nhìn ra hồ nước lớn,
bên cạnh là nhà hữu vu ba gian.
Toà tiền tế gồm ba gian cửa bức bàn, xây theo kiểu tường hồi
bít đốc tay ngai, hai cột trụ có đắp câu đối chữ Hán xung quanh thân. Trên
khung hình chữ nhật của hai bức tường từ cột trụ nối vào hiên có đắp hình rồng,
cá chép, tường hiên gắn những tấm bia cổ.
Các mái đều lợp ngói ta, bờ nóc đắp nổi một bức đại tự đề
ba chữ Hán "Trúc Lâm Đài", hai đầu kìm đắp đấu nắm cơm, bờ dải đắp bậc
tam cấp. Bốn bộ vì kèo làm theo kiểu "thượng chồng rường hạ kẻ". Phía
dưới đắp ván mê, trang trí chủ yếu là vân xoắn lớn, hoa lá trên nền văn triện
được chạm nổi. Đầu kẻ hiên trang trí hoa lá hoá rồng mang phong cách nghệ thuật
thế kỷ XIX-XX.
Hậu cung gồm hai gian cung cấm, nối với tiền tế thành
hình chuôi vồ. Tiền tế và hậu cung gần như tách biệt, không liên kết với
nhau, vì thế ở gian giữa còn lại bộ cốn ván mê hình chữ nhật có những mảng chạm
với đề tài rồng vây nhỏ ở tư thế vùng vẫy, nô đùa cùng vân mây sóng nước, nét
chạm nổi mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Lại có bức cửa võng kiểu chân
quỳ dạ cá, trang trí đề tài tứ linh, hoa lá, sơn son thếp vàng lộng lẫy và 04
pho tượng trang nghiêm đứng chầu hai bên hương án.
Đền Trúc Lâm còn giữ được nhiều cổ vật quý. Trong đó có 7
đạo sắc phong (5 đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng), ban hành sớm nhất ngày 24 tháng
7 năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740), muộn nhất ngày mồng 1 tháng 7 niên hiệu Đồng
Khánh thứ 2 (1887), 1 long ngai bài vị
mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Cỗ long ngai thể hiện kiểu nhiều tầng
giải khác nhau, với các nét chạm thủng, chạm nổi, bong kênh các đề tài trang
trí hình linh vật, văn triện hoa lá cách điệu, có giá trị nghệ thuật cao.
Trong đền còn một đôi câu đối chữ Hán như sau:
Miên mộc hoành giang, nhất trận uy phong quyền tự cổ
Tùng Đình lập miếu, thiên thu tráng lệ ngật vu hàm
(Tạm dịch: “Cây gạo chắn ngang sông, trận gió uy quyền tự
cổ / Đình Tùng dựng tôn miếu, ngàn thu tráng lệ đến nay”)
Ngoài ra còn có một đôi hạc đồng và hương án gỗ mang phong
cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Đáng chú ý một tấm bia thời Lê cao 120cm, trán
bia trên cùng là hình chóp tháp, giữa trang trí hình hoa cúc, xung quanh là những
vân xoắn lớn, hoa dây cách điệu.
Theo quyết định số 490-QĐ ngày 22 tháng 4 năm 1992 ngôi đền
đã được Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ
thuật quốc gia.
Nguồn: 360.hncity.org