Một buổi sáng bên hiên nhà cổ Chúng Pủa (thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang), chị Nguyễn Thị Kim Oanh, du khách đến từ TP HCM, chờ từng giọt cà phê nhỏ hết xuống ly để thưởng thức.
Thấy chị định pha cà phê với đường, tôi mang chai mật ong bạc hà ra mời chị pha cà phê với mật ong xem hương vị thế nào. Và rồi chị quyết định theo dấu ong bay đến xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Thùng ong được đóng bằng gỗ, hình chữ nhật, mỗi thùng chứa sáu đến mười cầu ong, giống nội địa, thuần chủng. Tổ ong được đặt ngay ngắn trên giá đỡ gỗ cao, mái che lá cọ hoặc miếng tôn. Xong xuôi, chiếc cửa nhỏ bằng tôn được mở ra, ong thợ túa ra rào rào từng nắm như vãi thóc tìm hoa, hút mật. Rồi cứ thế, chủ bốc thùng ong và lán trại di chuyển khắp Ma Lé, Sà Phìn, Lũng Phìn... đâu có nhiều hoa nở thì họ đến. Công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Anh Thào Chứ Nhù, 35 tuổi, người H’Mông là một trong những người nuôi ong nổi tiếng của địa phương. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.
Cuối thu, hoa bạc hà nở tím đá núi, ong thợ kéo đến hút mật hàng đàn. Từ sáng sớm đến chiều tối, vùng hoa bạc hà luôn rù rì, náo nhiệt tiếng ong bay. Hạt cây bạc hà tháng 12 âm lịch rụng xuống đất, theo gió bay khắp nơi, đậu trên mặt đất, len vào vách đá tai mèo, giắt lên thân cây... Vì có tinh dầu nên chúng không bị mối mọt ăn, không bị thối. Các loại hạt khác gieo xuống đất bảy ngày nảy mầm nhưng hạt bạc hà phải cần tới chín tháng. Thời tiết càng khô hạn, cây bạc hà càng nhiều tinh dầu, hoa càng thơm, càng nhiều mật.
Anh Thào Chứ Nhù, 35 tuổi, người H’Mông ở thôn Sủng Của, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, Hà Giang là một trong những người nuôi ong nổi tiếng của địa phương. Với 22 tổ ong hiện có, anh thường mang ong đi Mậu Duệ thả cho ăn các loại hoa, đến mùa hoa bạc hà đầu tháng 10 âm lịch anh lại chở ong về Sủng Trái ở đến hết tháng 12 âm lịch. Anh bán lẻ 400.000 đồng/lít, cả xách (can 20 lít) thì 7 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Nhù thu được 50 triệu đồng từ nuôi ong.
Mỗi gia đình người H’Mông ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, từ nhiều đời nay đều có một vài đàn ong nhà nuôi lấy mật làm thuốc và làm bánh vào các dịp tết, lễ hội, cúng bái... Mật ong bạc hà người H’Mông được sản xuất theo phương thức truyền thống. Ong được nuôi chủ yếu bằng hoa bạc hà (mật và phấn của nhụy hoa cho mùi vị riêng biệt), hoa cúc kim và một số loài hoa dại khác. Mật ong bạc hà màu vàng chanh hoặc vàng nâu, sánh, mùi the mát, dịu ngọt.
Không giống những chuyến du lịch thông thường, lần đầu tiên chị Oanh tham gia loại hình du lịch tri thức bản địa. Ở đó, từng món ăn, thức uống, cách trồng trọt, chăn nuôi, đến cách thực hành tín ngưỡng... của người H’Mông, đến những thứ cây, con vật gặp trên đường đi, sẽ được người bản địa - những diễn giải viên cộng đồng - kể qua những câu chuyện.
"Đi chơi nhưng tôi không đi khơi khơi như bình thường mà đổ mồ hôi tham gia công việc thường ngày với người dân. Đó là cách để tôi hiểu cuộc sống của họ, để góp chút sức mình cho họ. Bù lại, tôi được trải nghiệm, được học hỏi và được kết tình thân," chị tâm sự. Chia tay cao nguyên đá, chị đặt mua những sản vật mà mình đã thấy, đã làm, đã nếm: mật ong bạc hà, gạo nếp nương, rượu ngô, xúc xích treo, nấm hương, mộc nhĩ, khèn, vải lanh...
Người H’mông rất thích chọi bò, nhà nào có bò to khỏe thì tự tìm nhau, dắt bò đi chọi vào lúc nông nhàn và dịp lễ, tết, thậm chí ngay giữa phiên chợ. Du khách rất thích thú khi cùng tham gia các hoạt động này của cư dân bản địa. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Ý tưởng phát triển tour tri thức bản địa đến vào dịp Tết năm 2016, khi chúng tôi dẫn nhóm khách Nhật Bản và Hàn Quốc khám phá cao nguyên đá Đồng Văn. Buổi ăn tối ở nhà cổ Chúng Pủa, thị trấn Mèo Vạc, họ tâm sự rằng sang Việt Nam có mấy ngày mà được ăn, ở, trò chuyện và làm việc với bốn dân tộc Tày, Lô Lô, Giáy và H’Mông.
Ngay lúc ấy, tôi nhận ra một lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam chính là sự đa dạng tộc người với điều kiện sống đặc thù, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa khác biệt... Thế là, chúng tôi mở tour tri thức bản địa. Mỗi tour, chúng tôi nhận từ một đến mười khách. Khách được dẫn đến một ngày chợ phiên hoặc một lễ hội cộng đồng để có cảm nhận tổng thể về địa phương.
Sau khoảng thời gian tưng bừng, náo nhiệt đó, họ xuống bản, làng... của các dân tộc cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Đôi khi, khách hàng được tự chọn điểm đến cho chuyến đi. Có lần, một đoàn khách từ TP HCM đến Cao Bằng khám phá văn hóa Tày, Nùng. Trong bữa cơm chia tay ở bản Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, nghe gia đình người Nùng An kể chuyện về người Lô Lô, thích quá, họ quyết định ngược lên bản Khuổi Khon, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc để trải nghiệm văn hóa người Lô Lô đen rồi vòng sang thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang để khám phá văn hóa của người Lô Lô hoa.
Từ câu chuyện trong bữa ăn vui vẻ, chuyến đi đã kéo dài thêm năm ngày. Một lần, trên trang Dao homestay của công ty có mấy dòng trạng thái về các bài thuốc cây đinh lăng. Một khách hàng người Pháp gửi tin nhắn để hỏi thêm thông tin. Sau đó, chị đặt tour cho bốn người trong gia đình đến bản người Dao, Mông, Cao Lan, Mường, Kinh, Chăm ở Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Ninh Thuận... để tìm hiểu việc sử dụng cây thuốc nam. Chuyến đi kéo dài tới 35 ngày.
Cũng chọn thị trường ngách là những nhóm khách dưới 10 người, đam mê khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa, phát triển cộng đồng, chúng tôi mở tour Đi bán đam mê để du khách được truyền đam mê, chia sẻ đam mê với những con người giỏi nghề ở mỗi cộng đồng mình dừng chân. Những tour như Con đường hạt muối, Con đường trà Việt Nam, Chợ trà Thái Nguyên, Chợ rượu Hà Giang, Chợ ngựa Bắc Hà, Chợ lùi cao nguyên đá Đồng Văn... đã tích hợp được rất nhiều tri thức, văn hóa bản địa, nghề truyền thống, gắn kết nhiều địa phương, nhiều dân tộc...
Các địa phương có homestay hoạt động đều tạo thành chuỗi theo nền kinh tế chia sẻ: người chuyên làm lưu trú, ăn uống, người chuyên làm nghề truyền thống, người chuyên làm diễn giải viên cộng đồng... Mỗi người đều làm tốt công việc của mình và gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau để phục vụ khách tốt nhất mà tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh, đua nhau chạy theo phong trào.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện bằng những hoạt động hữu ích như: cải tiến kỹ thuật, thiết kế mỹ thuật, làm truyền thông và tiêu thụ sản phẩm từ các nghề như làm giấy giang, trà shan tuyết cổ thụ, dệt lanh nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong, chế tác khèn, nuôi ong bạc hà, trồng thuốc nam, làm gốm, chế biến cà phê...
Hiện tại, trung bình mỗi tuần, chúng tôi tổ chức một tour tri thức bản địa. Đây là loại hình du lịch hoàn toàn tùy biến: thiết kế tour theo thời gian, nhu cầu, ngân sách của khách; đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách.
Góc bếp của người Tày. Du khách theo tour bản địa có thể vào thăm nhà người dân, vào tận căn bếp. Ảnh: Lê Việt Cường
Chúng tôi đã mở và điều phối 32 homestay ở hầu hết các dân tộc cư trú trên mọi miền đất nước. Khi lựa chọn được các hộ gia đình đáp ứng được tiêu chí: có nhà truyền thống, ăn ở sạch sẽ, có nghề truyền thống, bảo tồn được phong tục tập quán..., chúng tôi sẽ đào tạo họ thành những diễn giải viên cộng đồng và biến chính ngôi nhà của gia đình đó thành nơi lưu trú, ăn uống, trải nghiệm cho du khách.
Công ty còn phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật, làm thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật địa phương cho người dân như: dao, thổ cẩm, mây tre đan, gốm sứ, trà shan tuyết, cà phê, thịt treo, mật ong, thuốc nam... Do giá thấp nhất là 1.600.000 đồng/người/ngày, đòi hỏi khách phải đam mê khám phá, thân thiện, khỏe... nên tour này rất kén khách.
Việc phát huy và áp dụng tri thức bản địa trên thế giới đã mang lại nhiều thành công lớn. Đó là việc dựa vào tri thức bản địa của người Eskimo ở Canada trong việc tìm kiếm, theo dõi sự di chuyển của đàn cá voi để đánh số hiệu; dựa vào tri thức bản địa của thổ dân trên núi cao trồng khoai tây bằng hạt đã tạo được giống khoai sạch bệnh ở Peru...
Du lịch không phải chỉ khai thác cái xác của phong cảnh. Mỗi tour đều phải được tích hợp văn hóa. Ở đó, du khách ngắm cảnh đẹp, tắm không khí cảnh quan, học tri thức bản địa để sinh tồn trong tự nhiên, tiêu thụ sản vật bản địa...
Khi anh Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang gọi điện thoại báo cho tôi lại có thêm một gia đình làm homestay ở thôn, anh không sợ họ sẽ kéo mất khách của nhà mình mà chỉ buồn vì họ xây nhà giống người Kinh, chứ không phải nhà trình tường của người Lô Lô. "Thế thì không ăn thua đâu", anh kết luận.
Đỗ Quang Tuấn Hoàng