Đình Cổ Vũ tọa lạc tại số 85 phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đình là nơi thờ thần Bạch Mã và Linh Lang, hai trong bốn vị thần trấn ngự Tứ trấn Thăng Long được phụng thờ tại nhiều di tích ở Hà Nội và Bảo Ninh công chúa thời Lý.
Đình Cổ Vũ thờ thần Bạch Mã và thần Linh Lang, phối thờ Bảo
Ninh công chúa - phu nhân của Châu mục châu Chân Đăng (tức thủ lĩnh châu Chân
Đăng, được vua giao trông coi vùng biên ải, sau này được truy phong là Phụ
Thiên Đại Vương) dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127).
Đình hiện còn lưu giữ các văn bia, ghi các niên đại xây dựng,
tu sửa và những người đã công đức xây đình.Tấm bia đá được dựng từ năm Mậu Tuất,
niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778) cho biết, đình Cổ Vũ được khởi dựng vào thời
hậu Lê.
Đình Cổ Vũ có quy mô nhỏ nhưng có ấn tượng đặc biệt gây ấn
tượng đặc biệt do có cây đa cổ thụ mọc cạnh
Nghi môn, thân rộng 3 - 4 người ôm, tạo nên khung cảnh yên bình, cổ kính giữa
lòng phố xá nhộn nhịp.
Qua nhiều thế kỷ, đình Cổ Vũ được trùng tu, sửa chữa nhiều lần
vào các năm Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (năm 1778 DL); năm Tân Tỵ niên
hiệu Tự Đức thứ 34 (năm 1881 DL); trùng tu lớn vào năm Đinh Hợi (2007).
Nằm giữa phố cổ Hà Nội, ngôi đình nhỏ gồm các hạng mục: Nghi
môn, sân nhỏ, Tiền tế và Hậu cung.
Nghi môn đình kiểu cổng vòm, hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp đôi
rồng chầu, phía dưới là hai hổ phù nhỏ được chạm khắc tinh xảo, ô lồng đèn đắp đôi
rồng đang múa lượn, thân đắp nề đôi câu đối cổ Hán tự. Đế trụ biểu thắt cổ bồng,
Chính giữa, bên trên cửa là bức cuốn thư đề ba chữ Hán: “Cổ Vũ từ”. Cổng ra vào
hình trụ được làm bằng gỗ, bên trên trang trí hoa dây cách điệu.
Sau nghi môn là một khoảng sân nhỏ rồi đến Tiền đường và hậu
cung được bố cục theo kiểu chữ “Nhị”, là 2 ngôi nhà nhỏ tường hồi bít đốc, vì
kèo kiểu chồng rường giá chiêng, trốn cột, mái lợp ngói. Đây là kiểu kiến trúc
truyền thống đặc trưng của các công trình di tích nằm trong khu phố cổ Hà Nội.
Đình còn lưu giữ nhiều di vật phong phú gồm các đạo sắc
phong thần dưới triều nhà Nguyễn mang các niên đại: Duy Tân năm thứ 3 (1909);
Khải Định năm thứ 9 (1924).
Đình cũng còn giữ được các cổ vật bằng gỗ quý, chạm khắc
tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao như hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ.
Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật,
năm 2016, đình Cổ Vũ đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố.
Nguồn: Nhịp sống Hà Nội