Phú Thọ là đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc độc đáo, gắn liền với văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, có giá trị về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc. Từ ngàn đời nay, trong văn hóa tín ngưỡng của người dân đất Việt, cũng như đình làng ở những vùng quê khác, đình làng trên quê hương Đất Tổ không chỉ đơn thuần là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng.
Về làng Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì mỗi người được trải nghiệm hành trình tìm về nơi vùng đất phát tích của dân tộc Việt Nam. Với không gian làng quê truyền thống, nơi “cây đa, giếng nước, sân đình” vẫn hiện hữu quyện vào nhịp sống đương đại. Trong không gian lịch sử văn hóa ấy, đình làng Cổ Tích, hay còn gọi Đình Cả, Đình Trình Đền Hùng hiện diện như nét chấm phá mộc mạc, gần gũi. Đình làng Cổ Tích là một trong những ngôi đình có tiếng của các xã vùng ven Đền Hùng còn giữ tục thờ cúng Hùng Vương. Cũng như nhiều ngôi đình khác, kiến trúc đình từ hệ thống cột trụ đến mái ngói, chạm trổ đều giống với những ngôi đình cổ. Đặc biệt nghệ thuật chạm khắc chủ yếu là hình tượng rồng mang phong cách thời Hậu Lê. Đình Làng Cổ Tích là điểm xuất phát trong lễ rước kiệu chính lên Đền Thượng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Ngoài ra, hàng năm tại Đình còn diễn ra sáu kỳ lễ chính: Lễ cầu đầu xuân năm mới, lễ cầu vào hạ, lễ hạ điền, lễ cúng cơm mới, lễ tạ ơn, báo lễ Vua Hùng… không chỉ thu hút nhân dân trong vùng mà còn là điểm đến của bao du khách thập phương mỗi khi về thăm Đền Hùng. Đồng chí Bùi Thị Thượng- Cán bộ văn hóa xã Hy Cương cho biết: “Đình làng Cổ Tích không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, mà còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, hun đúc truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hướng về nguồn cội tổ tiên, qua những tập tục, nghi lễ được tổ chức tại đình đã góp phần khơi gợi những giá trị văn hóa đặc trưng, tôn vinh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” mà bao đời nay dân tộc ta gìn giữ“”.
Đình làng Bảo Đà, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì
Mang nhiều dấu ấn của một làng Việt cổ với nhiều truyền thuyết, huyền thoại từ thời Hùng Vương dựng nước, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì là một vùng quê còn giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, phân bố đều ở tất cả các thôn, trong đó có những di tích khá điển hình, mang đậm dấu ấn văn hóa của một làng Việt cổ như đình Dữu Lâu, đình Bảo Đà, đình Hương Trầm, đình Quế Trạo.
Những ngôi đình ở Dữu Lâu hầu hết có kiến trúc hài hòa giữa nghệ thuật của hai triều đại phong kiến thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Các ngôi đình đều được xây dựng kiên cố, bề thế, rộng rãi; là nơi thờ Thành Hoàng làng, thờ các tướng lĩnh thời Hùng. Đồng thời cũng là nơi ông cha ta xưa bàn việc trong xóm, ngoài làng. Tìm hiểu lịch sử những ngôi đình ở các huyện Thanh Thủy, Lâm Thao và một số nơi khác, chúng ta cũng bắt gặp những nét mang tính đặc trưng ấy. Đó có thể coi là nét tương đồng trong đời sống văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước trên đất trung du Phú Thọ.
Với những giá trị của đình làng, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa, trong đó có đình làng gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhờ đó, các di sản này đang có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội đương đại, đã và đang trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa phong phú, góp phần thúc đẩy du lịch Phú Thọ phát triển bền vững.
Theo Báo Phú Thọ
Sưu tầm: Ngô Diệp