Đình làng Ngăm Lương, thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng Thành hoàng làng là Tam vị thủy thần có công âm phù giúp nhân dân có cuộc sống hòa bình, ấm no.
Thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm (xưa có tên Ngâm Điền) nằm liền
kề dãy núi Thiên Thai, là nơi gặp gỡ giao thoa của nhiều mạch địa - văn hoá
chuyển tiếp. Trên địa bàn có sông Đuống ôm vòng phía Tây và Tây Bắc. Đi liền với
đó là tuyến giao thông đường bộ cổ, nay là đê sông Đuống.
Tuyến sông và con đường cổ ấy làm thành mạch nối Đông - Tây
liên kết giữa lưu vực sông Thái Bình và sông Hồng. Lãng Ngâm cũng nằm bên bờ
phía Tây của khu vực Lục Đầu Giang, nơi kết thúc mạch núi cao, đồi thấp phía Bắc;
nơi đổ về của những sông Thương, sông Cầu, sông Lục Đầu, để mở ra đồng bằng và
xuôi về biển Đông.
Những tuyến sông đó là những huyết mạch giao thông quan trọng
trong chuyển lưu cư dân Việt cổ cùng với những yếu tố kinh tế, lịch sử, văn hóa
của đất nước về với Lãng Ngâm.
Giới khảo cổ đã tìm thấy từ lòng đất Lãng Ngâm những bằng chứng
về nơi mật tập đông đúc con người từ xa tắp mấy nghìn năm về trước. Đó là những
công cụ sản xuất bằng đá; những vật dụng sinh hoạt bằng gốm; đồ trang sức bằng
đá, gốm, đồng... rồi những dụng cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí bằng đồng…phản
ánh những giai đoạn phát triển của văn minh Việt cổ chồng lớp qua thời gian.
Từ rất sớm, nơi đây người Việt cổ đã sinh cơ lập nghiệp, hình
thành những cộng đồng làng xóm mở rộng. Từ đó, những công trình kiến trúc văn
hóa tâm linh, tín ngưỡng xuất hiện.
Người dân địa phương đã xây dựng nghè miếu cổ sơ; đền Ba,
chùa Phổ Thành linh ứng và đình Ngăm Lương, một trong những ngôi đình cổ hàng
trăm năm tuổi ở Bắc Ninh. Đây là di sản quý giá, niềm tự hào của người làng
Ngăm.
Đình làng Ngăm Lương tọa lạc ở đầu làng, nhìn hướng Đông Nam,
đại thế phong thuỷ đẹp. Phía trước có hồ nước tụ thuỷ, sau lưng đình là đê Đại
Hà và sông Đuống.
Đình thờ phụng 3 vị Thủy thần làm thành hoàng, có thần hiệu là:
Đệ nhất Ngũ lục hiển ứng biên linh tôn thần, Đệ nhị Trung thiên anh nghị hùng
lược tôn thần, và Đệ tam Chàng nhị thông duệ mẫn đạt tôn thần.
Đình Ngăm Lương khởi đầu phía Tây làng, khi kinh tế phát triển,
người dân đã dựng lại đình mới ở vị trí hiện nay. Ngôi đình cũ này trở thành đền
Ba, thờ tổ nghề dâu tằm, khi xưa là nghề chính của người làng bên cạnh nghề
nông.
Đình làng Ngăm Lương có quy mô bề thế, mang nhiều giá trị đặc
sắc về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng và kiến trúc - nghệ thuật. Đặc biệt, đây là
một trong những di tích thể hiện xuất sắc nghệ thuật điêu khắc đình đền, miếu đồng
bằng Bắc Bộ trong ba thế kỉ vàng của văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Theo dòng niên đại hiện còn ghi lại trên câu đầu đình làng
Ngăm Lương, ngôi đình được xây dựng năm Giáp Thân - thời Lê (khoảng năm 1764). Đình
Ngăm Lương có nghi môn kiểu Tam quan chồng diêm 8 mái, đắp nề trang trí hai
thiên binh, voi và tứ quý. Hai bên là hai nhà Giải vũ 4 gian. Qua sân đình là Đại
đình, gồm tòa Đại bái và Hậu cung.
Qua hàng trăm năm phong hóa, chiến tranh, Nghi môn Tam quan
và nhà giải vũ đã bị dỡ bỏ. Năm 1962 sàn gỗ ở Đại đình cũng bị dỡ bỏ để làm bàn
ghế. Khi hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại tam
quan, gom ván sàn ghép cho sàn một bên
chái đình.
Qua bao thế kỷ, đình Ngăm Lương vẫn giữ lại được phong cách
kiến trúc thời Lê Nguyễn. Tòa Đại Bái 3 gian 2 chái, 4 mái uốn đầu đao. Bộ
khung nhà bằng gỗ lim, kết cấu vì kèo kiểu
chồng rường, giá chiêng, ngang 6 hàng cột, dọc dựng 4 hàng.
Các cột cái của ba gian chính đình đều có tai cột. Đó là người
thợ đã xẻ đầu cột thành khung mộng rộng, rồi đưa phiến gỗ xuống xòe ra hai bên
đầu cột, cùng với tay đỡ ghép xà thượng. Các nghệ nhân đã chế tác những phần dư
này thành các phù điêu với kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng theo các chủ đề tứ
linh, tứ quý, sinh hoạt dân gian.
Tất cả các đầu dư, cốn tai cột, ván nong, cửa võng đều được
chạm khắc tỉ mỉ, chi tiết và sống động. Ngoài các chủ đề truyền thống rồng, phượng
còn có những bức chạm con người, muông thú trong thế giới Tiên – phàm như tiên
cưỡi rồng, các con thú quấn trong mây mác lửa của ổ rồng, rồng mẹ con.
Hậu cung có kiến trúc kiểu chữ Đinh, 5 gian với vì kèo kiểu
kẻ chuyền, tường xây gạch. Hậu cung bày ban thờ, hương án và 3 ngai thờ bài vị
các vị thành hoàng.
Trong tòa Hậu cung, gian ngoài hồi bày ban thờ và tượng thờ
ông tổ nghề thợ xây. Tượng đặt trong khám trên ban, trong tư thế ngồi, cao
40cm, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc trang phục quan văn, được điêu khắc rất đẹp.
Cùng với giá trị kiến trúc và điêu khắc trang trí, đình Ngăm
Lương còn lưu giữ được rất nhiều tài liệu, cổ vật có giá trị nghệ thuật, văn
hóa cao như Ngai thờ, bài vị, sập thờ,
long đình, hương án, sắc phong, hoành phi, câu đối, phỗng thờ... và các đồ thờ
phụng khác.
Trải qua thời gian chiến tranh, đình đã mất nhiều sắc phong,
nay trong đình chỉ còn lại 7 đạo sắc phong. Đạo sớm nhất năm Cảnh Hưng 28
(1767), đạo muộn nhất phong năm Đồng Khánh 2 (1886).
Đình sở hữu nhiều câu đối trong đình để tôn vinh công đức
thành hoàng và giáo hóa người dân.
Đôi câu đối:
Y quan hằng chỉnh túc, đắc bất thắc kỳ nghi/ Thứ vị
liệt tôn ty, đường dĩ hoà vi quý. Tạm dịch là: Trang phục cần chỉnh tề, thể
theo trong mọi lễ nghi. Tôn trọng thứ bậc trên, lấy hòa thuận là điều quý trọng.
Hoặc câu đối:
Thiên tri, địa tri, ngã tri, nhĩ tri, hà vị vô tri/
Thiện báo, ác báo, tốc báo, trì báo, chung tu hữu báo. Tạm dịch là: Trời,
đất, tôi biết, ông biết, không thể nói mọi người không biết. Hành thiện
hay làm ác, nhanh hay chậm, cuối cùng vẫn có báo ứng.
Đình Ngăm Lương không chỉ là trung tâm văn hoá tín ngưỡng mà
còn có vị thế quan trọng, duy trì các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của
vùng quê cổ kính, mang đậm lịch sử vùng đất này.
Đình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di
tích Lịch sử - Văn hóa vào năm 2009.
Lê Quang
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tình Bắc Ninh