Đình Trực Cát, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, thờ phụng thành hoàng là anh hùng dân tộc Đức vua Ngô quyền, phối thờ Đức Thánh Phạm Tử Nghi (Đức Thánh Niệm).
Vĩnh Niệm là một phường thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải
Phòng, được thành lập tháng 5 năm 2003, phía Bắc giáp phường Dư Hàng Kênh và
Nghĩa Xá; phía đông giáp phường Kênh Dương, phía Nam giáp sông Lạch Tray (sông
Niệm). Tính đến năm 2016, dân số khoảng hơn 22.000 người, gồm 32 tổ dân phố (từ
tổ 01 – 32).
Là một vùng đất được hình thành từ khá sớm, ban đầu Vĩnh Niệm
là vùng đất hoang vu với những đầm lầy, sú vẹt, lau sậy mọc um tùm. Cư dân các
nơi dần dần đến khai khẩn đất hoang, lập nên làng xóm.
Trước năm 1813, xã Vĩnh Niệm thuộc tổng An Dương, huyện An
Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Sau năm 1813 xã Vĩnh Niệm chia làm 3 xã:
Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá và Đôn Nghĩa. Theo danh sách làng xã năm 1901, tổng An
Dương có 8 xã: Vĩnh Niệm, An Dương, Đôn Nghĩa, Tê Chử, Hoàng Mai, Niệm Nghĩa và
Trang Quán. Như vậy thời gian này Nghĩa Xá còn là thôn.
Trước năm 1945, thuộc địa bàn tổng Đông Khê, huyện Hải An, tỉnh
Kiến An. Vĩnh Niệm là vùng đất tập hợp cư dân của nhiều dòng họ lớn như họ Đặng,
họ Bùi, Hà, Phạm, Trịnh, Nguyễn... Dòng họ Phạm có từ thời nhà Trần, xuất sinh
những danh nhân nổi tiếng là Phạm Hữu Điều, Phạm Tử Nghi. Dòng họ Đặng, tương
truyền thuộc dòng dõi Thám Hoa Đặng Ma La (người làng Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ,
Hà Đông - nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Ông được vua Trần ban lộc điền ở
vùng Vĩnh Niệm, Dư Hàng Kênh nên đưa con cháu về đây dựng nghiệp.
Cụ tổ họ Nguyễn là Nguyễn Quý Công Tỉnh, người kẻ chợ (thuộc
Hà Nội) tìm về Vĩnh Niệm, sinh sống tại làng Đôn. Cư dân ngày một đông đúc,
hình thành nên thôn xóm. Đến thời thứ 3 của dòng họ Nguyễn, con cháu tìm tới
vùng bãi ven sông, khai khẩn đất hoang, lập nên Trại Niệm, cư dân nhiều nơi đến
tụ cư hình thành nên xóm mới.
Vĩnh Niệm có rất nhiều các di tích lịch sử như đình làng,
lăng, miếu, tôn thờ những người anh hùng có công với làng với nước, như: Lăng
Đôn (còn gọi là lăng Đức Ông), đình Niệm và nhiều ngôi miếu thờ Nam Hải đại
vương Phạm Tử Nghi; chùa Linh Quang (chùa Đôn); chùa Hải Ninh (chùa Đồng Thiện);
đình Trực Cát thờ Ngô Vương Quyền. Ngày nay, các di tích lịch sử này đều được
trùng tu, tôn tạo khang trang và tạo nên một quần thể di tích có ý nghĩa văn
hóa, lịch sử và giáo dục, đáp ứng nhu cầu s tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng
dân cư trong vùng.
Đình Trực Cát xưa được khởi dựng khoảng đầu thế kỷ 19. Quy
mô kiến trúc ngôi đình khá bề thế, bố cục mặt bằng hình chữ "đinh"
(J) với 5 gian đại đình và 3 gian hậu cung. Kết cấu kiến trúc kiểu ván sàn lòng
thuyền, chéo đao tàu góc. Kết cấu bộ khung chịu lực gồm 6 bộ vì gỗ lim. Các cột
cái là những thân cây gỗ lim hơn một người ôm.
Làng Trực Cát xưa có một đình, một chùa và một miếu. Đình thờ
thành hoàng là Đức Ngô vương Quyền; miếu thờ Đức Thánh Phạm Tử Nghi.
Ngôi đình làng Trực Cát, xã Vĩnh Niệm được dựng lại bằng vật
liệu gỗ của ngôi đình cũ vào năm 1951, với quy mô kiến trúc như thuở ban đầu và
rước tượng thần hoàng là Đức Ngô Vương Thiên tử (Đức Ngô Vương Quyền) về thờ
như trước.
Xưa kia là đình Trực Cát thuộc xã Trực Cát, tổng Trực Cát,
huyện An Hải. Trước năm 1945, là xã Trực Cát, tổng Trực Cát, huyện Hải An, tỉnh
Kiến An. Năm 1949, thực dân Pháp mở rộng sân bay Cát Bi, chiếm phần lớn đất đai
của làng Trực Cát thuộc tổng Trực Cát. Dân làng phải chuyển tới địa bàn phường
Vĩnh Niệm hiện nay. Ngôi đình cũng được dỡ, mang theo cùng dân làng. Năm 1951,
dân làng dựng lại ngôi đình bằng vật liệu đã có tại địa bàn phường Vĩnh Niệm
ngày nay. Để nhớ về quê cũ, dân làng vẫn lấy tên Trực Cát đặt cho ngôi đình.
Đến năm 1963, ngôi đình bị tháo dỡ, toàn bộ vật liệu dùng
xây dựng trường học.
Năm 2012, đình Trực Cát được nhân dân và chính quyền địa
phương phục dựng lại bằng ngồn kinh phí xã hội hóa.
Đình Trực Cát hiện nay tọa lạc trên một khu đất rộng, tổng
diện tích khuôn viên gần 1000 m2. Đình có bố cục mặt bằng hình chữ "Nhất",
nhìn hướng Nam.
Tòa đại đình 5 gian, xây tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn,
tay ngai trụ biểu lợp ngói mũi hài, nền và sân đình lát gạch Giếng Đáy. Bờ nóc
đắp đôi kìm và lưỡng long chầu cuốn thư. Trên cuốn thư đắp nổi 3 chữ Hán: Đình
Trực Cát.
Kết cấu bộ khung đình làm bằng vật liệu bê tông cốt thép. Vì
nóc kiểu "chồng rường giá chiêng" vì nách kiểu "chồng rường đấu
sen". Trên các thanh rường và đấu kê tạo cánh sen, đắp nổi hoa lá cách điệu.
Nghi môn kiểu tứ trụ biểu, đỉnh hai trụ chính gắn tứ phượng,
ô đèn lồng, đặt mái tiểu lâu, thân trụ vuông, đế quả bồng. Đình được xây tường
bao bảo vệ.
Trong tòa đại đình, gian chính điện bày khám thờ với thần tượng
thần chủ là Đức Ngô Vương Quyền, gian bên tả là ban thờ Đức Thánh Niệm, danh tướng
Phạm Tử Nghi, gian bên hữu là ban thờ các anh hùng liệt sỹ địa phương. Các gian
thờ được trang trí bằng các bức hoành phi, câu đối, cửa võng son son thếp vàng,
nhang án, bát biểu. Các bức đại tự, câu đối ca ngợi công lao trời biển của vua
Ngô Quyền.
Đình hiện còn lưu giữ một số bản sao sắc phong từ Viện thông
tin khoa học xã hội Hà Nội là: Sắc phong Thành Thái nguyên niên (1889); Sắc Duy
Tâm tam niên (1909); Sắc Khải Định cửu niên (1924); Sắc Tự Đức lục niên (1853).
Bản sao sắc phong đời vua Tự Đức 6 (1853), ban cho 17 làng xã được thờ Đức Tiền
Ngô Vương, bản chính hiện lưu giữ tại đình Đông Khê, quận Ngô Quyền.
Các hiện vật thờ tự khác như tượng thờ Đức Ngô Vương, hoành
phi, đại tự, câu đối, cửa võng, bài vị, nhang án, bộ bát bửu được người dân công
đức cung tiến.
Lễ hội được tổ chức vào các ngày âm lịch hàng năm: Ngày 12
tháng 3 lễ Thánh đản ; Ngày 18 tháng Giêng lễ Thánh hóa; Ngoài ra còn tế Xuân
thu nhị kỳ vào 15 tháng 2 (lễ kỳ phúc) và 14 tháng 9 (lễ cơm mới).
Phần hội còn có các trò chơi: Tổ tôm điếm, đấu vật, đánh cờ
người, cờ tướng, hát đúm…Vào dịp lễ hội, mọi người thường tụ hội về đình đông đủ,
tỏ lòng tri ân với các vị Thành hoàng, những người anh hùng có công với làng với
nước, cầu mong cho “mưa thuận, gió hòa”, “nhân khang vật thịnh”, mùa màng bội
thu.
Ngày 10 tháng 11 năm 2017, Uỷ ban nhân dân thành phố ra quyết
định số 3041-QĐ/UBND công nhận đình Trực Cát, phường Vĩnh Niệm, quận Hải An là
Di tích Lịch sử cấp thành phố.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng