Đình Trung Tiến thuộc địa phận xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Làng Trung Tiến xưa thuộc xã Do Lễ, tổng Hoàng Xá, huyện Mỹ Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Đình thờ phụng danh tướng Cao Minh Công và nữ tướng Vương Chí Đạo Nương Nương thời vua Hùng Duệ Vương.
Đình Trung Tiến còn có tên cổ là đình Sẽ Trung quay hướng
đông nam. Đình kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm các hạng mục công trình: Tả hữu
mạc, Đại bái, Hậu cung. Đại bái đình là một nếp nhà ngang gồm 05 gian được xây
tường hồi bít đốc, chính giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc
được đắp hai đấu định và hai rồng Makara ngậm bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh cuối
bờ chảy xây giật cấp. Hậu cung kết cấu theo dạng cách giao thoa kiến trúc Đông
- Tây.
Căn cứ vào cuốn Thần sắc - Thần tích trang Do Lễ, do Lê triều
Lễ bộ Thượng thư, Quản giám tri điện phụng sao, thì sự tích của vị thành hoàng
làng có thể tóm tắt như sau:
Vào thời Duệ Vương ở trang Cổ Sắt, quận Tam Đới (Phong Châu)
có ông bà họ Cao. Năm Ất Mão, tháng giêng, ngày 15, bà sinh được một người con
trai và đặt tên Quang Minh. Đến năm 18 tuổi, Cao Quang Minh văn võ song toàn,
trai tráng trong trang đều nể phục, các trang bên cạnh cũng nhờ cậy. Thời ấy,
quân Thục sang xâm phạm bờ cõi nước ta. Vua Duệ Vương mời Tản Viên Sơn Thánh và
các tướng dưới quyền. Chiêu cầu người hiền tài xuất binh cứu nước.
Cao Quang Công bèn chiêu mời các hương ấp lân cận thành một
đạo binh 3000 người. Bấy giờ, có người tên là Vương Thị Ngọc Nhân, tự là Chí Đạo
ở trang Vân Hội, cũng xuất binh đến đô thành. Trên đường, tình cờ gặp Cao Minh
Công, hai người hẹn ước bao giờ đất nước thanh bình mới tính đến chuyện nên
duyên.
Khi đến đô thành, hai người xuống ngựa và ứng thí, được vua
khen là bậc hiền tài trong nước. Tản Viên Sơn Thánh cũng thấy yên lòng, bèn cử
Cao Quang Công thống lĩnh Đệ tam đạo chinh Tây. Vương Chí Đạo Nương Nương thống
lĩnh Đệ tứ đạo thảo đạo chính Tây và cũng cho phụ giúp Đệ tam đạo việc quân vụ.
Các tuỳ tướng dưới quyền (của Cao Minh Công) đều vui vẻ, và
bày trận đồ theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Thục binh lại xâm phạm bờ cõi,
Tản Viên Sơn Thánh dùng Bát trận đồ bắt được tướng Thục là Chế Tự Thành, quân
Thục đại bại và xin dâng đất cầu hoà. Vua Duệ Vương bày yến tiệc, ban tặng Sơn
Thánh và các tướng sĩ khi ca khúc khải hoàn trở về, sắc phong cho từng người
tùy theo từng công trạng.
Nhà vua hỏi đến Đệ tứ Tây chính thảo đạo, Cao Minh Công tàu
rằng nàng đã tử trận trên chiến trường (ngày 06 tháng 06). Vua Duệ Vương tỏ ý
thương tiếc bèn ra lệnh tả sắc phong cho Chí đạo Nương Nương, lệnh cho trang Do
Lễ, Thiết Tháp lập miếu phụng thờ. Sau đó, Cao Minh Công bèn tuần du đến trang
Do Lễ, Thiết Tháp và hoá tại đây vào ngày 06 tháng 12.
Trải qua thời gian tồn tại, hiện nay đình Trung Tiến lưu giữ
được những hiện vật: 1 kiệu bát cống thế kỷ XIX, 1 kiệu song loan thế kỷ XIX, 2
kiệu song hành thế kỷ XIX, 3 tượng thờ các vị thành hoàng làng trong đó có 1 tượng
đức bà Vương Thị Ngọc Nhân được tạc tư thế ngồi trên long ngai.
Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn
hoá năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02
Nguồn: Người Hà Nội