• Home
  • Site Map
  • Contact
  • Login
    • Register
  • Subscribe
Side Logo

Travel News

Trang tin du lịch

  • Home
  • Tin tức - Sự kiện
    • Thống kê du lịch
    • Chuyện lạ
  • Dịch vụ du lịch
    • Khám phá
    • Ẩm thực
    • Người Du lịch
    • Dự án đầu tư Du lịch
  • Visa, hộ chiếu
  • Thông tin cần biết
    • Đến Việt Nam
    • Tại Việt Nam
    • Giao thông
    • Thông tin khác
  • Văn Hóa
    • Giá trị lịch sử
    • Ngôn ngữ văn học
    • Lễ hội, trò chơi dân gian
    • Nghệ thuật biểu diễn
    • Trang phục
    • Kiến trúc, mỹ thuật
    • Món ăn, hoa, trái
    • Chợ Việt Nam
    • Phong tục tập quán
    • Tín ngưỡng - Tâm linh
    • Tết Việt Nam
  • Kinh nghiệm du lịch
  • Nhìn ra thế giới
  • Doanh nghiệp du lịch
  • UKEnglish

Giá trị lịch sử

Đô thống nguyên soái Triệu Chí Thành – danh tường triều đại Triệu Việt Vương

Đại vương Triệu Chí Thành là người đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (Lý Bôn), là Đô thống nguyên soái dưới thời Triệu Quang Phục, nhiều lần đánh bại quân Lương ở chiến khu Đầm Dạ Trạch.

Đức ông Triệu Chí Thành là con ông Triệu Xương và bà Lý Thị Thích, người Chu Diên trang Thái Bình (nay là vùng huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc). Gia đình ông bà Triệu Xương luôn làm điều phúc đức, thường hay thắp hương cầu trời khấn phật ban cho mình một đứa con trai khôi ngô, tuấn tú có tài để giúp đời.

Một đêm là bà Lý Thị Thích mơ thấy rắn hoa quấn quanh thân thể mình, đầy nhà hào quang sáng rực, bà được tặng một bông sen trắng rồi mang thai. Ngày 11 tháng 1 thì bà sinh hạ được một cậu bé khôi ngô, tuấn tú, tướng mạo lạ thường. Hai ông bà vui lắm, liền đặt tên là Triệu Chí Thành. Triệu Chí Thành rất giỏi âm luật, đánh đàn, thổi sáo thì không ai bằng.

Ông là người đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (Lý Bôn), là Đô thống nguyên soái dưới thời Triệu Quang Phục.

Năm 545, nhà Lương lại sai Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã đem quân sang xâm lược nước ta. Sau khi Lý Nam Đế thất bại ở hồ Điển Triệt (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), Lý Thiên Bảo là anh họ của Lý Bí đem một cánh quân rút vào Thanh Hóa chống nhau với quân Lương và xưng là Đào Lang Vương. Danh tướng Triệu Chí Thành không theo Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử chạy vào Thanh Hóa mà ở lại chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng Triệu Quang Phục.

Sau khi về vùng Dạ Trạch cùng chủ tướng xây dựng căn cứ, đánh tan nhiều cuộc vây hãm của quân Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy, Triệu Quang Phục phái Triệu Chí Thành đem 8.000 quân ra đóng ở cửa sông Tô Lịch để làm thế ỷ dốc cho căn cứ Dạ Trạch và căn cứ Tiên Tảo, Đan Tảo, Yên Tăng thuộc huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) của đại tướng Trương Hống, Trương Hát.

Đây là căn cứ nằm giữa hai căn cứ lớn của Dạ Trạch Vương giữ mối liên lạc giữa hai căn cứ nên Trần Bá Tiên và Dương Sàn thường đem quân đến bao vây, tấn công.

Nhưng với tài dùng binh lại được nhân dân vùng Tô Lịch giúp sức, đại tướng Triệu Chí Thành đánh tan nhiều cuộc tấn công của quân Lương. Có trận tướng Dương Sàn bị đại tướngTriệu Chí Thành đuổi đánh phải cướp thuyền dân vượt sông Hồng ở bến Bạc chạy sang vùng Mê Linh. Triệu Chí Thành được phong Đô thống nguyên soái.

Khi Lý Phật Tử đóng ở động Dã Năng, cầu cứu quân Ai Lao về đánh Triệu Việt Vương nhằm cướp ngôi vua, Triệu Chí Thành đã liên tục chặn đánh các vùng đóng quân của Lý Phật Tử ở Thượng Cát, Hạ Cát (thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Lý Phật Tử đánh Triệu Việt Vương không được liền nghĩ ra kế giảng hòa, cho con trai là Nhã Lang lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương và xin được ở rể để tìm cách chia rẽ nội bộ vua tôi Triệu Việt Vương, chờ lúc tiến đánh chiếm ngôi vua.

Khi đó, Triệu Chí Thành cùng các tướng sĩ can ngăn Triệu Việt Vương không nên mắc mưu của Lý Phật Tử, nhưng Triệu Việt Vương không nghe. Triệu Chí Thành liền từ quan về vùng Dịch Vọng, nơi đồn trại cũ để sống cảnh vui thú nơi đồng ruộng, giúp dân cày cấy phát triển sản xuất, dạy dân lễ nghĩa.

Khi Triệu Chí Thành mất, nhân dân làng Tháp, nơi ông đóng quân và sống sau khi từ quan, đã lập đền thờ và tôn ông làm thành hoàng của làng. Làng Tháp là một trong 3 thôn thuộc làng Dịch Vọng Trung, huyện Từ Liêm. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, đền Tháp (Đình Thọ Tháp) vẫn tồn tại và được nhân dân tôn sùng.

 

 Đình Thọ Tháp, nơi thờ phụng đại vương Triệu Chí Thành

Đình Bối Hà - nơi gắn liền với thần tích Đức Đại Vương

Đình Bối Hà hiện nay tọa lạc tại phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm 6km về phía Tây.

 

Đình Bối Hà kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh” (丁), nhìn hướng tây. Phía ngoài là thiên trụ, trên đắp phượng hoàng chầu tứ phương và hổ phù, nổi bật câu đối:

“Điện vũ huy hoàng, nhân kiệt địa linh thiên cổ tại

Thần uy hạo đãng, dân khang vật thịnh vạn niên trường”

Nghĩa là:

“Đền miếu huy hoàng, nhân kiệt địa linh thiên cổ mãi

Uy thần vời vợi, dân khang đất vượng vạn năm dài”

Bên cạnh thiên trụ là một nghi môn nhỏ, trên đề : “Bối Hà miếu”. Đây có thể là tên gọi đầu tiên của đình Bối Hà.

Đi qua nghi môn vào sân đình tiếp đến là thiên trụ thứ hai ngăn cách giữa sân lớn và sân nhỏ. Trên thiên trụ đắp nổi đôi trào phong (đôi nghê). Ở thiên trụ này cũng có câu đối:

“Thiên trụ y nhiên, trĩ đối Tản sơn tiêu thắng cảnh

Thần từ trác nhĩ, trường lưu Tô thủy chí danh lam”

Dịch nghĩa:

“Thiên trụ vững vàng, đối diện Tản Viên ngời thắng cảnh

Đền thần vòi vọi, chảy hoài Tô Lịch tỏ danh lam”

Đi từ sân lớn đến sân  nhỏ ngước lên phía trên là nóc đình được đắp đôi rồng chầu mặt trời. Đầu bờ nóc được khóa chặt bởi hai đầu rồng (si vẫn) trông rất hài hòa, tạo vẻ uy nghiêm, vững chãi

Đi qua những hàng cửa bức bàn bào trơn đóng bén là vào đại bái, sừng sững những hàng cột thiết mộc được treo những câu đối lòng máng nền gấm chữ đen. Đặc biệt ở gian giữa nổi bật bức hoành phi “Thánh cung vạn tuế”.

Ngoài đồ tế khí, ngoài bát bửu, lư hương đồng, long ngai, bài vị thì đình Bối Hà còn có đôi hạc đứng vững trên lưng rùa. Rùa và hạc đều nói lên sự vĩnh cửu, bền lâu. Sự vĩnh cửu bền lâu ấy thuộc về đình Bối Hà, về vị Thánh được nhân dân Bối Hà thờ phụng.

Một trong những điểm thờ phụng Đô thống Nguyên soái Triệu Chí Thành là đình Bối Hà, được thờ tự là Thành hoàng làng Dịch Vong Trung, huyện Từ Liêm.

 

 Đình Bối Hà

Thần tích tại đình kể lại rằng Sau khi dẹp yên quân Lương cũng là lúc thiên sứ đem sắc chỉ của Ngọc Hoàng Thượng Đế triệu ông về thiên đình. Khi Triệu Chí Thành đổ bệnh, Triệu Việt Vương đến thăm và hỏi ngài: “Ngài cần gì trẫm sẽ báo đáp”. Triệu Chí Thành trả lời: “ Thần không có ý nguyện gì, chỉ xin Bệ hạ đem cờ tướng lệnh đã ban cho thần đến Thạch Bàn, Long Đầu, tung lên trời, cờ bay đến đâu xin cho nhân dân ở đó lập đền thờ và miễn mọi tô thuế, lao dịch cho họ”.

Triệu Việt Vương nhận lời. Ngày 12 tháng 8 năm đó liền sai đem cở tướng lệnh đến Thạch Bàn, Long Đầu tung cờ lên trời. Và Triệu Chí Thành lúc này cũng đã hóa.

Cờ tướng lệnh của Triệu Chí Thành bay đến trang Dịch Vọng Trung thì dừng lại. Sứ thần biết tin báo về tâu với Triệu Việt Vương. Vua tuyên chỉ lệnh cho nhân dân lập đền thờ đại tướng Triệu Chí Thành, sắc phong Đại Vương. Đền thờ danh tướng Triệu Chí Thành nay là đình Thọ Tháp và đình Bối Hà thôn Dịch Vọng Trung.

Đính Bối Hà do bị xuống cấp nghiêm trọng nên được nhân dân làng Bối Hà và tín thí thập phương xây lại khang trang, hoành tráng về kiến trúc nghệ thuật, tôn nghiêm về bài trí nội thất, bố cục chữ “Đinh” giống như các ngôi đình cổ ở Việt Nam.

Về mặt kiến trúc tuân thủ quy luật âm dương: tiền quảng đại, hậu thần mật; tiền náo nhiệt, hậu túc tĩnh. Về mặt bài trí không cầu kỳ mà rất uy nghiêm, vừa đảm bảo tâm linh tôn giáo vừa nói lên thú chơi tao nhã của người Bối Hà xưa. Nó được thể hiện qua câu đối cổ và bài thơ thưởng ngoạn tứ quý tại đình:

“Xuân du phương thảo địa,

Hạ thưởng lục hà trì.

Thu ẩm hoàng hao tửu,

Đông ngâm bạch tuyết thi.”

Dịch thơ:

“Xuân chơi miền cỏ lạ,

Hạ thưởng chốn hà hoa.

Thu uống rượu hoàng cúc,

Đông ngâm bạch tuyết ca.”

Đặc biệt đình Bối Hà còn giữ được hai đạo thần sắc rất giá trị. Một đạo được chép trong cuốn “ Hà Đông tỉnh Hoài Đức phủ Từ Liêm huyện Dịch Vọng tổng các xã thần sắc”. Một đạo được lưu giữ tại đình.

Nguồn: Báo Bình Phước

Ths Nguyễn Thy Ngà

Trở về đầu trang
   danh tướng Triệu Chí Thành Triệu Việt Vương Dịch Vọng Cầu Giấy Hà Nội
0   Tổng số:

Các tin khác

  • Giá trị tín ngưỡng thờ thần Tây Thiên
  • Quảng Nam: Sáng tạo của Hội An với nghệ thuật bài chòi
  • Di tích lịch sử - nghệ thuật Đình Lạc Trung
  • Đình Lạc Viên thờ phụng vua Ngô Quyền và 5 vị thành hoàng
  • Đình Kiều Sơn, Hải An, thờ phụng vua Ngô Quyền
  • Đình Gia Viên, “Thọ Xương Đình” thờ phụng vua Ngô Quyền, Đông Hải Đại vương, Nam Hải Đại vương, Quyển Hoa Công chúa
  • Gốm Bắc Ninh "du lịch" Nhật Bản
  • Phát huy tiềm năng du lịch sinh thái làng nghề Bát Tràng
  • Đồng Nai: Trao quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ giỗ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
  • Hội Lim (Bắc Ninh) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
  • 12345...>>

Tin đọc nhiều

  • Long An phát triển du lịch qua di tích lịch sử -...

    Hiện toàn tỉnh Long An có 127 di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH), trong đó, 22 DTLSVH cấp...

    205
  • Hội Lim (Bắc Ninh) là di sản văn hóa phi vật thể...

    Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định số 1744 ngày 10/6/2025 về việc công bố...

    134
  • Những điều thú vị của du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng)...

    Đà Lạt (Lâm Đồng) được biết đến như một thành phố ngàn hoa, thành phố ba thiên đường. Đà...

    130
  • Quảng Ninh: Hạ Long quan tâm tôn tạo các di tích...

    Nhằm phát huy giá trị các di tích, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời...

    107
  • Đưa du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế...

    Với mục tiêu đón 3,6 triệu lượt khách và doanh thu 4.500 tỷ đồng, Ninh Thuận đang tập...

    101

- Trang thông tin du lịch
- Email: didulich.net@gmail.com
 

© 2025 Trang thông tin du lịch