(Dân trí) - Các tháp Chăm cổ còn lại ở khu vực cực Nam Trung bộ thường có nhiều truyền thuyết về sự tích các khu tháp cổ của mình hơn, so với các tháp ở khu vực Bình Định, Quảng Nam.
Dấu ấn nổi bật của kiến trúc Chăm còn lưu lại đến nay ở suốt dải đất miền Trung là những tòa tháp cổ xây gần như hoàn toàn bằng gạch, mạch xây cực khít và đã đứng giữa đất trời từ mấy trăm năm tới hơn ngàn năm. Từ Bình Thuận đi ra phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ, gần như tỉnh nào cũng có một/một vài di tích tháp Chăm cổ.
Cụm tháp Po SahInư nằm trên đồi Bà Nài, phường Phú Hài, Tp. Phan Thiết. Trên đường từ Phan Thiết ra Mũi Né, đến đoạn trạm thu phí là nhìn rõ cụm tháp trên đồi cao.
Nếu đi trên QL1, đoạn vừa hết đường tránh nội đô Phan Thiết, là đã có thể nhìn thấy cụm tháp trên đồi, phía biển.
Từ Phan Thiết đi Mũi Né, thấy cụm tháp trên đồi.
Các tháp Chăm cổ còn lại ở khu vực cực Nam Trung bộ thường có nhiều truyền thuyết về sự tích các khu tháp cổ của mình hơn, so với các tháp ở khu vực Bình Định, Quảng Nam.
Hiện tại, cụm tháp Po SahInư còn lại 3 ngôi tháp. Tháp chính và ngôi tháp nhỏ nằm sát cạnh, cùng một ngôi tháp khác nằm cách chừng hơn 50met và ở mặt bằng thấp hơn chừng vài mét.
Ngôi tháp chính, bên trong có thờ bộ Linga - Yoni bằng đá, ngôi tháp nhỏ bên cạnh tháp chính thờ thần Lửa (bên trong chẳng còn đồ thờ gì), và ngôi tháp phụ xa xa thờ bò thần Nandin theo truyền thuyết Ấn giáo (bên trong cũng chẳng còn đồ thờ gì cả). Cả 3 ngôi tháp đều có cửa chính quay về hướng Đông, nhìn ra biển.
Ba ngôi tháp còn lại, được cho là xây từ thế kỷ IX, theo hướng từ cổng vào: tháp B (thờ bò thần Nandin) – tháp Lửa (thấp nhỏ) – tháp chính.
Tháp B được xây ở một mặt bằng thấp hơn khoảng 2 mét so với tháp chính, thờ bò thần Nandin.
Giống tháp B, tháp chính rất ít hoa văn trang trí, không có các trang trí góc tầng, góc tường, không có trang trí áp chân các cột ốp, và không có hệ thống vòm của cửa ra vào, cũng như vòm các cửa giả.
Trước đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện gần khu vực tháp Po Sah Inư dấu tích của một khu lò gạch Chăm cổ - địa điểm mang tên cánh đồng Trình Tường. Người ta đã tìm thấy ở đây những mảnh vỡ của loại gạch được xác nhận là gạch cổ Chăm, ngoài ra còn dấu tích của một cái rãnh để kéo gạch từ trong lò ra. Đây là một trong số những cơ sở vật chất bác bỏ thuyết cho rằng tháp Chăm được xếp lên bằng gạch mộc rồi mới nung cả tháp.
Bên trong tường tháp chính có khoét những ô khám nhỏ (hiện được để đồ thờ)
Trong lòng tháp chính có thờ bộ Linga – Yoni cũ, không còn bệ mà đặt trên nền tháp.
Các khai quật khảo cổ sau này tìm thấy thêm nhiều nền móng của các kiến trúc khác quanh các ngôi tháp còn lại, và niên đại của các nền móng này được cho là ở thế kỷ XV.
Có lẽ ở khu vực này, hồi đầu thế kỷ IX có các ngôi tháp (được cho là các ngôi tháp hiện đang còn), sau đó, khoảng thế kỷ XV người Chăm lại dựng thêm một số kiến trúc khác để làm nơi thờ công chúa Po SahInư (bởi nếu theo truyền thuyết thì Po ShaInư sống vào khoảng đầu thế kỷ XV), nhưng các công trình xây sau đã sụp đổ hết chỉ còn nền móng, và sau này người ta chuyển thờ Po SahInư vào các ngôi tháp còn lại. Còn các ngôi tháp xây từ thế kỷ IX ban đâu thờ vị vua, hay vị thần nào, thì đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Chỉ có cách giả định này, nghe có vẻ dung hòa được giữa truyền thuyết và ... khảo cổ học.
Bài, ảnh: Ngô Hoà Nam