Dân trí Cô dâu thay y phục cưới trước cổng nhà chú rể, chém hình nhân để "chặn đường" các đời chồng sau, giữ trọn lòng thủy chung,...
Đây là những nghi thức độc đáo trong lễ cưới đặc biệt của người Dao ở Khuổi Phiêng (Lạng Sơn).
Người Dao ở đây có quan niệm rằng "trước khi mặt trời mọc là thời điểm tốt đẹp nhất", vì vậy họ thường tổ chức lễ đón cô dâu về nhà chồng vào sáng sớm tinh mơ, lúc ánh mặt trời còn chưa ló rạng.
May mắn được tham dự và ghi lại những khoảnh khắc chân thực về lễ cưới đặc biệt của người Dao ở Khuổi Phiêng, nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân đã có nhiều trải nghiệm ấn tượng, đáng nhớ.
Kể về cơ duyên có mặt tại đây, anh Nhân cho biết, một người quen ở Lạng Sơn có nhiều năm gắn bó và theo đuổi văn hóa người Dao được thầy mo mời đến chụp ảnh lễ cưới. Đúng dịp anh tới Lạng Sơn nên được rủ đi cùng.
"Lễ cưới được tổ chức vào sáng sớm, thời tiết rất lạnh, trời mưa, đường đi lại xa và lầy lội. Xe ô tô không vào được, chúng tôi phải nhờ người nhà chú rể ra đón nên khó khăn lắm mới tới nơi. Lúc ấy là 3h30 phút sáng. Ban đầu mọi người trong lễ cưới còn khá dè dặt, giữ khoảng cách nhưng sau đó, ai nấy đều cởi mở hơn, vui vẻ đón tiếp và tạo điều kiện cho anh em chụp ảnh thuận lợi nhất có thể", anh Nhân nhớ lại chuyến đi vất vả nhưng nhiều kỷ niệm.
Không có sự xuất hiện của bố mẹ, cô dâu được bà mối và các phụ dâu đưa về nhà chồng. Tới trước cổng nhà chú rể, cô dâu bắt đầu thay y phục cưới.
Trang phục trong ngày trọng đại của cô dâu rất đẹp và cầu kỳ, phải nhờ tới sự hỗ trợ của nhiều người mới có thể mặc được.
Chuẩn bị bước vào nhà chồng, cô dâu phải dùng khăn che kín mặt. Phía nhà trai sẽ cử người ra đón cô dâu bằng các nghi lễ rất quan trọng.
Trong nhà, chú rể cũng được các phụ rể và ông mai hỗ trợ mặc bộ trang phục cưới không kém phần cầu kỳ, bắt mắt. Sau đó, chú rể trùm khăn che mặt giống như cô dâu.
Khi tiến hành làm lễ cưới cũng không có sự xuất hiện của bố mẹ chú rể. Mọi nghi thức đều theo sự hướng dẫn của các thầy cúng, thầy mo.
Trên bàn hành lễ sẽ bày 12 miếng gan lợn, đặt tương ứng trên 12 chén rượu để cúng. 2 thầy thổi kèn bước ra đón cô dâu.
Lễ cưới này được tổ chức khá hoành tráng với 90 mâm cỗ, 50 con gà và 10 con lợn.
Theo phong tục của người Dao, trước lễ cưới, thầy cúng xem tuổi cô dâu để phán đoán cô dâu sẽ trải qua bao nhiêu đời chồng. Những người chồng còn lại sẽ dùng hình nhân bằng lá cây thay thế. Cô dâu khi được rước vào nhà sẽ phải dùng dao chém các hình nhân bằng lá cây với ý nghĩa loại bỏ những người chồng sau này, thể hiện sự thủy chung, sống trọn đời với người chồng hiện tại.
Có nhiều thầy cúng trong một lễ cưới, mỗi người đóng một vai trò khác nhau.
Ông mai bà mối sẽ dắt cô dâu và chú rể đến bàn thờ tổ tiên, hướng dẫn nghi thức hành lễ.
Thầy mo là người thầy cao nhất đứng ra chủ trì buổi lễ.
Những người phụ nữ trong dòng họ tụ tập chờ đợi lễ cưới.
Thảo Trinh
Ảnh: Cao Kỳ Nhân