Lý Nhân Tông (chữ Hán: 李仁宗 22 tháng 2 năm 1066 – 15 tháng 1 năm 1128) là vị hoàng đế thứ tư của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ngài trị vì Đại Việt từ năm 1072 đến năm 1128, gần 56 năm và cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Vua tên húy là Lý Càn Đức, con trai đầu của vua Lý Thánh
Tông. Năm 1072, Thánh Tông băng hà, Thái tử Càn Đức mới 6 tuổi lên ngôi tức vua
Nhân Tông. Mẹ đích của vua Nhân Tông là Thượng Dương Thái hậu cùng Thái sư Lý Đạo
Thành phụ chính.
Tượng thờ vua Lý Nhân Tông trong đền Đô
Tương truyền sau này vua Nhân Tông theo lời mẹ đẻ là Thái
phi Linh Nhân, ban Thái hậu Thượng Dương theo hầu vua Thánh Tông. Từ đây, Linh
Nhân Thái hậu và Thái úy Lý Thường Kiệt kiểm soát hoàn toàn triều chính. Hai vị
đã biếm Lý Đạo Thành vào miền Nam một thời gian rồi phục chức. Thái hậu Linh
Nhân cùng các tể thần Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành là những người có ảnh hưởng mạnh
mẽ đến quá trình trị vì đất nước ngay cả khi vua Nhân Tông đã nắm quyền.
Dưới thời trị vì của vua Lý Nhân Tông, Đại Việt phồn vinh,
"dân gian có nhiều người giàu có".Vua rất quan tâm đến nông nghiệp –
thủy lợi, cho đắp đê ở nhiều nơi và mở rộng luật cấm giết trâu.
Thời Nhân Tông còn nổi bật với sự kiện tổ chức khoa thi Nho
học đầu tiên của Đại Việt (1075), xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám (1076). Phật
giáo cũng phát triển. Vua và Linh Nhân Thái hậu đều là những Phật tử mộ đạo, xây
nhiều chùa tháp và khuyến khích phát dương Phật giáo của các thiền sư.
Năm 1075, nhà Tống dòm ngó Đại Việt, vua Nhân Tông sai Lý
Thường Kiệt đánh phủ đầu, liên tiếp phá tan quân Tống ở 3 châu Ung, Khâm, Liêm
(đất Tống), sau đó đánh bại quân Tống trên sông Như Nguyệt (đất Việt). Sau năm
1077, giữa hai nước Việt và Tống không còn chiến tranh. Đồng thời Chiêm Thành,
Chân Lạp thần phục Đại Việt, xuân thu nhị kỳ đều sang cống.
Mặc dù là vị hoàng đế có thời gian trị vì lâu dài nhưng vua
Lý Nhân Tông không có con trai kế thừa ngôi báu. Vua nhận nuôi một người cháu
là Lý Dương Hoán rồi lập làm thái tử. Đó là vua Lý Thần Tông, trị vì 11 năm sau
khi vua Nhân Tông mất.
Ban thờ tám vị hoàng đế nhà Lý trong đền Đô
Giai đoạn trị vì của vua Lý Nhân Tông cùng thái thượng hoàng
Lý Thái Tông và thượng hoàng Lý Thánh Tông được xem là thời thịnh vượng của Nhà
Lý, được gọi là Bách niên Thịnh thế (百年盛世).
Vua tên húy Lý Càn Đức, trưởng nam của vua Lý Thánh Tông và
Nguyên phi Ỷ Lan. Vua sinh giờ Hợi ngày 25 tháng 1 năm Bính Ngọ (22 tháng 2
dương lịch năm 1066) tại cung Động Tiên, kinh đô Thăng Long.
Vua Lý Thánh Tông hiếm muộn, đến năm 43 tuổi mới sinh được
Càn Đức. Đức vua rất vui mừng; chỉ một ngày sau khi hoàng tử sinh ra, Thánh
Tông lập Càn Đức làm Hoàng thái tử, đổi niên hiệu thành Long Chương Thiên Tự, đại
xá thiên hạ và phong Ỷ Lan làm Thần phi.
Tháng 8 âm lịch năm 1070, Lý Thánh Tông lập Văn miếu, dựng
tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối (4 học trò xuất sắc của Khổng Phu Tử), vẽ
tranh Thất thập nhị hiền (72 học trò của Khổng Phu Tử) để hương khói bốn mùa. Vua
cho Thái tử Càn Đức học tại đây.
Cuốn Đại Việt sử lược được biên soạn vào thời Trần, có mô tả
ngoại hình của vua Lý Nhân Tông, húy Càn Đức: "Ngài là người có xương trán
nổi lên như mắt trời, ấy là dáng mặt của bậc Thiên tử và tay thì buông dài quá
đầu gối".[3]
Lên ngôi hoàng đế
Tháng 1 âm lịch năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà tại điện
Hội Tiên. Thái tử Càn Đức 6 tuổi lên ngôi trước linh cữu, hiệu Lý Nhân Tông. Vua
lấy niên hiệu Thái Ninh, tôn chính cung của thượng hoàng là Thượng Dương Hoàng
hậu làm Thái hậu nhiếp chính, cùng với Thái sư Lý Đạo Thành cai quản quốc gia. Vua
sắc phong mẹ ruột là Ỷ Lan làm Hoàng thái phi. Tháng 4 âm lịch năm 1073, Lý
Nhân Tông sắc phong Lý Thường Kiệt, thuộc hàng Đại Liêu Ban làm Kiểm hiệu Thái
úy.
Năm 1073, vua Nhân Tông phế truất Thái hậu Thượng Dương.
Theo các sách Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư, Thái phi Ỷ Lan bất
mãn vì không được tham gia trị nước, nên phàn nàn với vua Nhân Tông: "Mẹ
già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì
sẽ để mẹ già vào đâu?". Nghe lời mẹ, Nhân Tông ra lệnh đưa Thái hậu Thượng
Dương vào lãnh cung, rồi ban tử cho Thượng Dương cùng 72 cung nhân đi theo vào
lăng Thánh Tông. Thái sư Lý Đạo Thành cũng bị giáng làm Tả gián nghị Đại phu,
trấn thủ châu Nghệ An. Sử thần đời Lê sơ Ngô Sĩ Liên nhận xét trong Toàn thư:
“Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật,
sao lại đến nỗi giết đích Thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư?
Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại mẹ đẻ mà không được dự chính sự.
Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với
vua. Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là
lỗi to. Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián
việc ấy?”
Sử gia thế kỷ 20 Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt –
Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý phỏng đoán, trong triều đình đã có xung
đột giữa phe của Thái hậu Thượng Dương và Thái sư Lý Đạo Thành với phe của Thái
phi Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt:
Vua Lý Nhân Tông sau đó tôn mẹ đẻ Thần phi Ỷ Lan là Thái hậu
nhiếp chính, hiệu là Linh Nhân Hoàng thái hậu. Thái hậu Linh Nhân cùng Thái úy
Lý Thường Kiệt giúp vua cai quản quốc gia.
Mùa xuân năm 1074, vua xuống chiếu phục chức Lý Đạo Thành
làm Thái phó bình chương Quân quốc trọng sự. Lý Đạo Thành làm Tể tướng đến khi
mất năm 1081.
Chiến tranh chống quân xâm lược nhà Tống
Khi vua Nhân Tông lên ngôi, nhà Tống muốn nhân lúc vua Lý
còn nhỏ, mang quân đánh chiếm Đại việt. Thái úy Lý Thường Kiệt, với tài năng
quân sự kiệt xuất, đã lãnh đạo quân dân Đại Việt giành chiến thắng trong cuộc
chiến với quân xâm lược nhà Tống.
Năm 1075, ngay khi nhà Tống đang tập kết lực lượng ở Ung
Châu chuẩn bị tiến sang, Lý Thường Kiệt chủ động xuất binh đánh sang đất Tống tiên
phát chế nhân. Sang đầu năm 1076, quân Lý hạ thành Ung châu.
Năm Bính Thìn (1076), nhà Tống cử Quách Quỳ, Triệu Tiết đem
đại binh sang xâm lược Đại Việt. Quân binh nhà Lý dưới sự chỉ huy của Phụ quốc
Thái úy Lý Thường Kiệt đánh bại đội quân xâm lược Tống trên chiến tuyến sông
Như Nguyệt. Năm 1077, Quách Quỳ chấp nhận cho Đại Việt giảng hòa và rút quân trở
về.
Bách niên Thịnh thế thời vua Lý Nhân Tông
Triều đại Lý Nhân Tông chứng kiến sự phát triển của nền giáo
dục khoa bảng Đại Việt. Mùa xuân năm 1075, ông mở khoa thi Tam trường (còn gọi
là Minh kinh bác học) để chọn người có tài văn học ra giúp nước. Đây là khoa
thi đầu tiên của nền khoa cử Việt Nam.
Triều đình chấm đỗ 10 người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh được
vào cung dạy học cho vua. Sau này, Lê Văn Thịnh làm đến chức Thái sư, nhưng đến
mùa đông năm 1095 thì bị cách chức và đi đày vì "mưu làm phản".
Tháng 2 âm lịch năm 1077, vua Lý Nhân Tông tổ chức thi lại
viên để tuyển chọn quan lại với 3 môn: thư (viết chữ), toán và hình luật. Mùa
thu năm 1086, nhà vua lại mở khoa thi chọn người có tài văn học vào Viện Hàn
lâm. Mạc Hiển Tích đỗ đầu khoa ấy, được vua Lỹ Nhân Tông sắc phong Hàn lâm học
sĩ.
Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám – trường đại học
đầu tiên ở Việt Nam, và chọn những văn thần giỏi vào giảng dạy. Cùng năm đó,
ông ban chiếu cầu lời nói thẳng.
Lý Nhân Tông là vị vua đầu tiên khởi công đắp những con đê lớn
của Đại Việt. Tháng 9 âm lịch năm 1077, triều đình sai đắp đê trên sông Như
Nguyệt, sách Đại Việt sử lược mô tả đê này "dài 67.380 bộ".
Đại Việt sử lược cũng
chép rằng năm 1103, nhà vua ra lệnh cho nhân dân Thăng Long làm đê chống lũ, ở
cả nội đô lẫn ngoại ô. Mùa xuân năm 1108, vua Nhân Tông sai đắp đê tại Cơ Xá –
đây là đoạn đê sông Hồng gần cầu Long Biên ngày nay.
Mùa xuân năm 1089, Nhân Tông cải cách hệ thống quan lại triều
đình; vua phân bố các quan theo 9 phẩm trật. Các quan đầu triều gồm thái sư,
thái phó, thái bảo và thiếu sư, thiếu úy, quản lý cả hai ban văn võ.
Dưới những bậc quan đầu triều, Ban văn có thượng thư, tả hữu
tham tri, tả hữu gián nghị đại phu, trung thư thị lang, bộ thị lang. Ban võ có
đô thống, nguyên súy, tổng quản khu mật sứ, khu mật tả hữu sứ, kim ngô thượng
tướng, đại tướng, đô tướng, tướng quân các vệ (chỉ huy các vệ quân gồm Kiêu vệ,
Uy vệ và Định Thắng vệ v.v...
Ở các châu quận, văn thì có tri phủ, tri châu; võ thì có đại
tướng quân trấn thủ các lộ, trấn và trại.
Không chỉ khuyến khích giáo dục Nho học, vua Lý Nhân Tông
cũng là một Phật tử mộ đạo. Vua và Thái hậu Linh Nhân cho dựng nhiều chùa tháp
trong nước. Nhà vua mở rộng đến sắc phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư, nhưng chỉ
giới hạn trong tham vấn giúp hoàng đế trong thực thi pháp luật và ứng xử trong
quốc gia đại sự. Vua định các chùa trong nước làm ba cấp: đại, trung và tiểu
danh lam, cho quan văn chức cao kiêm làm Đề cử. Lúc đó nhà chùa có điền nô và tài
sản, nên đặt chức ấy.
Mùa thu, tháng 9 năm 1105, vua sai dựng hai ngọn tháp chỏm
trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Vua cho trùng tu
chùa Diên Hựu đẹp hơn xưa, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ
có hành lang chạm khắc chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ tụ thuye gọi là
hồ Bích Trì. Trên các hồ đều bắc cầu kiều. Trước sân chùa xây bảo tháp.
Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8
tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy
làm lệ thường.
Năm 1117, vua Nhân Tông theo lời khuyên của Thái hậu, ra luật
cấm giết trâu bò bừa bãi: ai mổ trộm trâu bị phạt 80 trượng và tội đồ làm người
hầu trong quân đội; người giết trâu và ăn trộm trâu đều phải bồi thường; hàng
xóm biết mà không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng. Thời điểm thịnh trị, đất nước
thường được mùa lớn nên khi hạn hán mất mùa thường phát chẩn kho lương, giảm tô
dịch, quốc gia cường thịnh. Vua Nhân Tông thường xa giá thăm thú thu hoạch mùa
màng ở mọi nơi, cũng như xem bắt voi, lễ hội,... cho thấy sự cường thịnh của Đại
Việt.
Quốc trị
Dẹp trừ nội loạn
Tháng 10, năm 1103, người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản.
Giác trước học được thuật lạ, có thể biến cây cỏ làm người, bèn chiêu tập những
kẻ vô lại chiếm cứ châu ấy, đắp thành làm loạn. Việc tâu lên, vua sai Thái úy
Lý Thường Kiệt đi đánh. Giác thua trốn sang Chiêm Thành, dư đảng đều bị dẹp
yên. Thuận theo lúc đó, Quốc vương Chiêm Thành Chế Ma Na cử quân qua đánh phá
biên giới, muốn đòi lại 3 châu mà Chế Củ trước đây đã dâng cho Lý Thánh Tông.
Thái úy Lý Thường Kiệt xuất binh đánh bại, Chế Ma Na phải trao trả lại đất và
xin thuần phục như cũ.
Tháng 7 năm 1119, Nhân Tông thân chinh dẫn đại binh đánh động
Ma Sa. Vua chuẩn bị rất kỹ lưỡng, duyệt sáu binh tào Vũ Tiệp, Vũ Lâm v.v..., người
nào mạnh khỏe cho làm Hỏa đầu ở các đội quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật,
Quảng Thành, Vũ Đô, còn bậc dưới thì cho làm binh lính ở các quân Ngọc Giai,
Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô, Ngự Long.
Vua hội quân cả nước thề ở Long Trì. Ban chiếu rằng:
Trẫm nhận lấy cơ nghiệp của một tổ hai tông, trị vì dân đen,
coi triệu họ trong bốn biển đều như con đỏ, cả đến cõi xa cũng mến lòng nhân mà
quy phụ, phương khác cũng mộ nghĩa mà lại chầu. Vả xét dân động Ma Sa sống ở
trong cõi của ta, động trưởng Ma Sa thì đời đời làm phiên thần của ta, thế mà
nay kẻ tù trưởng ngu hèn ấy bỗng phụ ước của ông cha, quên việc tuế cống khiếm
khuyết lệ thường phép cũ. Trẫm vẫn nghĩ mãi, việc không đừng được, nay trẫm tự
làm tướng đi đánh dẹp. Nay các tướng súy sáu quân, các ngươi đều phải hết lòng,
tuân theo mệnh lệnh của trẫm.
Bèn ban cờ xí việt cho tướng lĩnh, vua ngự thuyền Cảnh Hưng,
xuất phát từ bến Thiên Thu, cờ xí rợp trời, gươm giáo rẽ sương, quân sĩ đánh trống
reo hò, khí thế hừng hực.
Nhân Tông Hoàng đế tự làm tướng đánh động Ma Sa, phá tan loạn
quân, bắt bọn động trưởng Ngụy Bàng vài trăm người, thu vàng, lụa, trâu, dê
không kể xiết. Sai tỳ tướng vào các động dọc biên giới chiêu dụ những người trốn
tránh bảo về yên nghiệp.
Ngoại giao với các quốc gia láng giềng
Năm 1089, Thị lang Bộ binh Lê Văn Thịnh được cử sang trại
Vĩnh Bình cùng với người Tống bàn việc cương giới. Bấy giờ, sau khi đánh bại
quân Tống, triều đình ngay lập tức thông hiếu và thỏa thuận trao trả tủ binh, đất
đai.
Trước đó, Đào Tông Nguyên đem biếu nhà Tống năm con voi thuần,
xin trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu và những người các châu ấy bị bắt đi.
Cuối cùng, nhà Tống trả lại cho Đại Việt 6 huyện và 3 động, đổi lại triều đình
trả lại tù binh của 3 châu Khâm, Liêm, Ung bị bắt khi Thái úy Lý Thường Kiệt
kéo quân sang đánh Tống.
Sau sự kiện Chế Ma Na dậy binh làm loạn, quan hệ giữa nhà Lý
và Chiêm Thành dần trở lại như trước. Chiêm Thành năm nào cũng tiến cống vàng bạc,
châu báu và thổ sản, triều đình cũng thường xuyên giữ thể diện cho sứ thần
Chiêm Thành, mời tham dự các nghi lễ như tắm Phật, lễ hội, khánh thành chùa chiền
và xem hội vương hầu đá cầu ở Long Trì. Năm 1123, nước Chân Lạp sang quy phụ và
xin triều cống thường lệ, y như Chiêm Thành.
Tháng 12, năm 1124, tiểu thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Mạc
Hiền và phe đảng bộ thuộc trốn sang động Cống ở địa giới Ung Châu nước Tống. Đầu
năm 1125, Ung Châu bắt bọn Mạc Hiền, xin sai người đến Giang Nam để giao trả.
Hoàng đế sai người giữ phủ Phú Lương là Trung thư Lý Hiến đến Giang Nam nhận
đem về kinh sư. Đày Mạc Hiền vào châu Nghệ An, vợ con đều sung làm nô.
Cuối năm 1126, triều đình sai lệnh thư gia là Nghiêm Thường,
ngự khố thư gia là Từ Diên đem 10 con voi thuần và vàng bạc, sừng tê, sừng bin
sang biếu nhà Tống để tạ ơn việc bắt Mạc Hiền. Thường và Diên đến Quế phủ[24]
vào ra mắt quan Kinh lược ty.
Quan quân Ung Châu bảo với Thường và Diên rằng: Năm nay ở
Đông Kinh và các xứ Hồ Nam, Đĩnh Châu, Lễ Châu đều đã đem binh mã đi đánh người
Kim, chưa biết lúc nào về. Trong lúc này thì ngựa trạm, phu trạm dọc đường chỗ
nào cũng ít, xin sứ giả đem lễ vật về. Thường và Diên phải trở lại. Năm ấy người
nước Kim là Niêm Hãn, Cán Lý Bất đem quân vây Biện Kinh nước Tống, bắt Tống Huy
Tông và Tống Khâm Tông đem về phương Bắc, đó là sự kiện Tĩnh Khang.
Mùa đông, tháng 11 năm 1127, Khâm Châu nước Tống đưa trả nghịch
đảng ở châu Quảng Nguyên là bọn Mạc Thất Nhân, dư đảng của Mạc Hiền.
Sau sự kiện năm 1073, nhà Tống nhún nhường đối với Đại Việt,
mối quan hệ trở nên quân bình ngang hàng. Triều Lý cũng hết sức quan tâm tình
hình của nhà Tống lúc đó khi bị nhà Kim xâm lấn ở phương Bắc, thăm dò tình hình
quân Khiết Đan từ phương xa.
Lập thái tử là con nuôi
Bấy giờ, Nhân Tông đã có tuổi mà vẫn không có con trai để nối
dõi, dù trong cung nhà vua có đến hàng nghìn cung tần mỹ nữ và Hoàng hậu, Hoàng
phi.
Đến tháng 10, năm 1117, Thái hậu Ỷ Lan từ trần, vua Nhân
Tông vẫn không có hi vọng về huyết mạch nối dõi, xuống chiếu ban ra trong hoàng
tộc, tuyên rằng: Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của
thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các công hầu Sùng
Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người giỏi lập
làm Thái tử. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông
minh lanh lợi, Nhân Tông rất yêu và bèn lập làm Hoàng thái tử.
Băng hà
Tháng Chạp năm Đinh Mùi, vua Lý Nhân Tông ốm nặng. Ông gọi
các đại thần Lưu Khánh Đàm và Lê Bá Ngọc vào giao việc giúp Thái tử Lý Dương
Hoán. Về việc tang lễ, ông dặn:
"Trẫm nghe phàm các loài sinh vật không loài nào không
chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế mà người đời
không ai là không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để
tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải.
Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi
chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ
cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào! Trẫm
xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm
kính sợ hãi. Đã 56 năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ,
bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là
may rồi, còn phải thương khóc làm gì? Trẫm từ khi đi xem gặt lúa đến giờ, bỗng
bị ốm, bệnh kéo dài, sợ không kịp nói đến việc nối ngôi. Mà Hoàng thái tử Dương
Hoán tuổi đã tròn một kỷ, có nhiều đại đội, thông minh thành thật, trung nghiêm
kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi Hoàng đế. Nay kẻ ấu thơ chịu
mệnh trời, nối thân ta truyền nhgiệp của ta, làm cho rộng lớn thêm công nghiệp
đời trước. Nhưng cũng phải nhờ quan dân các ngươi một lòng giúp rập mới được.
Này Bá Ngọc, ngươi thật có khí lượng của người già cả, nên sửa sang giáo mác, để
phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc
tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán
Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên
đế". ”
Ngày Đinh Mão (tức ngày 15 tháng 1 năm 1128), vua Lý Nhân
Tông băng hà tại điện Vĩnh Quang, ở ngôi 55 năm, thọ 61 tuổi. Ông được tôn miếu
hiệu là Nhân Tông (仁宗), thụy hiệu là Hiếu Thiên Thể Đạo Thánh Văn Thần
Vũ Sùng Nhân Ý Nghĩa Hiếu Từ Thuần Thành Minh Hiếu Hoàng Đế (憲天體道聖文神武崇仁懿義孝慈純誠明孝皇帝).
Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc tuyên đọc chiếu chỉ và giúp vua nhỏ tuổi
trị nước, cùng với các đại thần Dương Anh Nhĩ, Mâu Du Đô. Thái tử Lý Dương Hoán
lên nối ngôi, tức là Lý Thần Tông.
Tác phẩm của Lý Nhân Tông hiện chỉ còn ba bài thơ, một vài bức
thư gửi triều đình nhà Tống, bốn bài hịch và chiếu. Tất cả đều viết bằng chữ
Hán.
Ba bài thơ tứ tuyệt đều thuộc loại thơ thù tặng, gồm:
"Truy tán Vạn Hạnh Thiền sư" (Truy khen Thiền sư Vạn Hạnh), "Tán
Giác Hải Thiền sư, Thông Huyền Đạo nhân" (Khen Thiền sư Giác Hải và Đạo sĩ
Thông Huyền), "Truy tán Sùng Phạm Thiền sư" (Truy khen Thiền sư Sùng
Phạm).
Bức thư có giá trị nhất có tên là "Thỉnh hoàn Vật
Dương, Vật Ác nhị động biểu". Đây là bức thư gửi cho hoàng đế Nhà Tống,
nhân hội nghị Vĩnh Bình giữa hai nước, nhằm đòi lại hai động là Vật Dương và Vật
Ác. Lời lẽ trong thư mềm mỏng, khiêm nhượng, nhưng vẫn khôn khéo vạch được mưu
mô chiếm đất và sự dối trá của nhà Tống.
Bài chiếu có nhiều nét ý vị là bài "Lâm chung di chiếu"
(Chiếu để lại lúc mất). Đây là bài văn biểu lộ rõ phong cách của một hoàng đế, cho
thấy tấm lòng nhân hậu, cao cả, không muốn lạm dụng địa vị cao sang để phiền
nhiễu dân; chỉ mong ước trước sau giữ được "trăm họ được yên",
"bốn bể yên vui, biên thùy ít loạn”.
Nguồn: Wikipedia