Theo văn bia lưu giữ tại quán Đình Lại Yên phụng thờ Chí Minh Đại Vương, vị thiên thần gắn liền với lịch sử tạo dựng ngôi quán cổ Kính Thiên Đài từ thời Hùng Vương dựng nước.
Đình có quy mô lớn, tọa lạc trên một khu đất rộng giữa làng.
Đình bao gồm sân đình, Đại đình gồm Đại bái và Hậu cung kết cấu hình chữ Đinh
và nhà hữu mạc.
Tòa Đại bái có quy mô lớn 7 gian 2 chái, gian chính điện đặt
ban thờ Công đồng có diện tích lớn nhất, các gian còn lại nhỏ dần. Đại bái có nền
cao, bó vỉa bằng đá xanh, bậc thềm nhị cấp gian chính điện, hai bên đặt đôi rồng
chầu kiểu vân mây cách điệu.
Tòa Hậu cung gồm 1 gian thông với Đại bái. Hậu cung là cấm
cung, xây tường hồi bít đốc. Nhà Hữu mạc là nhà sắp lễ và phục vụ lễ hội,
Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật chạm khắc trang trí của
đình Lại Yên là hình tượng rồng, được trang trí dày đặc trên các bức cổn vì kèo
nách, được ghép từ các con rường chồng khít lên nhau.
Trải qua hàng trăm năm, nhưng rồng chạm khắc tại đình Lạc
yên còn khá hoàn hảo. Thân rồng uốn lượn sinh động như bay múa, đầu rồng nhìn
nghiêng như đang quan sát người ra vào dưới mái đình. Thân rồng uốn lượn, vảy rồng
được tách nét kỹ lưỡng. Trong bức Ổ rồng, kỹ thuật chạm nổi, bong kênh tạo cảm
giác những con rồng đang uốn lượn, quấn quýt lấy nhau giữa những vân mây cách
điệu.
Mảng chạm khắc trên các bức cổn vì nách cho thấy kỹ năng tuyệt
vời của nghệ nhân thời Lê. Bức chạm phóng khoáng, sinh động, nét chạm sắc sảo, sinh
động tự nhiên, không gượng ép bởi cấu kiện. Bố cục con rồng mộc trên bức cổn vừa
tinh vừa chi tiết và rất sống động, diễn
tả trọn vẹn sự oai linh nhưng gần gũi với nhận thức của người dân. Thể hiện rõ
bản chất của tín ngưỡng dân gian nhưng đầy tính nghệ thuật.
Rồng của đình Lạc Yên có mắt mở to đầy thần thái, miệng rộng
tươi cười, mang lại cảm giác được che chở, an yên. Đôi tai rồng to, vểnh lên đầy
tinh nghịch, cho thấy sự gần gũi của thế giới tiên rồng và phàm trần.
Ý nghĩa sâu sắc, vẻ đẹp tự nhiên của các mảng chạm khắc ở
đình Lạc Yên vẫn mang giá trị cao về nghệ thuật chạm khắc tín ngướng dân gian.
Một tác phẩm chạm khắc tuyệt đẹp, đại diện cho Mỹ thuật đỉnh
cao thời Hậu Lê, thế kỷ 18 là bức Cửa
võng, treo tại gian giữa Đại bái theo 3 mảng chủ đạo với ba chủ đề tách biệt:
Bức chạm khắc cao nhất là phù điêu “Quần long chầu Nhật” với những con rồng lớn
nhỏ khác nhau bay múa quấn quanh mặt trời. Phía góc là một con nghê. Các con rồng
quấn quýt với nhau, râu bờm đao mác lửa tung bay giữa vân mây cách điệu, trang
trí đường riềm là cánh hoa sen cách điệu. Hai bên là bức cánh gà chạm vân mây
cách điệu.
Bức chạm trọng tâm thứ hai là “Đôi phượng múa” đơn giản hơn
với ba ô phù điêu, chạm khắc 3 đôi phượng đối xứng đang múa và hai ô chạm hoa
sen cách điệu.
Bức chạm thứ 3 là bức “Lưỡng long Quán nhật”, hai bên là Hoa
sen cách điệu. Bức chạm này đơn giản và quen thuộc hơn.
Đây cũng là một trong
những bức cửa Võng có có giá trị nghiên cứu rất cao về kỹ năng chạm khắc và mỹ
thuật thời Hậu Lê.
Đối tượng chạm khắc chủ yếu là rồng, sau đó là phượng theo
nguyên tắc đối xứng và bổ sung thêm nghê. Rồng, phượng, được chạm đối xứng trên
các cấu kiện của cửa võng, hoa sen cách điệu được sử dụng để trang trí đường riềm,
khuôn hình và khiến cho bức cửa võng vừa mang tính uy linh vừa mang tính từ bi,
cảm ngộ.
Hai cánh bên cửa võng được chạm bong, xuyên hai chú rồng
đang hạ phàm, bay múa trong đám mây cách điệu oai linh. Trên các tấm bức bàn cấu
kiện cửa võng được chạm hoa dây cách điệu. Các thanh ngang đỡ các bức chạm được
chạm đầu rồng.
Ở cả ba linh thú, mỗi hình tượng được thể hiện một diện mạo
độc đáo. Oai linh, hoan hỉ, vui tươi, được thể hiện rõ nét trên rồng, nghê. Những
nét chạm phô diễn kỹ năng đỉnh cao thời Lê như: rồng được đánh vẩy tách nét, râu
rồng hình đao má lửa tách nét uốn lượn sống động và huyền bí.
Với giá trị tiêu biểu trên, đình Lại Yên, xã Lại Yên, huyện
Hoài Đức, thành phố Hà Nội được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng
Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1991/QĐ-BVHTTDL ngày
29/6/2021./.
Khánh Chi
Nguồn: Cục Di sản văn hóa