THỪA THIÊN - HUẾ“Nhà có mình tôi làm, không dám để con làm, sợ vất vả. Tôi gắn bó vì yêu nghề, yêu sắc màu của những chân hương”, bà Hoa nói.
Trên con đường đến thăm đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, du khách sẽ đi qua làng hương Thủy Xuân, nơi sở hữu những bó chân hương rực rỡ như những bông hoa đủ màu sắc. Đến đây, ngoài những bức hình nghệ thuật, du khách có thể trò chuyện cùng những người làm hương, để hiểu hơn về Huế, về nét văn hóa truyền thống này.
Nghề sản xuất hương ở làng Thủy Xuân đã có từ lâu, người dân không ai nhớ chính xác từ khi nào, chỉ biết do cha ông để lại. Công đoạn làm hương bắt đầu từ khâu trộn bột, gồm nhiều nguyên liệu cầu kỳ. Bột hương gồm một số loại thảo mộc như: nụ tùng, quế chi, đinh hương, bạch đàn hay hoa hồi... được đem nghiền nhuyễn các nguyên liệu. Tiếp đến, trộn tất cả với mùn cưa, keo (chất dính từ thiên nhiên) và nước theo tỉ lệ, sau đó nhồi bột thật đều.
Bà Hoa miêu tả công đoạn se hương. Ảnh: Ngân Dương.
Trộn bột đòi hỏi người thợ phải đều tay, từ từ đổ nước vào bột đến khi đạt được độ dẻo nhất định. Đây được xem là khâu khó nhất trong quá trình làm và cũng là khâu quyết định chất lượng của mẻ hương. Nếu cho nước quá nhiều, bột sẽ nhão, dẫn đến khối bột dùng để se hương dễ bị nứt.
Trò chuyện cùng bà Tôn Nữ Mộng Hoa, một người làm hương tại làng Thủy Xuân, bà cho biết: "Mỗi ngày tôi làm một mùi hương khác nhau, tùy theo đơn đặt hàng. Hiện tôi có hương quế, lài, sả, trầm. Ví dụ như hôm nay làm hương quế, tôi sẽ trộn bột quế nhiều hơn mùn cưa, dùng hai chén quế, một chén mùn cưa và nửa chén keo". Bắt đầu làm nghề khi tuổi còn đôi mươi, hiện bà đã gắn bó với nghề làm hương hơn 30 năm.
Chân hương được làm từ thân cây tre chẻ nhỏ. Các thanh tre được nhuộm màu khoảng phân nửa, sau đó đem phơi nắng khoảng 2 tháng. Cần phải phơi thật kĩ, bởi nếu chân hương còn ẩm, khi đốt sẽ bị tắt giữa chừng. "Khi chân hương đã khô thì mang vào se để bột bám vào chân hương, rồi phơi 2 ngày. Lúc này không được phơi lâu, khô quá hương sẽ bị cong, khách không mua vì thắp lên không đẹp", bà Hoa kể, đôi tay thoăn thoắt, dứt khoát trên bàn se.
Trước kia, họ phải làm tất cả công đoạn trên bằng tay nên rất vất vả, đặc biệt là lúc đánh bột. Khoảng 10 năm trở lại đây, máy móc đã hỗ trợ trong khâu đánh bột và se hương. Ngày nay, trung bình mỗi ngày bà Hoa đánh được khoảng 5 kg bột, se được 6.000 cây hương. Theo bà, nghề này vất vả, cần sự tỉ mẩn mà thu nhập không cao. Ngoài việc bán hương, đồ lưu niệm,... bà cũng nhận đạp máy se hương thuê cho người khác, cứ 1.000 cây hương sẽ được 10.000 tiền công.
"Nhà có mình tôi làm, không để con cái làm vì sợ vất vả. Mấy đứa con đi học, chỉ phụ bán hàng thôi. Tôi gắn bó với hương có lẽ vì yêu nghề, yêu sắc màu của những chân hương. Khi xếp những chân hương thành từng bó tròn, tôi thấy rất đẹp. Đôi lúc làm việc mệt quá, ra ngắm xong thấy vui vẻ, có sức khỏe để làm tiếp", bà nói thêm.
Vẻ đẹp của những bó chân hương cũng là nét thu hút du khách. Chân hương không chỉ có màu đỏ sẫm truyền thống, mà những người bán còn nhuộm thêm nhiều màu và bó tròn nhìn tựa những bông hoa như xanh lục, đỏ, tím, vàng... trông rất bắt mắt để khách du lịch chụp ảnh. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội chứng kiến quá trình tạo ra que hương truyền thống và được hướng dẫn để tự tay làm sản phẩm.
"Các bà, các cô bán hàng rất nhiệt tình, vui vẻ, đến đây mình được trải nghiệm làm hương rất vui. Mọi người ghé chụp ảnh nên mua ủng hộ cây quạt hay món đồ lưu niệm", chị Diễm, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Làng hương Thủy Xuân không thu phí tham quan, những người bán hàng nhiệt tình, thân thiện, du khách được chụp ảnh tự do, sau đó có thể mua hương hay quà lưu niệm nếu muốn.
Người Huế chuộng nhất hương trầm, cũng là loại hương nổi tiếng nhất ở làng Thủy Xuân. Du khách đến đây có thể mua hương về làm tặng hoặc sử dụng. Hương thơm nhẹ nhàng, dường như nhắm mắt lại cũng có thể hình dung ra hình ảnh xứ Huế thân thương.
Ngân Dương