Cao Bằng không chỉ là vùng đất nổi bật với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi hội tụ nhiều lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Những lễ hội này không chỉ gắn liền với đời sống tâm linh mà còn là cơ hội để người dân và du khách hòa mình vào không khí sôi động, khám phá những nét đẹp văn hóa đặc sắc.
Các lễ hội ở Cao Bằng không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn là dịp để du khách cảm nhận sự ấm áp, mến khách của người dân nơi đây. Vì vậy việc kết hợp tham gia lễ hội cùng với khám phá cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng ở Cao Bằng như thác Bản Giốc, Khu di tích Pác Bó hay động Ngườm Ngao… sẽ mang đến cho du khách một hành trình trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Dưới đây là một số lễ hội tiêu biểu mà du khách có thể tham gia kết hợp với hành trình tham quan du lịch.
1. Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng): diễn ra vào dịp đầu xuân, thường vào tháng Giêng âm lịch tại các huyện vùng cao như Trùng Khánh, Hà Quảng. Lễ hội Lồng Tồng là dịp để người dân cầu mong một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Các nghi lễ truyền thống như rước thần nông, cúng tế đất trời được thực hiện trang trọng, tiếp theo là các trò chơi dân gian sôi động như ném còn, kéo co, đẩy gậy. Du khách tham gia lễ hội không chỉ được hòa mình vào không khí lễ hội mà còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản và trải nghiệm văn hóa địa phương.
2. Lễ hội chùa Đà Quận diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Chùa Đà Quận, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Lễ hội là dịp để người dân địa phương và du khách cầu an, cầu phúc. Điểm nhấn của lễ hội là nghi lễ dâng hương tại chùa và các hoạt động văn hóa như hát Then, đàn tính, múa lân. Khung cảnh lễ hội linh thiêng kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên thanh bình mang đến trải nghiệm khó quên.
3. Lễ hội Pác Bó diễn ra vào khoảng tháng 2 âm lịch tại Khu di tích lịch sử Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Lễ hội Pác Bó không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn gắn liền với các hoạt động văn hóa, thể thao và trải nghiệm ẩm thực địa phương. Du khách có thể tham quan di tích lịch sử, tìm hiểu về cuộc sống và công việc cách mạng của Bác Hồ trong thời gian hoạt động tại Pác Bó.
4. Lễ hội Thanh Minh diễn ra vào tháng 3 âm lịch tại các làng bản của đồng bào Tày, Nùng. Lễ hội Thanh Minh là dịp để người dân tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên. Đây cũng là thời điểm các gia đình quây quần bên nhau, thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh trứng kiến, bánh gai. Du khách có thể tham gia lễ hội để hiểu thêm về văn hóa thờ cúng và sự gắn kết cộng đồng của người dân địa phương.
5. Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên diễn ra vào ngày 2 tháng 2 âm lịch hàng năm tại huyện Quảng Uyên. Lễ hội là nét văn hóa độc đáo của người Tày, Nùng. Tâm điểm của lễ hội là nghi lễ múa pháo hoa và các trò chơi dân gian truyền thống. Đây là lễ hội thể hiện sự biết ơn đối với các vị thần linh, cầu mong mùa màng tươi tốt và cuộc sống ấm no.
6. Lễ hội Nàng Hai (Hội cầu phúc) diễn ra vào tháng Giêng âm lịch (kéo dài 3 ngày) tại xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa. Lễ hội Nàng Hai là nghi lễ tâm linh quan trọng của người Tày, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc. Điểm đặc sắc của lễ hội là các tiết mục văn nghệ dân gian, hát Then và những điệu múa truyền thống.
7. Lễ hội Hát Then, đàn tính diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 11, tùy theo kế hoạch của Ban tổ chức. Lễ hội diễn ra tại thành phố Cao Bằng hoặc các khu du lịch cộng đồng. Đây là dịp để tôn vinh nghệ thuật hát Then, đàn tính - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Du khách được thưởng thức những màn trình diễn đặc sắc, đồng thời tham gia giao lưu với nghệ nhân và khám phá văn hóa dân gian địa phương.
Trung tâm Thông tin du lịch