Mâm cỗ cúng Thần Tài tùy vào điều kiện mỗi gia đình, nhưng dân gian lưu truyền, cỗ mặn không thể thiếu món heo quay và cỗ tam sên gồm 1 miếng thịt, 1 con tôm, 1 quả trứng luộc.
Ngày Thần Tài (10/1 âm lịch) năm nay rơi vào ngày 21/2. Theo chuyên gia văn hóa Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), những việc quan trọng cần làm trong ngày vía Thần Tài đó là: lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đồ cúng và làm lễ cúng.
Theo quan niệm dân gian, Thần tài là vị thần mang đến may mắn về tiền bạc, hanh thông trong công việc cho người dân. Chính vì thế, với giới kinh doanh, việc chuẩn bị mâm cỗ cúng Thần Tài vô cùng quan trọng.
Cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm, nhà nhà lại nô nức sắm sửa lễ vật cúng vía Thần Tài.
Mâm cỗ cúng ngày vía Thần Tài bắt buộc phải có thịt heo quay (do dân gian truyền tai nhau Thần Tài thích ăn thịt quay), còn có thêm mâm cỗ "Tam Sên" gồm: 1 miếng thịt heo luộc, trứng luộc và tôm (hoặc cua) luộc.
Ở miền Nam, đa số người dân thờ chung ông Thần Tài với ông Thổ Địa nên còn chuẩn bị thêm cá lóc nướng ở bàn thờ. Khi chuẩn bị đồ cúng ngày vía Thần Tài ngoài thịt quay, "Tam Sên" còn phải có bình hoa, trái cây. Trong các loại trái cây, người ta chọn quả có tên, màu may mắn, ví dụ quýt (vì tiếng Hoa đọc là cát trong cát tường như ý), thanh long đỏ, dưa hấu đỏ…
Riêng hoa cúng Thần Tài, không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Có nơi đồ cúng còn có xôi và chè trôi nước để làm ăn, buôn bán trôi chảy.
Dân gian còn có tục mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc Thần Tài.
Bên cạnh mâm cỗ mặn, dân gian còn có tục mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc Thần Tài, cúng xong mang trên người sẽ được may mắn quanh năm.
Ngoài ra, cúng Thần Tài còn có khay vàng giấy, hai bên bát hương là hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu.
(Theo kienthuc.net.vn)
Sưu tầm: Ngô Diệp