(Dân Việt) “Tết cả năm không bằng Rằm tháng 7” là câu nói dân gian có từ lâu đời thể hiện tầm quan trọng của cái tết tháng Âm lịch đối với cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc. Rằm tháng 7 Âm lịch còn gọi là lễ “Pây Tái” - một trong ba cái tết quan trọng nhất của năm.
Lễ “Pây tái” dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là về nhà ngoại, thường diễn ra vào ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy hằng năm. Mặc dù đã có chút mai một, song ở Lục Yên, Yên Bái nét đẹp văn hóa này vẫn được duy trì và gìn giữ.
Cứ đến ngày 14/7 Âm lịch hằng năm, gia đình chị Hoàng Thị Hòa (dân tộc Nùng, thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, Yên Bái) lại tạm gác mọi công việc đồng áng để chuẩn bị ăn Tết rằm tháng 7. Mọi người trong gia đình quây quần làm bánh chuối, vịt thịt để cúng tổ tiên, chuẩn bị đồ lễ để “Pây tái” nhà ngoại.
Chị Hòa chia sẻ: “Ngay từ ngày 13 Âm lịch gia đình tôi đã đi tìm vịt, gà sạch và chuẩn bị gạo, đỗ, lạc để ngày 14 đi Tết nhà ông, bà ngoại. Gia đình tôi luôn duy trì phong tục này hằng năm để gìn giữ bản sắc truyền thống của dân tộc mình.”
Chị Hoàng Thị Hòa cùng chồng gánh đồ "Pây tái".
Theo phong tục truyền thống người Tày, Nùng quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng, và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng.
Chính vì vậy, ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng con mình trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc cho cha mẹ. Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu cho cha mẹ đẻ của mình mà còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh và chăm sóc cho cô gái mà mình lấy về làm vợ.
Con gái chuẩn bị đồ để về báo hiếu cha mẹ trong Rằm tháng 7.
Trong dịp này, người phụ nữ Tày, Nùng cùng chồng sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên. Rằm tháng Bảy người Tày, Nùng cũng có tín ngưỡng cúng “Xá tội vong nhân”, mọi thủ tục và nghi thức cúng bái cũng giống như người Kinh.
Ông Hoàng Xuân Khánh (thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, Yên Bái) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở con, cháu biết được ý nghĩa của ngày Rằm tháng 7 để không bị mai một, đồng thời cũng phát huy hết được những phong tục tập quán của cha ông từ lâu nay”.
Gia đình quây quần bên mâm cơm ngày rằm.
Khi về nhà ngoại, cô con gái thường mang theo gà, vịt, một chục bánh gai, rượu để biếu bố mẹ, anh em họ hàng và mang theo chút bánh kẹo làm quà cho trẻ con. Dịp này, con cái có dịp báo hiếu cha mẹ bằng những việc làm cụ thể như, giặt giũ, may vá quần áo cho bố mẹ, giúp cha mẹ hoàn thành những tâm nguyện trong cuộc sống.
Khi về nhà ngoại, cô con gái thường mang theo gà, vịt, một chục bánh gai, rượu để biếu bố mẹ, anh em họ hàng.
Bánh chuối, loại bánh truyền thống trong ngày Rằm tháng 7 của người Tày, Nùng.
Sau đó, người phụ nữ Tày, Nùng cùng chồng sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên. Đối với người Tày, Nùng ở Lục Yên, món ăn không thể thiếu trong dịp Rằm tháng 7 là thịt vịt, thịt gà luộc, bún trắng và canh thịt vịt nấu măng. Đó là những món ăn truyền thống gắn liền với phong tục ăn tết vào rằm tháng 7 âm lịch.
Người phụ nữ cùng chồng sửa soạn đồ lễ cũng ông bà, tổ tiên.
Ông Trần Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: “Đối với địa phương có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Tày và Nùng, chính vì vậy mỗi dịp Rằm tháng 7, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ăn Tết, đồng thời phát huy được những ý nghĩa của ngày lễ, tết này để làm sao qua các thế hệ vẫn được lưu giữa và phát huy”.
Lễ Pây tái hiện vẫn được người Tày, Nùng ở vùng đất Ngọc bảo tồn, gìn giữ. Dù cách làm, phong tục mỗi nơi, mỗi dân tộc khác nhau nhưng tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên trong ngày rằm tháng Bảy đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.