Cuốn “Những vấn đề triết học Phật giáo” xuất bản ở Petrograt năm 1918 và hầu như chưa được dịch ra các thứ tiếng Âu châu. Tác giả cuốn sách - Viện sĩ O.O. Rosenbeng - học trò của nhà Phật học nổi tiếng thế giới Stcherbtsky. Cuộc đời của O.O. Rozenberg giành phần lớn cho việc nghiên cứu triết học Phật giáo.
LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn “Những vấn đề triết học Phật giáo” xuất bản ở Petrograt năm 1918 và hầu như chưa được dịch ra các thứ tiếng Âu châu. Tác giả cuốn sách - Viện sĩ O.O. Rosenbeng - học trò của nhà Phật học nổi tiếng thế giới Stcherbtsky. Cuộc đời của O.O. Rozenberg giành phần lớn cho việc nghiên cứu triết học Phật giáo. Ông dự kiến chia “Nhập môn triết học Phật giáo” làm ba tập.
Tập một, liệt kê toàn bộ những tài liệu về Phật giáo ở Trung quốc và Nhật bản bằng ba thứ tiếng: Phạn, Trung quốc và Nhật bản. Tập hai là nội dung chủ yếu của công trình mới đầu đề “Những vấn đề triết học Phật giáo”, mà chúng tôi giới thiệu ở đây. Tập ba, ông định trình bày về “Những tông phái Phật giáo”, trên bình diện triết học. Rất tiếc cuộc đời ông chỉ hoàn thành hai tập đầu, còn tập ba, ông chưa kịp viết đã mất.
Nhưng với hai tập đầu, O.O. Rozenberg đã đóng góp cho Phật học thế giới những tác phẩm nổi tiếng và sau này đã trở thành những tác phẩm kinh điển của Phật học Nga và Xô viết. Cuốn “Những vấn đề triết học Phật giáo” đã đi sâu vào những vấn đề lý luận cơ bản lâu đài của Phật giáo dựa trên các căn bản Trung quốc và Nhật bản.
Mặc dù Viện sĩ khiêm tốn cho rằng tác phẩm này chỉ là liệt kê ra những vấn đề triết học Phật giáo, còn đi sâu hơn cần có những chuyên khảo, nhưng chúng tôi vẫn thấy đây là một tác phẩm có giá trị cho đến ngày nay. Bởi vậy, chúng tôi xin mạnh dạn với Quý vị độc giả cuốn sách này.
Thiết nghĩ nó là tài liệu tham khảo, giúp ích phần nào cho độc giả và giới tu hành hiểu thêm Phật giáo trên bình diện lý luận, từ đó góp phần tạo nên cái không chung để chúng ta nghiên cứu Phật giáo Việt nam - một tôn giáo đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử tư tưởng và văn hóa nước ta. Cuốn sách này được phó tiến sĩ triết học Phật học Nguyễn Hùng Hậu và phó tiến sĩ Mỹ học Ngô Văn Doanh dịch. Tất nhiên, cũng như mọi cuốn sách khác, nó không tránh khỏi những khiếm khuyết, mong độc giả kiến đồng hòa giải.
Hà nội, ngày 15-8-1990
Thượng tọa Thích Thanh Tứ
Công trình đang ở trước mắt bạn đọc, phần hai của bộ “Đại
cương nghiên cứu Phật giáo qua tài liệu Trung quốc và Nhật bản” là kết quả công
việc chuyên môn mà chúng tôi thu được sau bốn năm làm việc tại Nhật bản. Nhiệm vụ mà Khoa các ngôn ngữ phương Đông đặt
ra cho chúng tôi trong đợt công tác ở Nhật bản vào năm 1912 là nghiên cứu ngữ
văn và các văn bản tôn giáo, triết học Nhật bản.
Mảng văn học tôn giáo triết học là lĩnh vực của bộ môn Nhật
học và hầu như chưa được biết tới ở Châu Âu.
Khi tìm hiểu mảng văn học Nhật về Phật giáo và Thần đạo, chúng tôi nhận
thấy cần trước tiên phải biết một giáo trình về từ vựng vì thiếu công cụ này thì
không thể nghiên cứu ngữ văn được.
Tập tài liệu từ vựng,
tức phần đầu của “Đại cương…” có ý nghĩa quan trọng về hai mặt. Một mặt, đó là những quy tắc từ vựng học của
những thuật ngữ về tôn giáo và triết học của Phật giáo, và phần nào của Thần đạo.
Mặt khác, phần đầu của “Đại cương” là cuốn
từ điển đối chiếu các thuật ngữ triết học của tiếng Trung quốc, Nhật và
Sanskrit.
Phần hai của công
trình, tức tác phẩm này có ý nghĩa chung hơn vì nó đề cập tới những vấn đề triết
học Phật giáo. Ở công trình này, chúng tôi cố chỉ ra cơ sở triết học Phật giáo
chung mà từ đó nẩy sinh ra vô vàn những học thuyết khác nhau. Chúng tôi gọi công trình của mình là “Khái
quát một cách hệ thống những vấn đề” chứ không gọi là hệ thống triết học Phật
giáo vì không có những hệ thống chung bên cạnh những tông phái riêng biệt. Bởi vậy, cố gắng tạo lập ra một hệ thống Phật
giáo trừu tượng chung như vậy là một việc làm vô ích. Chỉ tồn tại những hệ thống riêng biệt của những
tông phái và những tác giả khác nhau.
Nhưng những hệ thống đó lại thống nhất ở tính chung khái quát của những
vấn đề, những phương thức, những cách giải quyết và những kết luận. Những hệ thống đó khác biệt nhau, chủ yếu, là
ở chỗ vấn đề nào được đưa lên bình diện chủ yếu và những vấn đề nào ít được chú
ý hơn. Với nghĩa này, những biểu hiện thống
nhất của một số vấn đề, của một vài nhóm tư tưởng tạo nên sự gắn bó không thể
tách rời được giữa các hệ thống với nhau, chúng ta có quyền nói về một “Phật
giáo” chung cũng như về thế giới quan đặc trưng của Phật giáo, theo kiểu như
chúng ta thường nói về một “Thiên chúa giáo” chung, nhưng kỳ thực cũng đã bị
phân ra thành một loạt những xu hướng thù địch nhau.
Quy tắc phương pháp luận quan trọng nhất để thiết lập nên
công trình này là điều chúng tôi cho rằng, nghiên cứu Phật giáo phải bắt đầu từ
sự hiểu biết về những hình thức mà nó hiện còn tồn tại ở Nhật bản. Có hiểu được
giáo điều Phật giáo hiện đại ở Nhật bản, mới dễ dàng chuyển sang nghiên cứu những
hình thức cổ của Phật giáo.
Quy tắc cơ bản là từ nghiên cứu cái đã biết sang nghiên cứu
cái chưa biết chứ không phải là ngược lại, sẽ đem lại những kết quả, phần nào,
hoàn toàn đối lập với các cách hiểu đang được thừa nhận ở châu Âu về Phật giáo
cổ. Dường như những bản luận triết học
có hệ thống là cơ sở giáo điều cho các tông phái Phật giáo đã tồn tại và đang tồn
tại. Văn bản linh thiêng, theo nghĩa hẹp,
hiển nhiên là các kinh (“Sutra”). Nhưng
các Sutra bao giờ cũng được diễn giải ở các bản luận này hay các bản luận
khác. Nếu xuất phát từ hiện đại để nhìn
quá khứ, chúng ta luôn luôn thấy ở nơi một hiện tượng khác nhau: Cuộc sống giáo điều của Phật giáo chỉ bó hẹp
trong các bản luận, với cao tăng được giáo dục bằng các bản luận, và các kinh
luôn luôn được nghiên cứu theo nghĩa các bản luận.
Từ những điều vừa nêu, nẩy ra một ý quan trọng là: Nghiên cứu Phật giáo cổ cần phải bắt đầu từ
những bản luận có hệ thống chứ không phải từ các kinh. Cho đến nay, ở châu Âu,
người ta thường đưa các bộ kinh lên bình diện đầu tiên và ít chú ý tới các bản
luận và những chú giải. Bởi vậy chúng
tôi không lấy những tác phẩm ở châu Âu về Phật giáo làm cơ sở tư liệu cho công
trình của mình.
Do không lưu ý tới các bản luận nên các nhà Ấn độ học châu
Âu thường bỏ qua các ý nghĩa đặc biệt của khái niệm “dharma” trong thuật ngữ học
Phật giáo. Thế mà trong thực tế, việc hiểu
toàn bộ triết học Phật giáo lại phụ thuộc chính vào việc hiểu cho đúng thuật ngữ
này. Tất cả những gì đã được trình bày về
dharma trong các tài liệu Âu châu là hoàn toàn không rõ ràng và khó hiểu.
Phật giáo, từ lâu, đã thu hút được sự chú ý như một trong những
tôn giáo thế giới duy nhất có thể đem so sánh với Thiên chúa giáo và Hồi giáo về
mức độ ảnh hưởng và phổ cập đối với các dân tộc thuộc các chủng tộc rất khác
nhau nhất. Hơn thế nữa, Phật giáo như là
một lực hút kỳ lạ làm người này ghét, khiến người kia yêu. Người ta coi Phật giáo hoặc như một điển hình
thời ngẫu tượng, hoặc như một điển hình tôn giáo kiểu như Thiên chúa giáo, hoặc
như một tôn giáo dung hòa được với khoa học hiện đại, hoặc như một tôn giáo của
tương lai.
Sở dĩ có tình trạng đánh giá khác nhau như vậy vì văn bản Phật
giáo và bản chất hệ thống triết học của Phật giáo còn chưa được nghiên cứu được
đầy đủ và thật khách quan như các hệ thống triết học tôn giáo khác. Nhiều công trình nghiên cứu bộc lộ khuynh hướng
chủ quan, hoặc luận chiến, hoặc chống đối Phật giáo, hoặc biện hộ…Thậm chí có cả
những công trình phủ nhận lịch sử thực của giáo điều và triết học Phật giáo.
Chỉ khi lịch sử phát triển của tư duy triết học Phật giáo được
nghiên cứu đầy đủ, rõ ràng, thì sẽ không còn những phán xét không thật khách
quan, thì chúng ta sẽ thấy đạo Phật không bao giờ dạy tín đồ của mình rất nhiều
điều mà địch thủ của họ gắn cho họ. Chỉ
khi nào Phật giáo được nhiên cứu kỹ như một thế giới quan triết học tôn giáo gồm
cả những thành tựu và khiếm khuyết thì khi đó nó mới giành được vị trí của mình
bên cạnh những hệ thống khác trong lịch sử tôn giáo và triết học.
Tuy vậy, giờ đây đã
có thể nói rằng, Phật giáo hoàn toàn không có cái gì là mù mờ, khó hiểu cả,
hoàn toàn không phải là một học thuyết thần bí, không hề giống tư tưởng châu
Âu, như một số nhà nghiên cứu nêu ra. Cả
trong Phật giáo, cả trong triết học Ấn độ nói chung, về thực chất, không có gì
là kỳ lạ và khó hiểu cả đối với chúng ta - những người Âu. Nhưng, những vấn đề mà chúng ta cũng biết lại
được người Ấn độ xem xét lý giải, làm sáng rõ theo những quan điểm khác. Vì vậy, triết học Ấn độ, khi đã được nghiên cứu
chi tiết, sẽ làm phong phú thêm và bổ sung thêm cho triết học Âu châu.
Khi soạn thảo công trình này, chúng tôi theo đuổi những mục
đích sau. Chúng tôi muốn trình bày những kết quả mà mình trực tiếp thu được qua
khảo cứu truyền thống kinh viện sống động, qua văn bản giáo lý của Nhật bản. Bằng cách đó, chúng tôi muốn nghiên cứu Phật
giáo trên những nguồn cứ liệu mà hầu như cho đến nay còn chưa được khai thác hoặc
chỉ được khai thác quá ít ỏi.
Qua nguồn tài liệu mới, chúng tôi cảm thấy, khái niệm
“dharma” có một ý nghĩa quyết định đối với triết học Phật giáo cũng như khái niệm
“tư tưởng” đối với triết học Platon.
Trình bày giáo lý kinh viện của Phật giáo như luận thuyết về dharma
(Pháp) dưới dạng một hệ thống đầy đủ, hoàn chỉnh của những học thuyết về kinh
nghiệm về giải thoát, tức về tồn tại và chân như siêu hình, và nhấn mạnh ý
nghĩa tư tưởng triết học chủ yếu này đối với Phật giáo, cho đến nay là một công
việc chưa ai lưu ý tới và chưa được tiến hành.
Lôgíc học và những vấn đề chuyên về nhận thức luận là những
vấn đề cực kỳ quan trọng của Phật giáo, nhưng lại không được đề cập đến trong
công trình của chúng tôi, vì rằng những vấn đề đó đã được phân tích tỉ mỉ trong
chuyên khảo của giáo sư F. I. Serbatskôi.
Cuối cùng, trong khi trình bày những điểm cốt yếu của Phật
giáo, chúng tôi sẽ cố gắng dùng ngôn từ thông dụng trong các sách vở về triết học
của chúng ta, cố tránh những thuật ngữ quá ước lệ và quá chuyên sâu, cố không dẫn
ra những loại văn bản trích từ kinh sách, để tập trung vào phân tích những vấn
đề chính. Khi truyền đạt những thuật ngữ,
chúng tôi sẽ cố nắm bắt bản chất học thuyết triết học của chúng, trước hết trên
cơ sở những tài liệu mà chúng tôi trực tiếp sử dụng được và có trong tay - những
tài liệu Nhật bản và Trung quốc, rồi đem bổ xung và đối chiếu thuật ngữ đó với
các tài liệu bằng tiếng Sanskrit.
Xin lưu ý độc giả một điều nữa, trong công trình này, chúng
tôi sử dụng các thuật ngữ gốc bằng tiếng Sanskrit để thay cho các thuật ngữ bằng
tiếng Nhật hay Trung quốc. Sở dĩ chúng
tôi làm như vậy là bởi vì, nếu làm ngược lại, thì tác phẩm này lại không có một
gắn bó gì với khối sách vở Âu châu viết về Phật giáo. Những đối sánh bằng tiếng Nhật và Trung quốc
được đưa vào phần chú thích chứ không cho vào văn bản chính. Bởi lý do đó, nên trong phần chính của công
trình, sẽ ít gặp các từ Nhật bản, mặc dầu công trình lại gắn bó rất chặt chẽ với
mảng văn bản giáo lý của Nhật bản.
Petrôgrat, tháng 3 năm 1918
O. Rôzenberg
Nguồn: Tu viện Quảng Đức