Bốn ngày Tết diễn ra là những ngày người Hà Nhì kiêng kỵ làm việc.
Tết Mùa mưa (Dế khù chà) được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm, khi bắt đầu mùa mưa và lúa đã đến thì con gái. Dân bản sẽ họp bàn và thống nhất ngày cúng, thường được chọn là ngày hợi (con lợn) hoặc ngày thìn (con rồng).
Trước ngày diễn ra lễ cúng sẽ có lễ dựng cây đu, đây là phong tục cổ truyền lâu đời của người Hà Nhì ở vùng cao Tây Bắc (chủ yếu tập trung ở Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên).
Khi đã chọn được ngày, các hộ gia đình gần như cùng lúc tổ chức nghi thức của Tết Mùa mưa. Những phụ nữ chọn cho mình bộ trang phục mới và đẹp nhất để mặc trong ngày này.
Nồi xôi nấu bằng gạo nếp nương, một loại gạo chỉ có ở vùng cao Tây Bắc, hạt tròn mẩy, thơm, dẻo để giã bánh dày.
Rạng sáng hôm sau, vào ngày hợi, những phụ nữ trong nhà đồ xôi, giã bánh dày. Công đoạn giã được hầu hết thành viên trong gia đình cùng tham gia để thể hiện tình đoàn kết. Bánh được coi là thành quả lao động vất vả của gia đình trong năm qua, đồng thời là thứ lễ vật thơm ngon mong tổ tiên về chứng giám cho lòng thành của gia chủ, phù hộ năm tới mùa màng bội thu.
Từ chiều hôm trước, phụ nữ trong nhà đi lấy lá chuối, ngâm gạo nếp, chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho lễ cúng. Lễ vật gồm 2 con gà, một quả trứng, một bát nước trắng, một chai rượu. Ngoài ra, một số vật dụng, trang sức không thể thiếu còn có vòng tay, khăn, áo, quần, váy của các thành viên trong gia đình.
Lễ cúng được thực hiện ngoài cửa và trong nhà, nơi có ban thờ tổ tiên, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; lợn, trâu, gà sinh sôi đầy đàn và con cháu được khỏe mạnh.
Cúng xong chủ lễ mang tất cả lễ vật vào nhà, để cạnh bàn thờ, sau đó cho các thành viên trong nhà cùng uống bát nước trắng. Từng người uống nước đồng nghĩa với việc hồn của họ đã trở về. Sau đó gia chủ trả lại trang sức, quần áo, vật dụng cho từng người.
Các nghi thức hoàn tất, tùy từng gia đình ưu tiên cho trẻ nhỏ hoặc người già ăn trước rồi sau đó cả gia đình mới cùng ăn. Cũng có thể gia chủ mời thêm anh em, bạn bè, hàng xóm láng giềng đến ăn Tết với gia đình mình.
Trong ngày này, hai cây đu được dựng lên. Cây đu trong nhà cho trẻ nhỏ, còn người lớn cùng nhau chơi cây đu ở khu đất giữa bản.
Tết mùa mưa được người Hà Nhì tổ chức trong 4 ngày, đồng thời là 4 ngày kiêng kỵ. Mọi người trong gia đình không được đi làm mà chỉ vui chơi và cùng nhau ăn uống, múa hát vui vẻ. Đây cũng chính là thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức lao động sau một năm làm lụng vất vả.
Ngọc Thàn